Nhiều doanh nghiệp báo cáo doanh thu tháng 7 giảm đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Dịch bệnh khiến doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn như chi phí gia tăng cho việc đảm bảo duy trì sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nhu cầu giảm.
Công suất hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm trước các biện pháp giãn cách phòng dịch.
 
Trong nửa đầu năm, hầu hết các ngành đều báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với nền thấp của cùng kỳ năm trước. Song, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 và ngày càng diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các biện pháp giãn cách cùng nhu cầu xuống thấp khiến doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu trong khi chi phí gia tăng cho việc triển khai “3 tại chỗ”, “2 tại chỗ” để duy trì hoạt động. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa, cả trong nước và xuất khẩu, chi phí vận chuyển tăng cao bào mòn lợi nhuận.
 
Doanh nghiệp tăng chi phí khi test covid-19 cho nhân công. Nguồn: Chính Phủ
 
Bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính các ngành kinh tế đang hoạt động dưới 50% công suất. Tính đến 7/8, 38/63 tỉnh và thành phố có nguy cơ rất cao hoặc nguy cơ cao đối với dịch bệnh Covid-18 siết chặt hơn các hoạt động không thiết yếu theo Chỉ thị 16+, 16 hoặc 15 của Chính phủ. Theo đó, lưu lượng di chuyển giảm đáng kể trong tháng 7, thậm chí còn thấp hơn đợt phong tỏa vào tháng 4.
 
Ít nhất 70% nhà máy sản xuất ở miền Nam phải tạm dừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; các nhà máy hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ phải chịu chi phí vận hành rất lớn và giảm 40-50% công suất. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt cũng mang đến nhiều rủi ro gián đoạn vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất. Cụ thể, chi phí hoạt động gia tăng và thời gian để tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa kéo dài, hay sự chậm trễ của vận tải hàng hóa đường bộ, đóng cửa nhà máy sản xuất cũng gây áp lực lớn lên hoạt động của các cảng hàng hóa. Thực tế cũng cho thấy cảng Cát Lái đã phải ngừng nhận hàng do ùn ứ.
 
Là một ngành được hưởng lợi do kiểm soát tốt dịch bệnh trong nửa đầu năm khi các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia bùng phát mạnh, dệt may tận dụng tốt xu hướng chuyển dịch đơn hàng trong bối cảnh nhu cầu tăng cao trở lại ở thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 thứ 4 kéo dài khiến ngành này đang đối mặt việc đơn hàng bị trễ sẽ ảnh hưởng đến mùa bán hàng cao điểm cuối năm. Điều này buộc khách hàng Mỹ chuyển đơn hàng sang các nước khác, trong đó có Bangladesh. Đất nước này vừa bị mất thị phần về tay Việt Nam, hiện nay bất chấp dịch bệnh đã cho mở cửa lại các nhà máy để lấy lại thị phần.
 
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may TCM chia sẻ doanh nghiệp hoạt động bình thường tới giữa tháng 7 và buộc phải áp dụng 3 tại chỗ do dịch bùng phát mạnh. Sau vài ngày ổn định tổ chức, 1.800 lao động ở TP HCM chuyển sang 3 tại chỗ.
 
Ông Tùng cho biết sau 1 tháng thực hiện 3 tại chỗ, TCM đã sàng lọc được lực lượng lao động đáp ứng 50-60% công suất so với bình thường và sẽ tăng số lượng lao động lên từ từ. "Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công suất cố gắng duy trì 65-70% đã là điều đáng mừng. Lợi nhuận ghi nhận trong tháng 7 giảm so với cùng kỳ nhưng đã là mức nỗ lực của doanh nghiệp. Chi phí trong tháng 7 tăng cao bởi chuẩn bị cho 3 tại chỗ như xây nhà vệ sinh, phòng tắm, chỗ ăn, ở, ngủ và liên tục test Covid-19 (3 ngày/lần), chi phí hỗ trợ cho F0, F1… Qua tháng 8 thì chi phí về hạ tầng giảm nhiều so với tháng trước nhưng vẫn duy trì test thường xuyên theo quy định sản xuất 3 tại chỗ", ông Tùng nói.
 
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) thông tin nửa đầu tháng 7, tình hình dịch bệnh Covid-19 tương đối ổn định nên hoạt động sản xuất của đơn vị duy trì mức bình thường. Song, nửa sau tháng 7 hoạt động kinh doanh sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn. Sản phẩm của doanh nghiệp không được đưa vào diện thiết yếu và chỉ được phục vụ một số công trình đặc thù như bệnh viện dã chiến. Đồng thời, với giá nguyên liệu đầu vào cao đã nhập trước đó, doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ, với lợi tháng 7 âm khoảng gần 4 tỷ đồng.
 
