Nếu coi cao su là vàng trắng, mủ kem đích thực là thứ bạch kim quý giá dùng để sản xuất ra cao su Latex – nguyên liệu chính của các sản phẩm cao cấp trong y tế và cuộc sống.
 
 
9h sáng tại Nông trường Cao su Đoàn Kết, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, không khí như mở hội. Gần 20 công nhân Đội 1 tập trung, với hàng cơ số những thùng 20l chứa đầy mủ cao su màu trắng. Chuyện trò rôm rả nhưng ánh mắt họ vẫn hướng về phía con đường nhựa 2 làn xe, nối từ Bệnh viện huyện Chư Prông đến UBND xã Ia Boòng như chờ đợi điều gì.
 
Tiếng cười nói bỗng im bặt khi chiếc xe bồn gom mủ cao su của công ty chầm chậm xi nhan, rẽ vào con đường đất đỏ bazan. Từ trong lán, chị Đinh Thị Nga, Đội trưởng Đội 1 đứng phắt dậy. Tay chỉ về phía bể nổi rộng chừng 1 khối, miệng nói như thét: “Phương, H’Bily nhanh lên. Xe tới rồi!”.
 
Sau quân lệnh ấy, đội hình các nữ công nhân nhanh chóng xếp thành 2 hàng ngay ngắn. Xe vừa tấp vào lề, tài xế Dũng mau mắn bước xuống, lắp ống xả nước vào bể. Đồng thời, một tốp nữ trèo lên thùng xe, mở liền mấy can đựng ammoniac 15%. Nước vừa rút hết trong téc cũng là lúc họ đổ ammoniac vào.
 
Tả thì lâu chứ thực tế, hành động của cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông như một dây chuyền tự động. Toàn bộ quy trình diễn ra trong vỏn vẹn vài phút. Nhanh đến nỗi, khi chúng tôi đứng kế bên chưa kịp nhận ra họ đang làm gì thì đã thấy mắt cay xè vì ammoniac. Một anh trong đoàn còn lảo đảo vì mùi cay nồng trong không khí.
 
Hỏi ra mới biết, ammoniac giúp cao su chống đông đặc. Chọn tạo được vườn cây cho ra thứ mủ kem màu trắng quý giá – nguyên liệu chính để sản xuất cao su Latex – đã khó, nhưng khai thác, bảo quản mủ còn ngặt nghèo hơn gấp bội. Ngay cả công đoạn trộn ammoniac vào trong téc cũng cầu kỳ. Sau khi đổ một lượng nhất định theo công thức có sẵn, người công nhân sẽ lấp đầy nửa téc, rồi đổ tiếp ammoniac. Cuối cùng mới đong toàn bộ cao su vào thùng chứa.
 
 
Ammoniac là sản phẩm sẵn có, rẻ tiền để bảo quản mủ cao su trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng đưa mủ về xử lý, chế biến, mủ có thể bị sẫm màu hoặc giảm chất lượng, gặp nguy cơ không đủ tiêu chuẩn sản xuất cao su Latex. Vì thế, không ai bảo ai, tất cả đều nỗ lực gấp đôi bình thường.
 
Ở dưới đất, nửa đội hình còn lại của chị Nga cũng chẳng ngơi tay. Trước khi xe đến, họ chừa sẵn khoảng 10 thùng rỗng. Nước sạch từ téc vừa tới lưng bể, họ lập tức múc vào số thùng này, lấy tay kỳ sạch, xong đâu đấy lặp lại công đoạn thêm 1 – 2 lần. Những chiếc thùng vừa được tẩy rửa sẽ là chỗ chứa cao su cuối cùng từ các điểm thu gom, trước khi đổ vào téc và chở về nhà máy.
 
Trong cái nắng giữa hè oi ả, Mai Thị Phương đứng sát chúng tôi mồ hôi đã ướt đẫm trán. Thỉnh thoảng, chị lấy cườm tay quệt khẽ vào chỗ khẩu trang đang phập phồng nơi cánh mũi. Mắt khép hờ như muốn để luồng khí thở sượt nhẹ qua. Xong tích tắc ấy, chị lại quơ mạnh cánh tay và cắm cúi làm tiếp.
 
Tới lúc xong việc, Phương mới kéo khẩu trang trễ mũi, thở hắt và bảo: “Mủ kem này quý lắm. Chúng em đã được nông trường dạy kỹ tay nghề, nhất là lúc thu gom. Làm không nhanh, mủ đặc lại hay vón cục là coi như cả ngày công đi tong”.
 
 
Ai đã từng đi qua vườn cao su, đặc biệt là lúc thu gom hẳn không thể quên mùi hôi đặc trưng. Cánh công nhân hay tếu táo gọi đấy là “mùi cơm áo gạo tiền”, thực chất là do quá trình phân hủy protein và chất hữu cơ trong môi trường axit của mủ, sinh ra các loại khí gây mùi như hydro sunfua, metan, cacbonic, ammoniac… Người vào vườn cao su lần đầu có thể bị ám mùi này cả ngày.
 
