Kết quả kinh doanh tích cực của Petrovietnam gần như thể hiện toàn bộ những gì xảy ra đối với ngành dầu khí Việt Nam.
 
Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới kéo theo nhu cầu tiêu thụ khí đốt, xăng dầu tăng đột biến để phục vụ cho các hoạt động giao thương vốn đã bị gián đoạn nhiều tháng trời. Thêm vào đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra là cú đánh trực diện vào nguồn cung cấp dầu khí vốn đã khan hiếm.
 
Trong một báo cáo công bố gần đây, nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng dự báo giá dầu thô Brent bình quân năm 2022 thêm 20% từ 70 USD/thùng lên 85 USD/thùng, phản ánh lo ngại về sự chênh lệch giữa cung – cầu trong ngành dầu khí thời gian tới. Thực tế, sau khi Nga tiến quân vào biên giới Ukraine vào cuối tháng 2, giá dầu Brent có thời điểm nhảy vọt lên 147,5 USD/thùng, qua đó thiết lập giá trung bình quý I ở mức 97 USD/thùng, cao hơn gần 60% giá trị cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức cao nhất trong 14 năm qua.
 
 
'Vàng đen' lên giá: Doanh nghiệp dầu khí 'hốt bạc'

 
Biến động mạnh mẽ của giá dầu thô đã tạo thuận lợi cho hoạt động thăm dò, khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Tập đoàn này khép lại quý I/2022 với sản lượng thai khác đạt 2,74 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch quý và thực hiện 31% kế hoạch năm. Đây là tiền đề giúp tổng doanh thu của Petrovietnam ước đạt 197.120 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, vượt đến 46% kế hoạch quý; nộp ngân sách ước đạt 29.310 tỷ đồng, tăng 30% cùng kỳ và vượt 63% kế hoạch theo quý, đóng góp khoảng 7,7% tổng thu ngân sách nhà nước quý này.
 
Nhìn chung, kết quả kinh doanh tích cực của Petrovietnam gần như thể hiện toàn bộ những gì xảy ra đối với ngành dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của từng lĩnh vực, sẽ không tránh khỏi sự phân hóa về kết quả kinh doanh giữa từng đơn vị thành viên thuộc nhóm thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn, song đa số đều chứng kiến sự tăng trưởng tích cực.
 
Với nhóm thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí), giá dầu thô tăng cao là tín hiệu tích cực nhưng có độ trễ lớn. Chẳng hạn, Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HoSE: PVD) ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ lên 1.145 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 75 tỷ đồng, giảm lỗ khoảng 35 tỷ đồng so với quý I/2021.
 
Ban lãnh đạo PVD cho biết, giá dầu neo cao chưa thể tác động ngay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà cần thời gian đủ lâu để một số mỏ lớn có điều kiện phát triển (điển hình như Lô B – Phú Quốc, Kình Ngư Trắng…), từ đó kỳ vọng sẽ gia hạn hợp đồng với đối tác, hoặc điều chỉnh tăng giá thuê các giàn khoan. Hiện giá trung bình giàn khoan quý I vẫn ở mức thấp, xấp xỉ 57.000 USD/ngày, dự kiến đến cuối năm sẽ tăng lên 60.000 USD/ngày.
 
May mắn hơn, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) chứng kiến doanh thu quý I tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 53%, lần lượt đạt 3.770 tỷ đồng và 250 tỷ đồng. Không chỉ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng, các công ty liên doanh liên kết, hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô (FSO, FPSO) cũng đem về cho PVS nguồn thu nhập lớn, từ đó giúp doanh nghiệp hoàn thành trên 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau quý đầu tiền.
 
Tương tự quan điểm của PVD, lãnh đạo PVS cũng cho rằng giá dầu giữ ổn định ở mức cao sẽ hình thành điều kiện lý tưởng để doanh nghiệp đàm phán gia hạn hợp đồng cho FPSO Lam Sơn và FPSO Ruby trong thời gian tới. PVS đang có kế hoạch tham gia đấu thầu tàu FSO cho dự án lô B – Phú Quốc ngay khi dự án được khởi động, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội việc làm những năm kế tiếp. Công ty Chứng khoán SSI dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của PVS không quá mạnh trong ngắn hạn, tuy nhiên về dài hạn, ước tính tăng trưởng lợi nhuận bình quân giai đoạn 2022-2025 là 23%.
 
