Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công nửa cuối năm, phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch.
Thị trường ngách giao thông thông minh hưởng lợi từ đề án ITS cao tốc Bắc-Nam, dự án lắp camera giám sát trên toàn quốc…
Hai đơn vị đầu ngành là ITD và Elcom hưởng lợi nếu trúng thầu các dự án này.
 
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công nửa cuối năm
 
Nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế sau các tác động của đại dịch, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong nửa cuối năm. Tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho cả năm nay là 477.300 tỷ đồng. Nghị quyết số 63 của Chính phủ ban hành tháng 6 nêu rõ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2021 phấn đấu đạt trên 95% kế hoạch được giao. Trong đó giải ngân đạt tối thiểu 60% chỉ tiêu đến hết quý III. 
 
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến cuối năm, cùng với đó tất toán hết các công trình có nguồn vốn kéo dài từ năm 2020. Bộ Xây dựng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021, mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.
 
Theo đó, Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp thúc đẩy tiến độ như bố trí nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng, đẩy nhanh quá trình thanh toán, nghiệm thu, quyết toán, điều chuyển chủ đầu tư với dự án chậm giải ngân.
 
Giao thông thông minh hưởng lợi từ thúc đẩy đầu tư công 
 
Khi đầu tư công được đẩy mạnh, các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ… nhanh chóng được giải ngân, qua đó thúc đẩy đấu thầu mảng giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems – ITS). Việc này sẽ đem lại lợi thế cho doanh nghiệp hoạt động trong mảng ITS, nhất là những đơn vị đầu ngành như Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Elcom, HoSE: ELC) hay Công nghệ Tiên Phong (HoSE: ITD).
 
Nguồn: Agriseco Research
 
11 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ được đầu tư đồng bộ hệ thống ITS. Tổng giá trị đấu thầu gói công nghệ thông tin là 4.000 tỷ đồng, tập trung vào các dịch vụ như giao thông thông minh, giám sát điều hành, thu phí tự động. Thời gian đấu thầu các gói công nghệ dự kiến bắt đầu vào quý III.
 
Đầu năm, Thủ tướng cũng phê duyệt đề án lắp camera giám sát trên toàn quốc, chỉ huy điều hành giao thông. Dự án có tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian triển khai từ năm 2021 đến 2025, được phân ra làm với 3 giai đoạn.
 
Trong đó, giai đoạn 1 với mức kinh phí 850 tỷ đồng, do Cục Cảng sản giao thông làm chủ đầu tư để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ kết nối và chia sẻ dữ liệu camera. Giai đoạn 2 và 3 có tổng chi phí 1.300 tỷ đồng, dự kiến nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát cho cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Công an của các thành phố này sẽ làm chủ đầu tư.
 
Nguyên lý vận hành của hệ thống ITS là khi phương tiện vi phạm luật lệ, bộ phận cảm biến sẽ nhanh chóng gửi tin nhắn đến camera. Camera sẽ chụp hình ảnh biển số xe và người đang điều khiển phương tiện và gửi về trung tâm lưu trữ dữ liệu.
 
Một số ứng dụng ITS có thể kể đến như giám sát giao thông (theo dõi tình hình giao thông, kiểm tra lưu lượng xe cộ), giám sát xử phạt, giám sát an ninh (giám sát chung và giám sát tội phạm)…
 
ITD: Kỳ vọng tăng trưởng mạnh 2 năm tới
 
Với thị phần lớn nhất trong thị trường ngách giao thông thông minh, Công nghệ Tiên Phong (HoSE: ITD) được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong hai năm tới nhờ Chính phủ tập trung đầu tư giao thông thông minh cho hạ tầng đường bộ, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định.
 