Mủ cao su thông thường, còn gọi là mủ tạp, là các loại mủ đất, mủ chén, mủ vỏ được thu gom trong quá trình lấy cao su từ cây. Mủ tạp lẫn nhiều tạp chất, kể cả đất, khiến nước ngâm rửa loại mủ này chứa nhiều chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng (serium), gây mùi hôi. Một số công nhân nhạy cảm có thể phải mất cả tháng trời mới quen được mùi này.
 
Ấy vậy mà mủ kem dùng để chế tạo cao su Latex như một thái cực khác hẳn. Dù đã tới gần hàng chục thùng đựng mủ của Nông trường Đoàn Kết và khụt khịt mũi nhiều lần để tránh việc bị “chai sạn” với mùi cao su, chúng tôi tuyệt nhiên không thấy thứ hương vị đặc trưng. Thay vào đó, mủ kem cho cảm giác beo béo, ngậy ngậy, khá giống mùi sữa bò mới được vắt xong. Nếu đặt thùng mủ kem ở một nơi khác, chắc nhiều người sẽ nhầm lẫn.
 
Như hiểu được điều ấy, chị Đinh Thị Nga, người có 28 năm gắn bó với ngành cao su, cười giải thích: Thứ mủ kem mà các anh thấy đã được lọc nhiều lần để loại bỏ tạp chất. Mủ mang về nhà máy phải tồn tại ở trạng thái nhũ tương, không được phép có những lợn cợn.
 
Có bố từng lái máy kéo, mẹ làm nhân viên đánh máy cho công ty cao su, chị Nga thuộc thế hệ thứ hai của những người con vùng Hà Nam Ninh lên Chư Prông xây dựng vùng kinh tế mới. Với người phụ nữ sắp bước sang tuổi 50, cao su là nắng, là mồ hôi, là những buổi sương sớm chong đèn đi cạo mủ và cũng là những đêm mất ngủ khi vừa ru con say giấc đã lật bật dậy thổi cơm lên nông trường.
 
Hơn 300 tháng, 10.000 ngày bám vườn, bám cây, chị như nghe được cả hơi thở của cao su. Chẳng thế mà dù khi khỏe mạnh hay lúc trái gió trở trời, chị cũng đều tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất: Lên vườn từ 3 – 4 giờ sáng, vệ sinh sạch sẽ dao cạo, chén, thùng đựng mủ, cũng như thường xuyên thăm vườn để theo dõi sức khỏe của cây.
 
“Đi cạo mủ sớm, tôi mặc quần áo, đi găng tay kín mít vì vườn thường nhiều muỗi. Duy mỗi đôi mắt để hở”, chị nhớ lại.
 
 
Được nông trường vào công ty tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý, chị Nga miệt mài truyền dạy kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận, đặc biệt là những tổ, nhóm có đông đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng nghiệp nâng cao tay nghề.
 
Với mủ kem, thứ nguyên liệu “đắt tiền”, chị luôn nhấn mạnh hai việc. Một là, cạo đúng giờ, thường là khoảng 4h sáng. Từ lúc cạo đến lúc đổ mủ vào téc phải hoàn thành trong vòng 5 tiếng, bằng không mủ có thể bị vón cục. Hai là, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ, tránh lẫn tạp chất khiến mủ bị chuyển màu. Và cũng bởi hai yếu tố này phải đi từ nhận thức, nên chưa ngày nào chị Nga thiếu sát sao với thế hệ trẻ của nông trường.
 
Nhìn đường cạo ngay ngắn của H’Bily, nữ công nhân trẻ nhất nông trường, chị Nga như trút được nỗi lòng. Ít ai biết, đã nhiều lúc chị thấy nỗi buồn trong mắt của những công nhân người Gia Rai, Êđê, M’Nông… khi giá mủ cao su xuống thấp. Nhưng bằng sự thân tình, sẻ chia và lấy bản thân làm gương, chị đã cùng họ vượt qua phút xao lòng.
 
Giờ thì hơn 70% công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số trong số 43 người thuộc Đội 1 chẳng ai còn tâm tư nữa. Họ dành thời gian ấy để trồng hồ tiêu, chanh leo, cà phê để tăng gia, phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
 
Trong số 12 công ty thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam tại khu vực Tây Nguyên, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (Công ty Cao su Chư Prông) là đơn vị duy nhất đang tổ chức khai thác, chế biến sản phẩm mủ Latex với công suất vào khoảng 3.000 tấn/năm.
 
Cao su Latex là một loại chất lỏng phức hợp. Tùy vào từng loại khác nhau mà loại chất liệu cao su này sẽ có những thành phần và tính chất khác nhau.
 
Về tính chất chung, cao su Latex là một loại vật liệu tồn tại ở trạng thái nhũ tương (thể sữa trắng đục) của các hạt tử cao su (pha phân tán) tại môi trường phân tán lỏng. Cao su Latex còn được biết đến với tên gọi là mủ nước, mủ kem tại thị trường Việt Nam.
 