Về phía trung nguồn (vận chuyển, lưu trữ và phân phối dầu khí), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, HoSE: GAS) công bố doanh thu tăng gấp rưỡi cùng kỳ, đạt gần 26.690 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 70%, lên mức 3.495 tỷ đồng.
 
Ngoài hưởng lợi từ giá dầu thô, việc thiếu hụt nguồn cung điện than, thủy điện hết thuận lợi khi pha La Nina suy yếu, cũng mang lại lợi ích cho GAS trong ngắn hạn ở mảng điện khí. Đáng chú ý, ban lãnh đạo GAS thông tin tại đại hội cổ đông thường niên 2022 rằng doanh nghiệp đang áp dụng cơ chế giá riêng là giá bán không thấp hơn giá miệng giếng, nên trong trường hợp giá dầu thô điều chỉnh giảm mạnh thì cũng không lỗ. Còn nếu giá dầu Brent tăng thêm 5 USD mỗi thùng thì doanh thu và lợi nhuận của GAS sẽ tăng tương ứng 1.500 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
 
Giống như bức tranh khả quan của GAS, “ông lớn” lĩnh vực vận chuyển năng lượng Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT) nhận được chất xúc tác tốt trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Theo đó, việc gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga dẫn tới việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu dầu khí, thúc đẩy tăng giá cước vận tại ở tuyến hải trình quốc tế của PVT, cũng như tác động tích cực đến giá cho thuê tàu của doanh nghiệp. Trong khi đó, PVT còn cầm đằng chuôi nếu như giá dầu thô bỗng chốc trượt giá, bởi rủi ro chi phí tàu đều được doanh nghiệp chuyển cho khách hàng và cho các hợp đồng thuê tàu nguyên chuyến quốc tế.
 
Nhìn lại quý I, PVT ghi nhận doanh thu 2.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 194 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, điểm rơi lợi nhuận của PVT sẽ vào quý III nhờ đã ghi nhận chi phí bảo trì ở quý trước. Năm 2022, doanh nghiệp dự kiến thanh lý tàu PVT Athena, giúp đem về khoảng 100 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Ngược lại, PVT dự chi hơn 2.900 tỷ đồng để đầu tư cho dự án mua 6 tàu mới, gồm 5 tàu chở dầu/hóa chất và 1 tàu chở hàng rời trong năm nay.
 
Ở nhóm hạ nguồn (chuyển đổi dầu khí thành sản phẩm hoàn chỉnh và phân phối đến người tiêu dùng), “trùm” bán lẻ xăng dầu trong nước Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) chứng kiến lợi nhuận lao dốc 40% cùng kỳ, trong khi doanh thu vẫn tăng trưởng 75% so với quý I/2021. Nguyên nhân được Petrolimex đưa ra là do sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, trong khi sự cố ở Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn xảy ra đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Petrolimex cho hay, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước giữ trọng trách chủ đạo trong khâu phân phối nội địa và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, Petrolimex đã phải tìm nguồn cung tức thời nên giá nhập cao hơn đáng kể. Từ đó, chi phí giá vốn của doanh nghiệp tăng cao trong quý này, khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, gây thâm hụt lãi.
 
Trái ngược với tình cảnh của Petrolimex, kết quả kinh doanh ấn tượng của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, HoSE: OIL) và Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) rất khả quan.
 
Chốt lại quý I, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam PV OIL ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái lên 23.288 tỷ đồng, cùng với đó lợi nhuận sau thuế tăng gấp rưỡi lên 283 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch giao cho cả năm.
 
PV OIL cho biết, toàn bộ thành viên trong toàn hệ thống đều đạt kết quả kinh doanh khả quan, không có đơn vị nào bị thua lỗ, cho dù tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước nhiều biến động, nguồn cung dầu thiếu hụt, giá dầu leo thang.
 
Trong khi đó, BSR – đơn vị điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất – lãi sau thuế 2.312 tỷ đồng, tăng 25% trong quý I, vượt gần 80% kế hoạch thận trọng cả năm (1.295 tỷ đồng); doanh thu có mức tăng mạnh hơn với 65%, đạt 34.780 tỷ đồng. BSR cho biết, giá dầu thô và sản phẩm tiếp tục tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính quý này tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, dưới tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine, từ đó góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Vân Oanh