Sản lượng điện huy động từ thủy điện trong quý II đạt 70 tỷ kWh, tăng 13% so với cùng kỳ.
Thủy điện Miền Nam đạt lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, gấp gần 7 lần quý II/2020.
Lãi sau thuế của Thủy điện Sử Pán 2 ở mức 9,2 tỷ đồng, bằng 1/4 so với số lãi ghi nhận trong quý II năm ngoái.
Kết quả kinh doanh trái chiều do khu vực phía Nam mưa nhiều trong khi Bắc Bộ vào thời điểm mùa khô.
 
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong 6 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 111,75 tỷ kWh, lần lượt tăng 7,4% và 8,36% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý II, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tăng 13% lên khoảng 70 tỷ kWh.
 
Lũy kế 6 tháng, cơ cấu huy động điện phần lớn đến từ nhiệt điện than (chiếm 51%, 66,7 tỷ kWh) mặc dù sản lượng mảng này đã giảm 5% so với cùng kỳ. Thủy điện chiếm tỷ trọng thứ hai với sản lượng huy động 30,46 tỷ kWh, tăng 41% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Các nguồn điện khác như nhiệt điện khí giảm khoảng 19% về mức 15,7 tỷ kWh; năng lượng tái tạo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất 172%, đạt 14,69 tỷ kWh; điện nhập khẩu ở mức 624 triệu kWh, tương đương tỷ trọng 0,5%.
 
Sản lượng huy động từ nhóm thủy điện tăng cao nhờ tình hình thủy văn thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện tăng từ giữa năm. Ngoài ra, giá mua từ nguồn thủy điện cũng rẻ nhất trong cơ cấu giá điện nên được ưu tiên huy động. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh khả quan từ quý III/2020 đến quý I năm nay.
 
 
Nguồn: NDH tổng hợp
 
Sang quý II, các công ty khu vực phía Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi vì vùng này mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 10. Tuy nhiên, tình hình thủy văn tại khu vực miền Trung diễn biến kém thuận lợi hơn khi từ nửa cuối tháng 5, mực nước các sông ở Trung Bộ biến đổi chậm và theo xu thế xuống dần. Từ tháng 6 đến tháng 8, lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ dự kiến ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 30% đến 65%.
 
Quý II cũng là thời điểm mùa khô khu vực phía Bắc khiến mức nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp. Điển hình như hồ Hòa Bình chỉ còn cách mức nước chết gần 5 m, hồ Sơn La còn cách mức nước chết 8 m, hồ Thác Bà chỉ còn cách mức nước chết chưa tới 1 m. Dự kiến nguồn nước từ tháng 6 đến tháng 11 trên các lưu vực sông thuộc Bắc Bộ cũng dự báo thiếu hụt từ 10% đến 20%, đặc biệt  trên lưu vực sông Thao và hạ lưu sông Lô. Khi mức nước các hồ thủy điện xuống thấp sẽ làm hạn chế khả năng phát điện cả về công suất phát và sản lượng điện. 
 
Thủy điện phía Nam lãi lớn, nhiều doanh nghiệp Bắc Bộ và Trung Bộ kém khả quan
 
Thủy điện Miền Nam (HoSE:SHP) báo cáo doanh thu quý II đạt 134 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp 59 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.
 
Chi phí lãi vay giảm 27% và lợi nhuận khác tăng 141% lên gần 212 triệu đồng, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 41 tỷ đồng, gấp gần 7 lần quý II/2020, cải thiện so với số lỗ 4,2 tỷ đồng trong quý I. Doanh nghiệp giải trình do quý I là cao điểm của mùa khô nên lưu lượng nước ít, sản lượng điện thấp. Từ tháng 5, thời tiết bắt đầu chuyển mùa và có mưa nhiều nên sản lượng điện quý II tăng hơn 110% so với quý I. 
 
Lũy kế 6 tháng, sản lượng tăng 23% dẫn đến doanh thu tăng 16% lên 203 tỷ đồng. Tổng chi phí giảm 6% xuống 165 tỷ đồng do chi phí khấu hao và chi phí lãi vay giảm khoảng 20 tỷ đồng. Qua đó, doanh nghiệp đạt lãi ròng gần 37 tỷ đồng, gấp khoảng 10 lần cùng kỳ năm ngoái.
 