Tiền thân của ITD là Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Tin học và Điều khiển, được thành lập năm 1994 bởi một nhóm nhà khoa học trẻ. Trong gần 30 năm hoạt động, doanh nghiệp đã triển khai lắp đặt nhiều hệ thống ITS lớn thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Trung Lương, hệ thống thu phí tự động cho Quốc lộ 1 giai đoạn 1…
 
Nguồn: ITD, BSC
 
Ngoài mảng mũi nhọn giao thông thông minh, ITD còn hoạt động chuyên sâu trong 3 lĩnh vực khác như điện – tự động và đo lường (ECI), điện – điện công nghiệp (ETI) và viễn thông thông tin (ICT). Các mảng này cũng được triển khai thực hiện bởi 9 công ty con, trong đó một đơn vị thành viên đã niêm yết trên sàn là Kỹ thuật điện Toàn Cầu (HNX: GLT). 
 
Hiện Kỹ thuật điện Toàn Cầu đang trong quá trình tái cấu trúc hoạt động, bán 238 trạm thu phát sóng di động BTS (doanh thu cho thuê trạm khoảng 30 tỷ/năm). Công ty cho biết các trạm BTS đã hoạt động trong 15 năm, một số trạm đã hết khấu hao. Việc tiếp tục vận hành các trạm sẽ tốn một khoản chi phí bảo trì lớn, do đó GLT quyết định bán tập trung vào hoạt động Data Center. 
 
Đầu tháng 7, công ty thông báo trúng thầu dự án xây dựng Data Center giai đoạn 1 cho VNG với giá trị là 632 tỷ. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu thầu cho giai đoạn 2 với giá trị là 948 tỷ. 
 
Tính đến nay, GLT đã tham gia trong việc xây dựng hơn 20 Data Center tại Việt Nam và trên thế giới. Công việc mới dừng lại ở việc cung cấp hệ thống thiết bị Chiller, máy lạnh chính xác với giá trị thấp so với giá trị toàn dự án.
 
Về kết quả kinh doanh, sau khi đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận năm 2016, ITD trải qua 3 năm suy giảm liên tiếp khi giá trị các hợp đồng triển khai đều giảm mạnh. Với nền kinh doanh ở mức thấp cùng với kỳ vọng giá trị hợp đồng trúng thầu khả quan từ nhu cầu của Chính phủ, Chứng khoán BSC kỳ vọng doanh nghiệp sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm tài chính 2020-2021 và 2021-2022 (từ ngày 1/4 đến 31/3).
 
Niên độ 2020-2021 vừa qua, doanh thu thuần công ty đạt hơn 595 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gấp đôi lên 52 tỷ đồng. ITD cho biết kết quả này đạt được nhờ ký kết hợp đồng với giá trị lớn và đẩy nhanh tiến độ triển khai, nghiệm thu dự án. Trong đó, đơn vị hoàn thành dự án thu phí không dừng giai đoạn 2 (BOO2) để đưa vào hoạt động từ cuối năm ngoái.
 
Quý I niên độ tài chính 2021-2022, doanh thu thuần tăng trưởng 8% lên 71 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 21% lên 3,5 tỷ đồng; phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ là hơn 1,6 tỷ, tương đương 6% kế hoạch năm. Báo cáo BSC cho biết động lực tăng trưởng chính đến từ mảng điện (tăng 104%) và giao thông thông minh (59%). Về cơ cấu doanh thu, giao thông thông minh tiếp tục tăng tỷ trọng đóng góp từ 22% lên 33%. 
 
Nguồn: BSC
 
Tính đến ngày 30/6, quy mô tài sản đạt gần 553 tỷ đồng, trong đó 83% là tài sản ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt hơn 84 tỷ đồng, bên cạnh gần 8 tỷ quỹ đầu tư phát triển. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,22 lần.
 
Mục tiêu của ITD đến năm 2025 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 15% đến 20%/năm và trở thành một trong 5 công ty hàng đầu tại Việt Nam trong việc cung ứng các giải pháp cho thành phố và nhà máy thông minh với doanh thu hợp nhất ít nhất 1.300 tỷ đồng.
 
