Thủy điện quý I được huy động 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ 2020.
Sông Ba, A Vương, Sê San 4A cùng báo cáo lợi nhuận tăng tính bằng lần trong quý I.
 
Huy động thủy điện tăng 55%
 
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong quý I, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2%.
 
Trong cơ cấu huy động điện quý I, năng lượng tái tạo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với 180,6% so với cùng kỳ năm trước đạt 7,79 tỷ kWh, thủy điện cũng tăng mạnh 55,4% đạt 13,86 tỷ kWh. Ngược lại, nhiệt điện khí giảm 21,4%, nhiệt điện than giảm 12,4% và điện nhập khẩu giảm 58%. Nhiệt điện than vẫn là nguồn điện đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống với 29,75 tỷ kWh, chiếm 50%.
 
Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với quý I/2020 khi lưu lượng nước về hầu hết các hồ thủy điện trên toàn quốc ở mức kém, thủy điện huy động chỉ đạt 8,93 tỷ kWh, giảm 30% so với cùng kỳ 2019; ngược lại, nhiệt điện than tăng đến 21,3%.
 
Thời tiết hạn hán kéo dài từ năm 2019 đến giữa năm 2020 thì bắt đầu cải thiện, mưa nhiều hơn cùng các đợt lũ lớn vào cuối năm. Điều này giúp các nhà máy thủy điện có thể chạy với công suất tối đa để hạ thấp mức nước hồ về cao. Trong cơ cấu giá điện, nguồn từ thủy điện là rẻ nhất cho nên thường được ưu tiên huy động khi lưu lượng nước lớn.
 
Nguồn: NDH tổng hợp
 
Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy điện ghi nhận khả quan kể từ quý III/2020. Quý I năm nay, nhiều đơn vị tiếp tục lãi gấp nhiều lần cùng kỳ hoặc chuyển lỗ thành lãi. Tuy nhiên, quý II hằng năm thường là cao điểm mùa khô nên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy điện có thể giảm.
 
Nhiều doanh nghiệp lãi tăng mạnh
 
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Thủy điện A Vương (UPCoM: AVC) với nhà máy thủy điện A Vương tại Quảng Nam báo cáo doanh thu quý I đạt 167 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 10 tỷ cùng kỳ nước. Lợi nhuận gộp 98 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 26 tỷ cùng kỳ năm trước.
 
Chi phí tài chính và chi phí quản lý không có nhiều biến động, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 31 tỷ đồng.
 
Sông Ba (HoSE: SBA) công bố BCTC hợp nhất quý I với doanh thu 74 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 29 tỷ đồng, gấp 4,8 lần.
 
Doanh nghiệp có 2 nhà máy thủy điện gồm Khe Diên (15 MW) và Krông H’năng (64 MW) đặt tại Quảng Nam và Phú Yên. Trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế quý I, nhà máy Krông H’năng đóng góp 24,5 tỷ đồng và Khe Diên đóng góp 4 tỷ đồng.
 
Doanh nghiệp thủy điện ở Gia Lai – Thủy điện Sê San 4A (HoSE: S4A) đạt 16 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý I, gấp 8,4 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 13,4% đạt 50 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện từ 47% lên 51% và chi phí tài chính giảm đáng kể từ 16,6 tỷ về 7,5 tỷ đồng là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận.
 
Theo BCTC quý I, Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc 2 (UPCoM: ND2) lỗ 9 tỷ đồng, giảm so với con số 29 tỷ cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng 45% đạt 48,3 tỷ đồng, lãi gộp gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chí lãi vay ở mức cao 23,2 tỷ đồng, giảm gần 3 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
 
Doanh nghiệp cho biết quý I năm nay lượng mưa nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, nhà máy thủy điện Ngòi Phát mở rộng 12 MW (Lào Cai) đã đưa vào vận hành thương mại dẫn đến sản lượng tăng đáng kể.
 
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), lượng mưa phục hồi sẽ hỗ trợ hoạt động của các nhà máy thủy điện trong năm 2021 và 2022. Lượng mưa thường tuân theo chu kỳ 5 năm và đỉnh của chu kỳ mưa gần nhất xảy ra vào năm 2017. Do vậy, lượng mưa tại Việt Nam sẽ đi theo xu hướng phục hồi cho đến 2022, từ đó hỗ trợ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thủy điện.
 
Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khác biệt giữa các vùng miền nên không phải tất cả các doanh nghiệp thủy điện đều báo cáo lãi lớn. Trong nửa cuối năm 2020, các doanh nghiệp thủy điện ở khu vực miền Bắc, Trung và Tây Nguyên lãi đậm trong khi miền Nam suy giảm như Thủy điện Thác Mơ (HoSE: TMP).
 
Với đặc điểm thời tiết ở khu vực miền Nam mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 10 thì chu kỳ kinh doanh của Thủy điện Thác Mơ cũng ghi nhận lợi nhuận lớn vào 2 quý cuối năm. Thế nhưng, 2 quý cuối năm trước Thác Mơ báo cáo lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn cả 2 quý đầu năm.
 
Với năm 2021, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo mưa sẽ đến sớm hơn và có khả năng ngắn hơn mọi năm, lượng mưa dự báo thiếu hụt so với trung bình các năm trước.
 
Nhiều doanh nghiệp thủy điện đáng chú ý trên thị trường chứng khoán chưa công bố BCTC quý I như Thủy điện miền Trung (HoSE: CHP), Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (UPCoM: DNH), Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH)…
 
Bên cạnh đó, REE Corporation (HoSE: REE) cũng là “ông lớn” trong ngành khi có nhiều đơn vị thành viên, liên kết là doanh nghiệp thủy điện lớn trên sàn như TBC, MHP, CHP, TMP, VSH
 
Trong kế hoạch kinh doanh 2021, REE đặt mục tiêu mảng điện đóng góp 23% doanh thu và 37% lợi nhuận sau thuế cho REE, lần lượt tăng 37% và giảm 3,6% so với năm trước. Theo Tổng giám đốc Huỳnh Thanh Hải, lợi nhuận mảng điện giảm do nhà máy Thượng Kon Tum dự kiến lỗ, nhà máy Thác Mơ có kế hoạch thấp do lượng nước về ít và nhà máy Phả Lại cũng đặt kế hoạch rất thấp. Trong khi doanh thu tăng nhờ một số nhà máy mới đi vào vận hành và các nhà máy thủy điện khác có tình hình thủy văn thuận lợi.
 
Ngọc Điểm