Cao su có liên quan gì đến bất động sản khu công nghiệp và trong bối cảnh giá dầu tăng, giá cao su tăng, các doanh nghiệp có cả mảng bất động sản khu công nghiệp hưởng lợi gì từ câu chuyện này?
 
Với xu hướng tăng giá chung của thế giới do mâu thuẫn địa chính trị Nga – Ukraine và chính sách Zero Covid của Trung Quốc, có thể nói cao su đã bước vào xu hướng tăng trung hạn nhờ sự hồi phục kinh tế sau dịch bệnh và sự thiếu hụt nguồn cung do gián đoạn chuỗi cung ứng.
 
 
Giá cao su trên thị trường thế giới đã gần như tăng mạnh trong gần 3 tháng đầu năm 2022. (Nguồn: Thị trường hàng hóa, dữ liệu từ SICOM, RASCE…)
 
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) hiện đang đặt triển vọng tích cực cho thị trường cao su trong năm 2022, với sản lượng tăng trưởng 1,9% lên mức 14,1 triệu tấn; trong khi nhu cầu tăng 1,2% lên 4,23 triệu tấn. Tuy nhiên, Hiệp hội cho biết sản lượng có thể sẽ không đạt mức kỳ vọng nếu thời tiết không thuận lợi và tình trạng thiếu nhân công do COVID-19 tiếp tục diễn ra ở các quốc gia châu Á.
 
Cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, xuất khẩu cao su của nước ta đang chưa thực sự đạt được kỳ vọng. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/03 nước ta đã xuất khẩu gần 354 nghìn tấn cao su với kim ngạch đạt gần 620 triệu USD. Đây là mức giảm 1,6% về lượng nhưng tăng 4,7% về kim ngạch do giá cao su năm nay cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
 
 
Trong những ngày gần đây, giá cao su đã có sự điều chỉnh nhẹ sau nhiều tuần là một trong những hàng hóa nguyên liệu công nghiệp đạt mức tăng mạnh. (Nguồn: MXV tại ngày 21/3/2022)
 
Với minh chứng cụ thể từ giá dầu tăng đã tác động lên giá cao su theo hướng tăng, do sự tương quan cùng chiều giữa giá cao su thiên nhiên và giá cao su nhân tạo sản xuất từ lọc hóa dầu; và dĩ nhiên – nước chảy chỗ trũng – các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động liên đến mảng cao su như GVR, PHR, DPR… đang được dòng tiền thông minh tìm đến khá rõ.
 
DPR – CTCP Cao su Đồng Phú hiện đang là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (GVR) đang hoạt động với 3 mảng chính: (1) Khai thác mủ cao su và gỗ cây cao su; (2) Thu nhập từ việc bồi thường đất; (3) Bất động sản khu công nghiệp (KCN). Đây là doanh nghiệp điển hình có 2 mảng cao su và bất động sản công nghiệp và mối tương quan giữa 2 mảng là hết sức rõ ràng.
 
Về cao su: Lợi nhuận dự phóng của DPR năm 2022 vẫn sẽ tăng nhẹ, mặc dù sản lượng cao su của DPR sẽ bị giảm trong tương lai do việc thu hồi đất trồng và thanh lý bớt cây cũ nhưng lợi nhuận dự phóng sẽ vẫn tăng nhẹ ở đây do giá cao su thế giới đang trên đà tăng tốt, đồng thời vùng trồng tại Kratie (Campuchia) đã bắt đầu vào thời kỳ cho năng suất thu hoạch mủ cao cao nhất, dự kiến sẽ giúp bù đắp cho phần sản lượng sụt giảm.
 
 
DPR nằm trong nhóm có quỹ đất bất động sản công nghiệp đang ngày càng rộng mở nhờ sự chuyển đổi diện tích cao su. (Nguồn: FDIT tổng hợp)
 
Về bất động sản khu công nghiệp: Theo quy hoạch tổng thể phát triển KCN giai đoạn 2020-2030 của tỉnh Bình Phước, 4.000ha diện tích cao su của DPR sẽ được chuyển đổi thành KCN và khu nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó: DPR sẽ chuyển giao 2.000ha cho UBND tỉnh Bình Phước và được bồi thường 1 tỷ đồng/ha. Dự kiến mỗi năm DPR sẽ chuyển giao khoảng 200ha đất và việc này sẽ đem về dòng tiền để triển khai các dự án KCN riêng của doanh nghiệp. Ngoài ra giá thu hồi có thể sẽ còn được điều chỉnh tăng trong tương lai.
 
Với 2.000ha còn lại, DPR sẽ sử dụng để phát triển các KCN và khu nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể DPR đang phát triển 2 dự án KCN là KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú. Trong đó, KCN Bắc Đồng Phú dự kiến bắt đầu cho thuê năm 2023. 
 
Cơ sở hạ tầng tại khu vực này sắp tới sẽ được đẩy mạnh, cụ thể 2 tuyến đường trọng điểm (cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành) được triển khai sẽ giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí khi di chuyển đến các tỉnh lân cận. Yếu tố này sẽ không chỉ hút các đối tác mới đồng thời cũng khiến giá thuê được gia tăng trong tương lai.
 
Với những luận điểm trên thì triển vọng trong trung – dài hạn của DPR đều rất sáng sủa ở tất cả các mảng kinh doanh.
 
Trên sàn chứng khoán, DPR là một trong những doanh nghiệp cao su lãi tăng bằng lần trong 2021. Kết thúc 2021, doanh thu Cao su Đồng Phú đạt 1.215 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm trước đó. Trừ chi phí vốn, công ty lãi gộp 433 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Hơn 71% doanh thu đến từ kinh doanh mủ cao su. Tuy mảng kinh doanh mủ cao su mang về phần lớn doanh thu, nhưng lợi nhuận gộp mang về đạt 131 tỷ đồng, chỉ đóng góp hơn 30% tổng lợi nhuận gộp. Trong khi đó kinh doanh cây cao su đóng góp 10% về doanh thu nhưng lại mang về gần 26% tổng lợi nhuận gộp, đạt 111 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 491 tỷ đồng, tăng 132% so với năm trước đó. EPS thuộc Top cao, đạt 10.752 đồng.
 
Ngoài Cao su Đồng Phú, một số doanh nghiệp khác cũng có mối quan hệ nương tựa giữa bất động sản khu công nghiệp và cao su khá sâu sắc như Nam Tân Uyên (NTC) – cũng là một thành viên VRG; Cao su Phước Hòa (PHR) – với kế hoạch chuyển đổi khoảng 4.000 ha đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp, một phần diện tích được Công ty bàn giao cho các đơn vị liên kết như Nam Tân Uyên, VSIP III và một phần Công ty sẽ đầu tư trực tiếp phát triển khu công nghiệp… Các kế hoạch nhìn chung đều giúp các doanh nghiệp ghi nhận thu nhập đột biến từ tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tăng cải thiện biên lợi nhuận vốn khá thấp ở mảng kinh doanh cao su, sang cao hơn ở mảng khu công nghiệp.
 
HUỲNH MINH TUẤN – Founder FDIT