Hiện nay, có 2 loại cao su Latex bao gồm cao su Latex thiên nhiên (NR) và cao su Latex tổng hợp (Synthetic rubber). Trong đó, NR có nguồn gốc từ thiên nhiên, được thu hoạch từ cây cao su, chủ yếu là loại Hevea Brasiliensis (thuộc họ Euphorbiaceae) bằng phương pháp cạo mủ.
 
Điểm đặc biệt trong phương pháp thu hoạch loại mủ này là phải trút hàng ngày, ngoài ra còn phải chống đông bằng dung lịch NH3 15% ngay khi đổ vào téc để vận chuyển về nhà máy. Chưa kể, trong quá trình cạo mủ, công nhân cũng bỏ một lượng dung dịch amoniac loãng để chống đông.
 
Ngay sau khi mủ cao su được thu tại các nông trường sẽ được xe bồn chở đến các nhà máy chế biến.
 
Mủ Latex sau khi chuyển đến nhà máy sẽ được loại bỏ rác và các hạt kích thước to qua rây 40 mesh. Sau đó, mủ được cho vào hồ chứa chung của nhà máy có bố trí các cánh khuấy từ 15 – 30 phút. Khi khuấy, người ta bơm thêm nước sạch vào để điều chỉnh hàm lượng cao su (DRC) từ 20 – 30%.
 
Ngoài ra, người ta thường thêm một lượng Natri Metabisulfit – Na2S2O5 vào hồ nước trước khi pha loãng Latex với nước. Thông thường hàm lượng Natri Metabisulfit sử dụng từ 0,1 – 0,6 kg/tấn.
 
 
Mủ Latex sau khi được phối trộn đều sẽ được bơm lên các bồn nạp liệu. Tại đây hỗn hợp được lắng cặn, lượng mủ sạch sẽ được chuyển xuống máy ly tâm qua hệ thống đường ống. Thường thì bồn được làm chủ yếu từ thép không gỉ inox 304, lắp tại các vị trí cao hơn máy ly tâm.
 
Sau đó, máy ly tâm có nhiệm vụ tách nước và tạp chất ra khỏi hỗn hợp mủ. Sau khi qua máy ly tâm, mủ có hàm lượng cao su từ 60 – 62 DRC và được chuyển vào bồn dự trữ.
 
Bồn thường có thiết kế từ inox 304 có dung tích từ 55 -110m³. Vật liệu inox có bề dày từ 4 – 6mm. Trong thùng có chứa các cánh khuấy được nối qua trục gắn với động cơ trên nắp. Bên trong, hỗn hợp mủ được khuấy trộn liên tục trong hóa chất.
 
Là đơn vị duy nhất của Tập đoàn sản xuất mủ Latex tại Tây Nguyên, thời gian qua, vườn cây của Cao su Chư Prông không ngừng được cải thiện về năng suất, chất lượng, trong đó có vườn cây phục vụ khai thác mủ Latex.
 
Cụ thể, Công ty hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, đặc biệt là Bộ môn sinh lý khai thác. Qua đó, chất lượng vườn cây cũng như năng suất lao động của người công nhân ở hầu hết các nông trường đã được cải thiện đáng kể.
 
Trong thời gian tới, Công ty xác định sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm đã khẳng định thị phần uy tín như mủ Latex (HA), CV50, CV60, tiếp tục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường mà công ty có tiềm năng lợi thế.
 
 
Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thành lập ngày 3/2/1997, là đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Công ty có 10 đơn vị thành viên, trong đó gồm7 Nông trường cao su; 2 xí nghiệp: Chế biến mủ cao su, Chế biến gỗ và 1 Trung tâm Y tế với 60 giường bệnh.
 
Hiện nay, tổng số lao động có 2.500 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 61,75% lao động toàn công ty. Công ty đang có gần 6.000ha kinh doanh ở Việt Nam, còn tại Campuchia có thêm khoảng gần 3.500ha cao su kinh doanh nữa.
 
Về các sản phẩm, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông có các loại mủ SVRCV50, SVRCV60, SVL3, SVR3L, SVR5, SVR10, SVR 20 và mủ Latex. Trong đó Latex hay còn gọi là mủ kem là sản phẩm cao cấp nhất với nhiều yêu cầu khắt khe trong thu hoạch, chế biến, chuyên để sản xuất những sản phẩm cao cấp như găng tay y tế, đồ bảo hộ, mỹ phẩm, đồ trang điểm…
 
Các sản phẩm của công ty hiện được xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới như Brazil, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc… Tỷ lệ mủ xuất khẩu trực tiếp hàng năm đạt 35 – 40% sản lượng.
 
Về thành tích trong hoạt động, trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, công ty đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động năm vào 2005; Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2014, hạng Ba năm 2006; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2003, hạng Nhì năm 1996, hạng Ba năm 1993; Huân chương Chiến công hạng Nhì năm 1993; Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng Ba năm 2009 và nhiều cờ thi đua, bằng khen của các cấp.
 
Nội dung: Bảo Thắng – Tùng Đinh
 
Thiết kế: Trọng Toàn
 
Ảnh: Bảo Thắng – Tùng Đinh