PVTrans và Gas Shipping mua tàu trọng tải lớn tham gia vào thị trướng châu Mỹ. 
Hải An mua tiếp tàu container 1.800 teu sau khi mua 2 tàu mới vào tháng 4.
Vosco thuê tàu trọng tải 50.530 dwt từ công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
 
Nhu cầu vận tải biển phục hồi mạnh từ nửa cuối năm 2020 đến nay đã giúp doanh nghiệp ngành này ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Do vậy, nhiều đơn vị đã lên kế hoạch mua hoặc thuê tàu để nâng cao năng lực hoạt động, trẻ hóa đội tàu.
 
PVTrans nhận tàu NV Aquamarine vào đầu tháng 7. Nguồn: PVTrans
 
Vào đầu tháng 7, PVTrans (HoSE: PVT) thông báo đã tiếp nhận tàu NV Aquamarine thông qua đơn vị thành viên. Đây là loại tàu chở khí hoá lỏng lạnh (fully refrigerated VLGC – Very Large Gas Carrier) lớn nhất thế giới, với dung tích chở hàng 81.605 cbm. Vào đầu năm, đơn vị cũng thông qua công ty thành viên tiếp nhận tàu PVT Azura trọng tải 19.945 dwt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thị trường Bắc Mỹ và PVT Dawn khai thác thị trường Trung Đông – Bắc Á.
 
Theo SSI Research, PVTrans đã chi tổng cộng 1.400 tỷ đồng cho việc mua 3 tàu mới trên. Doanh nghiệp cũng liên tục trẻ hóa, gia tăng đội tàu trong giai đoạn 2018-2020 với chi phí thấp do ngành vận tải biển chạm đáy và chi phí vận hành thấp.
 
Tổng công ty chuyên thực hiện vận chuyển dầu thô, khí LPG cho BSR, PV Oil, PV Gas, GPP Cà Mau hay than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1… Trong thời gian tới, PVTrans chủ trương đầu tư và nâng cao năng lực đội tàu chở Gas với các tàu VLGC size lớn và tàu chở hóa chất, tàu chở dầu thô cỡ VLCC tại thị trường quốc tế. Đội tàu của PVTrans đang hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới và bắt đầu tham gia vào các thị trường vận tải có tiêu chuẩn cao như châu Âu, Bắc Mỹ…
 
Gas Shipping (HoSE: GSP) – công ty con PV Trans đang triển khai phương án phát hành 20 triệu cổ phiếu huy động 200 tỷ đồng để mua 2 tàu chở dầu, hóa chất có trọng tải 20.000 dwt. Mỗi tàu có giá 376,5 tỷ đồng, ngoài phát hành thêm và vốn tự có, doanh nghiệp dự vay hơn 500 tỷ đồng để mua tàu. Gas Shipping thông tin đã triển khai các bước để đầu tư tàu số 1 trọng tải 20.000 dwt trong tháng 8, dự kiến nhận tàu vào đầu tháng 9, sẵn sàng cho việc khai thác ngay tàu tại thị trường châu Mỹ.
 
Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ khai thác tàu theo hình thức cho thuê định hạn. Ban lãnh đạo đánh giá cho thuê định hạn không hiệu quả bằng khai thác spot nhưng tránh được những rủi ro về việc đảm bảo nguồn hàng và phát sinh chi phí nằm chờ.
 
Đáng chú ý, tàu Gas Shipping dự định mua có trọng tải lớn hơn rất nhiều so với đội tàu hiện tại. Quy mô đội tàu doanh nghiệp hiện là 6 với tổng trọng tải 18.000 dwt, mỗi tàu trọng tải dưới 4.000 dwt. Đội tàu chủ yếu hoạt động tuyến Đông Nam Á – Nam Trung Quốc và nội địa (từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, kho cảng Thị Vải đến các địa phương), chuyên chở khí hóa lỏng (LPG).
 
Vosco (HoSE: VOS) có kế hoạch thuê tàu Vinalines Galaxy, trọng tải 50.530 dwt. Tàu được đóng năm 2007, thuộc sở hữu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (UPCoM: MVN) – công ty mẹ nắm 51% vốn Vosco. Giá trị hợp đồng thuê tàu bằng khoảng 2,5% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp tại thời điểm 30/6/2021, tức 75,2 tỷ đồng.
 