Lãnh đạo Nhựa Bình Minh chia sẻ tình hình còn nghiêm trọng hơn trong tháng 8 khi doanh thu chỉ đạt khoảng 70-75 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước và rất thấp so với mức kế hoạch 400-500 tỷ đồng mỗi tháng.
 
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Gỗ An Cường (UPCoM: ACG) chia sẻ dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến năng lực sản xuất của doanh nghiệp bị giảm 30-35% nhưng vẫn thừa do hàng tại cảng Cát Lái bị ứ không lấy container để xuất được. Theo đó, doanh thu tháng 7 dự kiến giảm 20% so với tháng 6, tháng 8 cũng giảm khoảng 20-25%. Doanh nghiệp kỳ vọng từ tháng 9 dịch bệnh được kiểm soát thì doanh thu tăng trở lại để đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
 
Theo UBNN tỉnh Quảng Ngãi, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu xuống thấp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đã phải giảm công suất nhà máy xuống còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ ngày 3/8. Đồng thời, các thương nhân đầu mối giảm/dừng nhận hàng khiến lượng hàng tồn kho nhà máy gia tăng, mặc dù đã tiến hành gửi kho nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn đối mặt với rủi ro không còn sức chứa.
 
Cửa hàng Điện Máy Xanh tạm đóng cửa phòng dịch.
 
Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp bán lẻ cũng bị ảnh hưởng khi sức mua giảm. Chưa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 nhưng Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cho biết gần 2.000 cửa hàng Thế Giới Di Động/ Điện Máy Xanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch tính đến cuối tháng 7. Chuỗi này là trụ cột đem lại doanh thu và lợi nhuận chính cho công ty, đóng góp 53,5% doanh thu nửa đầu năm và đem lại lợi nhuận chủ yếu khi mà chuỗi Bách Hóa Xanh chưa đạt điểm hòa vốn cấp độ công ty.
 
Mới đây, MWG thông báo quyết định HĐQT giảm mức cổ tức tiền mặt từ 10% xuống 5% nhằm ưu tiên đảm bảo dòng tiền kinh doanh trong bối cảnh rủi ro dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.
 
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh quý III suy giảm. Là một trong những mặt hàng thiết yếu, Bột giặt Lix dự kiến doanh thu và lợi nhuận quý III lần lượt giảm 16,8% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận này cũng lần lượt giảm 17,7% và 40% so với thực hiện quý II. Đây dự kiến là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp giảm lợi nhuận.
 
Công ty lý giải dịch Covid – 19 diễn ra thời gian dài trên hầu hết 63 tỉnh thành, ảnh hưởng đến việc tiếp cận, chào hàng của nhân viên kinh doanh kênh chợ, tạp hóa truyền thống (GT) và cũng gây khó khăn trong việc vận chuyển giao hàng đến điểm bán. Bên cạnh đó, lượng người đi mua sắm tại các siêu thị giảm mạnh trong các đợt bùng dịch làm sức mua hàng tại kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử (MT) giảm mạnh.
 
Mặt khác, các thị trường xuất khẩu như Campuchia, Philipines bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nặng nề. Nửa đầu năm, sản lượng xuất khẩu thị trường Campuchia giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, các nhà nhập khẩu tạm dừng nhập hàng do chính phủ Campuchia thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt (như đóng cửa thủ đô PhnomPenh, đóng cửa các khu chợ dân sinh) để phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh. Tại Philippines, sản lượng tiêu thụ của công ty giảm 16%, nhãn hàng Lix bán tại siêu thị bị giảm do tình hình dịch bệnh khiến không triển khai được các chương trình khuyến mãi lớn theo kế hoạch.
 
Đồng thời, tình hình logistics toàn cầu vẫn còn khó khăn, thiếu hụt container rỗng, hãng tàu bỏ chuyến và cước tàu tăng cao từ 2 đến 3 lần so với trước đây. Do vậy, khách hàng ở thị trường các nước Yemen, Sudan, Úc, Caribe, các nước Trung Đông… có đơn hàng nhưng công ty không xuất khẩu được theo kế hoạch.
 
VDSC nhận định triển vọng kinh tế nửa cuối năm phụ thuộc vào hiệu quả của việc ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng. Trong khi đó, việc thúc đẩy đầu tư công cũng hạn chế do ảnh hưởng các biện pháp chống dịch và Chính phủ có thể sử dụng một phần chi tiêu đầu tư công để dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống Covid-19.
 
Ngọc Điểm