Lãnh đạo SCIC kỳ vọng dựa trên Thông tư 36/2021 có hiệu lực từ 10/7 thì có thể triển khai các thương vụ thoái vốn.
Chuyên gia nhận định hoạt động thoái vốn được khởi động lại trong nửa cuối năm nhưng khó đột phá.
Hoạt động thoái vốn Nhà nước có thể được đẩy mạnh vào nửa cuối năm 2022.
 
Tại hội thảo diễn ra cuối tháng 6, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định thị trường chứng khoán hiện nay diễn biến rất tích cực, là thời điểm thích hợp cho việc thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa. Ủy ban đã có kiến nghị với Bộ Tài chính cần tranh thủ nguồn cầu dồi dào để thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa tăng nguồn cung cho thị trường.
 
“Bộ trưởng Tài chính đang có những chỉ đạo quyết liệt, tới đây nhà đầu tư sẽ thấy được những chương trình cụ thể”, ông Dũng thông tin thêm.
 
Thực tế cho thấy trong 6 tháng đầu năm mặc dù thị trường chứng khoán thăng hoa nhưng hoạt động thoái vốn gần như đóng băng, không tận dụng được "sóng" tăng vừa qua. Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết việc phải chờ văn bản hướng dẫn Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ban hành 30/11/2020 khiến hoạt động thoái vốn của SCIC đứng lại từ đầu năm đến nay. Cụ thể, có 2 nội dung thuộc Nghị định phải hướng dẫn thi hành là việc xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp và quy chế bán đấu giá mẫu.
 
Vào cuối tháng 6, Thủ tướng mới ban hành thông tư 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định 91/2015, Nghị định 32/2018, Nghị định 121/2020 và Nghị định 140/2020. Thông tư 36/2021 hướng dẫn nhiều quy định tại Nghị định 140, trong đó điều quan trọng nhất là hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp theo giá trị văn hóa, lịch sử. Thông tư có hiệu lực từ 10/7/2021, lãnh đạo SCIC kỳ vọng dựa trên đó, tổng công ty có thể bắt đầu triển khai các thương vụ thoái vốn.
 
Dù “nút thắt” Nghị định 140 được tháo gỡ, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho rằng cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước có thể cải thiện hơn trong 6 tháng cuối năm nay, tuy nhiên không kỳ vọng có sự tăng trưởng đột phá.
 
Cùng quan điểm, ông Hoàng Huy – Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán MBKE cho rằng tốc độ thoái vốn nhiều khả năng chỉ được đẩy mạnh từ nửa cuối năm 2022 sau khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng và Covid-19 không còn là mối bận tâm hàng đầu của Chính phủ. Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm hơn 90% giá trị giao dịch toàn thị trường hàng ngày, dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài chưa quay trở lại là một thách thức cho việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
 
Thoái vốn Sabeco, FPT, Bảo Minh, Vocarimex được kỳ vọng thực hiện trong nửa cuối năm
 
Sabeco, FPT, Vinatex nằm trong danh sách thoái vốn 2021 của SCIC.
 
SCIC đã công bố danh sách 88 doanh nghiệp dự kiến triển khai bán vốn năm 2021. Nhiều cái tên nổi bật được tổng công ty dự kiến bán trong năm nay như 36% vốn tại Sabeco (HoSE: SAB), 50,7% vốn tại Bảo Minh (HoSE: BMI), 40,7% vốn Tổng công ty Licogi, 63,38% vốn Seaprodex, 36,3% vốn Vocarimex (UPCoM: VOC), 37% vốn Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP), gần 6% vốn FPT, 53,5% vốn Vinatex (UPCoM: VGT)…
 
Trong đó, ông Hinh cho rằng những thương vụ thoái vốn kỳ vọng có thể được thực hiện trong nửa cuối năm gồm Sabeco, FPT và Bảo hiểm Bảo Minh. Về hoạt động cổ phần hóa thì các cơ quan Nhà nước dự kiến đẩy mạnh cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) và Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Viễn thông Di động Việt Nam (MobiFone).
 
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Bảo hiểm Bảo Minh, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết chủ trương thoái vốn đã được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước phê duyệt trong năm nay. Tiến trình này bị tắc lâu nay do điểm nghẽn Nghị định 140. Như vậy, tiến trình thoái vốn Nhà nước tại Bảo Minh có thể được thúc đẩy khi Thông tư 36 có hiệu lực ngày 10/7 tới.
 
SCIC đã nhận chuyển giao 36% vốn Sabeco từ Bộ Công Thương từ cuối tháng 8/2020. Việc chuyển giao này nhằm mục đích để tiến hành giảm vốn nhà nước tại Sabeco về 0% theo quyết định 908 của Thủ tướng phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết 2020.
 
Ngoài ra, một thương vụ thoái vốn khác được kỳ vọng thành công khi mà người mua đã sẵn sàng là Vocarimex. Tập đoàn Kido (HoSE: KDC) – công ty mẹ nắm 51% vốn Vocarimex vẫn đang chờ đợi SCIC triển khai thoái vốn để mua cổ phần, thực hiện hóa kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên.
 
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido trả lời cổ đông trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 rằng tiến trình hợp nhất Dầu thực vật Tường An (HoSE: TAC) phụ thuộc vào SCIC bán vốn Vocarimex. Dù không biết được thời điểm SCIC thoái vốn nhưng lãnh đạo Kido khẳng định việc hợp nhất sẽ diễn ra trong năm nay.
 
Rất nhiều thương vụ thoái vốn được mong đợi như Petrolimex, VEAM, Viglacera, PV Oil… nhưng khó có thể thực hiện trong năm nay và nhiều khả năng dành tới 2022-2023.
 
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Thủ tướng cơ bản chấp thuận việc Nhà nước không nắm giữ vốn tại Viglacera và sẽ có kế hoạch bán vốn cụ thể trong năm 2022. 
 
Hay với trường hợp PV Oil (UPCoM: OIL), ông Lê Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT thông tin doanh nghiệp đang từng bước xử lý vướng mắc như quyết toán cổ phần hóa tại Petec, sắp xếp, xử lý đất đai theo Nghị định 167 của Chính phủ… Theo đó, việc thoái vốn Nhà nước dự kiến hoàn thành vào năm 2023 sau khi quyết toán xong cổ phần hóa Petec và của chính tổng công ty.
 
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, Ông Phạm Văn Thanh – Chủ tịch Petrolimex (HoSE: PLX) thì cho biết Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đang trong quá trình tham khảo ý kiến các bộ ngành liên quan về tỷ lệ giữ lại phù hợp theo chỉ đạo của Chính phủ.
 
Ngọc Điểm