Ngược lại, một số đơn vị thủy điện khu vực phía Bắc và Trung Bộ cho kết quả kém khả quan hơn. Đơn cử, Thủy điện Sử Pán 2 (UPCoM:SP2) thuộc nhóm các thủy điện xây dựng trên dòng ngòi Bo tại tỉnh Lào Cai, báo cáo trong quý lượng mưa ít hơn khiến doanh thu giảm 40,8% về còn 43,3 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán đi ngang nên lợi nhuận gộp còn gần 21 tỷ đồng, giảm khoảng 59% so với cùng kỳ. Trừ thêm các chi phí khác, lãi sau thuế 9,2 tỷ đồng, bằng 1/4 so với số lãi ghi nhận trong quý II năm ngoái.
 
Sau 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty giảm 29,3% về mức 65 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 1,3 tỷ đồng, tương đương 5,5% kết quả đạt được trong nửa đầu năm ngoái và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận 29 tỷ đồng được giao cho cả năm.
 
Cũng với lý do thủy văn không thuận lợi, Thủy điện Nước Trong (HNX: NTH), hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo doanh thu tăng nhẹ 1,4 tỷ đồng lên 23,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng hơn 8,9 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế hai quý, doanh thu của Thủy điện Nước Trong tăng 12%, đạt hơn 49 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng hơn 28,5% lên mức 19,8 tỷ đồng. 
 
Sông Vàng (UPCoM:SVH) với nhà máy thủy điện An Điềm II tại Quảng Nam, công bố doanh thu quý II giảm 13% về mức 9,5 tỷ đồng. Nhờ giá vốn hàng bán giảm nhiều hơn 62% và lãi tiền gửi, cho vay tăng 242% lên 2,1 tỷ đồng, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tuy nhiên, một doanh nghiệp thủy điện khác thuộc Trung Bộ là Thủy điện A Vương (UPCoM:AVC) lại đạt mức doanh thu 125 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng 149% lên 2,5 tỷ đồng, chi phí tài chính được hoàn nhập gần 500 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước là 7,8 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 51 tỷ đồng. Sau nửa năm đầu, Thủy điện A Vương báo cáo doanh thu gấp 3 lần lên 293 tỷ đồng; lãi sau thuế 139 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với mức lỗ 17 tỷ cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp vượt 29% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm.
 
 
Hiện nhiều doanh nghiệp thủy điện đáng chú ý trên thị trường chứng khoán chưa công bố BCTC quý II, tuy nhiên với yếu tố thủy văn thuận lợi và lưu lượng nước về hồ thủy điện tốt trong 6 tháng đầu năm, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung khả quan. Song cũng tùy thuộc vào vị trí địa lý và diễn biến thời tiết, sản lượng điện được huy động cũng như kết quả kinh doanh sẽ khác nhau.
 
Theo báo cáo của 3 tổng công ty phát điện thuộc EVN, tình hình sản xuất kinh doanh của nhóm thủy điện đều tích cực. Trong đó, tổng công ty đầu tiên được cổ phần hóa Genco 3 (UPCoM: PGV) cho biết các công ty liên liên kết gồm Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH), Thủy điện Sê San 4A (HoSE: S4A) và Thủy điện Thác Bà (HoSE:TBC) dự kiến sản xuất 1.161 triệu kWh trong 6 tháng đầu năm, vượt 147% cùng kỳ năm ngoái. Thủy điện Đồng Nai thuộc Genco 1 ước sản lượng điện sản xuất đạt 133% kế hoạch nửa đầu năm. Sản lượng từ các đơn vị thủy điện thuộc Genco 2 (UPCoM:GE2) cũng đạt xấp xỉ kế hoạch được giao (99,66%).
 
Trong 6 tháng đầu năm, hai doanh nghiệp thủy điện thuộc PV Power (HoSE: POW) là Thủy điện Hủa Na (UPCoM:HNA) và Thủy điện Đakđrinh ước đạt 296 tỷ đồng và 297 tỷ đồng doanh thu, lần lượt tăng 80% và 27% nhờ sản lượng sản xuất gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. 
 
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu quốc tế khí hậu và xã hội NOAA, khả năng xuất hiện của La Nina cao, các đơn vị phân tích như SSI Research hay VNDirect cho rằng các công ty thủy điện sẽ đạt kết quả khả quan trong 6 tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, Chứng khoán VNDirect nhận định nhóm thủy điện gần như đã khai thác hết công suất. Tổng dự án thủy điện chỉ tăng thêm khoảng 4.000 MW và không có dự án nào lớn có công suất hơn 100 MW trong giai đoạn 2020-2045.
 
Nguồn: NOAA
 
Thảo Anh