Elcom: Bắt đầu tham gia dự án ITS cao tốc Bắc-Nam quý III, quý IV
 
Về đơn vị chiếm thị phần thứ hai trong mảng giao thông thông minh, Elcom (HoSE: ELC) cũng được dự báo tăng trưởng tích cực trong hai năm tới nhờ hưởng lợi một phần từ gói giao thông thông minh. Dự kiến quý III, IV năm nay, đơn vị sẽ bắt đầu tham gia vào dự án ITS thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam. Elcom dự kiến biên lợi nhuận các gói thầu dao động quanh mức 10% – 15%
 
Đối với giao thông nội đô tại các tỉnh thành, Elcom đang triển khai 3 dự án tại các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa. Dự án lắp camera giám sát được Chính phủ phê duyệt cũng là cơ hội để Elcom phát huy sở trưởng của mình.
 
Hệ thống ITS đã được triển khai tại các dự án cung cấp các giải pháp sản phẩm về thu phí (ETC, MTC…) ở hàng loạt các trạm trên khắp các quốc lộ trải dài từ Nam tới Bắc. Các dòng giải pháp sản phẩm chiến lược đón xu thế mới là giám sát an ninh trật tự, giám sát an ninh xử phạt, giải pháp điều hành cao tốc (ITS cao tốc), giải pháp điều hành nội đô (ITS nội đô)… cũng mang lại những kết quả đáng mong đợi khi đã liên tiếp được mở rộng, triển khai tiếp ở nhiều khách hàng, tỉnh/ thành. 
 
Ngoài lĩnh vực giao thông vận tải, một số mảng kinh doanh khác của Elcom có thể kể đến như viễn thông, an ninh quốc phòng, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao… 
 
Nguồn: BSC, ELC
 
Trong đó, viễn thông vốn là ngành nghề chính và đóng góp lớn vào cơ cấu doanh thu Elcom từ khi thành lập năm 1995. Sau khi thời hoàng kim vào khoảng năm 2016, thị trường viễn thông chững lại và kết quả kinh doanh theo đó đi xuống. Tuy nhiên, từ năm 2019, tình hình hoạt động dần ổn định hơn.
 
Về an ninh quốc phòng, đây vẫn luôn là lĩnh vực kinh doanh duy trì được kết quả và sự đóng góp ổn định trong cơ cấu kinh doanh của công ty qua các năm. Các sản phẩm chiến lược khác như giải pháp giám sát an toàn an ninh, giải pháp sản phẩm chuyên dụng… được duy trì triển khai, mở rộng tới các khách hàng. Mới đây nhất, Elcom tiếp tục ký hợp đồng công nghệ giám sát an ninh quốc phòng (VSAT) với giá trị gần 200 tỷ đồng, dự kiến triển khai nghiệm thu trong quý III – IV sắp tới. 
 
Trong lĩnh vực bất động sản, Elcom đang sở hữu tỷ lệ chi phối tại mảnh đất vàng 18 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thông qua một công ty con (cổ đông còn lại là SCIC). Hiện tại, mảnh đất này đang được cho Media Mart thuê làm siêu thị, BSC cho biết. Doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng thành tổ hợp văn phòng 25 tần, lợi nhuận cho thuê dự kiến từ 40 – 50 tỷ/năm. Theo BSC, mảnh đất 18 Nguyễn Chí Thanh là tài sản ngầm có giá trị cao và kỳ vọng khi công ty triển khai tổ hợp văn phòng cho thuê sẽ tạo ra dòng tiền ổn định trong tương lai.
 
Trong năm nay, mảng truyền thống an ninh quốc phòng – giao thông – viễn thông dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 20-25% so với năm 2020. Mức doanh thu mục tiêu vượt 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 – 2023 với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trên 10%/năm.
 
Nguồn: BSC
 
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 17% xuống còn 296 tỷ đồng. Giá vốn giảm nhiều hơn nên biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 20% lên 22%. Lãi sau thuế tăng 31%, đạt gần 19 tỷ đồng, qua đó gia tăng lợi nhuận lũy kế đến cuối quý II lên hơn 218 tỷ.
 
Tổng tài sản giảm 9% so với đầu năm, xuống 1.363 tỷ đồng. 78% số đó là tài sản ngắn hạn, tương đương 1.060 tỷ đồng. Nợ vay tài chính hơn 137 tỷ, gấp đôi đầu năm và bằng 16% vốn chủ sở hữu.
 
 
Thảo Anh