Tính đến cuối năm 2020, công ty sở hữu đội tàu 12 chiếc với tổng trọng tại 405.112 dwt gồm 8 tàu hàng khô, hàng rời, 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu container. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thuê định hạn một số tàu nên số lượng khai thác thường xuyên khoảng 12-14 tàu. Trong định hướng thời gian tới, doanh nghiệp tập trung việc thuê tàu bên ngoài theo các hình thức định hạn, thuê tàu trần để tăng năng lực vận chuyển, duy trì đội tàu thường xuyên 14-15 tàu. Mục tiêu của Vosco là nâng dần tỷ lệ tàu thuê ngoài lên mức 20-30% tổng trọng tải đội tàu cho giai đoạn sau 2020.
 
Hay HĐQT Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) đã thông qua phương án đóng mới tàu chuyên chở container 1.800 teu tại Trung Quốc. Tàu được thiết kế với chiều dài là 172 m, chiều rộng 28,4 m và chiều chìm 14,5 m. 
 
Trong giai đoạn 2021-2024, Hải An có kế hoạch đặt đóng mới 1 đến 2 tàu container 1.800 teu loại “SDARI Bangkok Max IV”, mua 2 tàu cũ loại 1.000 – 1.500 teu để sử dụng cho tuyến ngắn Hải Phòng – Hong Kong – Nam Trung Quốc và miền Trung/Cái Mép – HCM.
 
Vào tháng 4, Hải An đầu tư thêm tàu mới HaiAn West (1.740 teu) và Hải An East (1.702 teu) sau khi đã mua tàu HaiAn View (1.577 teu) tại tháng 7 năm ngoái. Cùng với đó, doanh nghiệp thực hiện bán tàu có tuổi đời cao là HaiAn Song trong quý I. Doanh nghiệp hiện có 8 tàu với tổng sức chứa 11.000 teu, chủ yếu khai thác tuyến nội địa. Như vậy, tàu mới sẽ nâng tổng sức chứa đơn vị thêm 16,4% lên 12.800 teus.
 
Nguồn: Hải An
 
Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải biển. SSI Research đánh giá nhu cầu sản phẩm dầu thấp ở các vùng giãn cách xã hội tác động đến mảng vận tải dầu của PV Trans nhưng mảng khác như LPG, than ít bị ảnh hưởng do nhu cầu công nghiệp. Trong khi, việc ùn ứ ở các cảng khiến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, kéo giảm sản lượng của doanh nghiệp vận tải nội địa như Hải An.
 
Việc thuê tàu hay đóng mới cũng chịu rủi ro khi thị trường vận tải đảo chiều, hoặc được giao tàu khi nhu cầu không còn cao. Dù vậy, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến khó có thể được khắc phục cho đến 2023, giá cước vận tải tiếp tục neo ở mức cao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt là container. Theo SSI Research, có 4 yếu tố ảnh hưởng đến giá cước vận tải biển.
 
Thứ nhất, thông thường có hai mùa cao điểm xuất khẩu từ châu Á sang Bắc Mỹ, châu Âu, đó là tháng 7 (mùa tựu trường) và tháng 10 (mùa Giáng sinh). Một số hãng đã bắt đầu áp dụng phụ phí mùa cao điểm cho các tuyến dịch vụ này. Đây là động lực ngắn hạn tác động mạnh nhất đến việc tăng giá cước và chưa kết thúc cho đến cuối năm 2021.
 
Thứ 2, giãn cách xã hội và tắc nghẽn tại các cảng Trung Quốc (cảng Yan Tian và Kaohsiung ) gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và có thể mất vài tháng để giải quyết các tắc nghẽn này.
 
Thứ 3, Ấn Độ kiểm soát được dịch Covid-19 và phục hồi năng lực sản xuất. Cuối cùng là nguồn cung tàu biển mới được đưa vào hoạt động từ nửa cuối năm 2022 và năm 2023.
 
Ngọc Điểm