Sản lượng điện huy động từ than và khí giảm lần lượt 5% và 19% so với nửa đầu năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu là huy động nhiều thủy điện, năng lượng tái tạo, bên cạnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá Pc giảm.
Hầu hết doanh thu bán điện của các đơn vị nhiệt điện đều giảm sau 6 tháng đầu năm. 
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết 6 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 7,4% so với cùng kỳ, đạt 128,51 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 52% cơ cấu huy động điện, tương đương 66,7 tỷ kWh. Tuy nhiên, sản lượng từ nguồn này đã giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Huy động từ tua bin khí cũng giảm 19% về gần 15,7 tỷ kWh, tương ứng 12,2% tổng sản lượng điện. 
 
Sản lượng từ các công ty nhiệt điện giảm do EVN ưu tiên huy động nhiều nguồn thủy điện trong điều kiện thủy văn thuận lợi và sử dụng một phần sản lượng phát điện từ năng lượng tái tạo. Trong nửa đầu năm, sản lượng từ nguồn thủy điện tăng 41% lên 30,46 tỷ kWh; năng lượng tái tạo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất 172%, đạt 14,69 tỷ kWh.
 
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng là lý do khiến các nhà máy nhiệt điện trở nên kém cạnh hơn. Nhóm nhiệt điện có đặc điểm chung là chi phí nguyên liệu từ than, khí và dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất điện. Theo báo cáo của SSI Research, giá dầu nhiên liệu (F0), đại diện cho giá khí (46% F0) đã tăng 125% trong quý II, kéo giá bán bình quân từ các nhà máy điện khí tăng theo. Do đó, EVN sẽ sử dụng nguồn khác như thủy điện, điện than thay vì điện khí. 
 
Việc giá than trong khu vực từ Australia và Indonesia tăng cũng sẽ tạo áp lực cho Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) nâng giá bán than trong nước cho các nhà máy điện than. Bên cạnh đó, sản lượng than nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia và Australia) chiếm gần một nửa tổng lượng than tiêu thụ trong nước nên các doanh nghiệp điện than sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá than nhập khẩu. 
 
Các nhà máy điện than cũng gặp khó khăn trước việc giảm giá bán điện hợp đồng (Pc) áp dụng từ năm nay trên cơ sở các quy định của hợp đồng mua bán điện (PPA) và các thông số than, dầu dự kiến cho năm 2021. Cụ thể, giá Pc tính toán cho năm nay của Nhiệt điện Quảng Ninh là 1.308,98 đồng/kWh, giảm so với mức 1.393,37 đồng/kWh trong năm ngoái. Giá Pc của Nhiệt điện Hải Phòng cũng giảm từ 1.583,89 đồng/kWh năm trước xuống mức 1.378,87 đồng/kWH trong năm nay.
 
Kết quả kinh doanh 6 tháng của một số doanh nghiệp nhiệt điện. Đơn vị: tỷ đồng
 
Trước thực trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng, cộng thêm sản lượng hợp đồng Qc và giá Pc giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhiệt điện.
 
Theo BCTC quý II, Điện lực Dầu khí Nhơn trạch 2 (HoSE: NT2) ghi nhận doanh thu sản xuất điện giảm 14% xuống 1.615,7 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu giảm chủ yếu là nhu cầu phụ tải thấp và giá khí tăng, theo đó sản lượng điện giảm 216,8 triệu kWh so với cùng kỳ. Kết quả, lãi sau thuế 24,6 tỷ đồng, giảm 90% so với quý II/2020.
 
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 9% xuống 3.265 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 139 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, công ty đã hoàn thành 42% mục tiêu về doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi nhuận.
 
Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM:HND) báo cáo doanh thu quý II giảm 16% xuống gần 2.624 tỷ đồng. Giá vốn chiếm đến 90% doanh thu nên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 66% về còn 188 tỷ đồng. Ngoài giá điện và sản lượng Qc giảm, các yếu tố khác ảnh hưởng đến lợi nhuận là chi phí chênh lệch tỷ giá tăng 64,8 tỷ đồng, phát sinh chi phí ủng hộ quỹ phòng chống Covid-19 và tiền thuê đất tăng.
 
Sau nửa đầu năm, công ty nhiệt điện than ghi nhận doanh thu 4.613,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 177 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 51,3% chỉ tiêu doanh thu và 88,5% mục tiêu lợi nhuận.
 
Giống các đơn vị trên, Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) có kết quả kinh doanh quý II kém khả quan với doanh thu giảm 54% xuống 1.218 tỷ đồng do sản lượng điện sản xuất giảm gần nửa về còn 932 triệu kWh trước sự cố kỹ thuật ngoài dự kiến tại nhà máy điện Phả Lại 2. Theo đó, công ty lỗ gộp gần 76 tỷ đồng nhưng nguồn cổ tức được chia đã làm giảm tác động tiêu cực lên lợi nhuận. Kết quả, lãi sau thuế quý II đạt 120 tỷ đồng, giảm hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. 
 
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu giảm 49% xuống 2.297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 38% về mức 258 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp hoàn thành 40% chỉ tiêu doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận.
 
Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE:BTP) cũng kinh doanh dưới giá vốn với lỗ gộp 6,3 tỷ đồng. Nhờ hoạt động tài chính mang về hơn 19 tỷ đồng nên lãi sau thuế gần 5 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ. 
 
Quý II, Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) ghi nhận lợi nhuận kém sắc khi giảm 99% xuống gần 178 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 21,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính cũng do sản lượng điện thấp hơn 32,4 triệu kWh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý II, công ty chưa ký hợp đồng bán điện năm 2021 nên hơn 241 tỷ đồng doanh thu bán điện đang tạm tính trên giá thỏa thuận với EVN.
 
Ngược lại, một số đơn vị nhiệt điện lại có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II. Trong đó, Nhiệt điện Cẩm Phả (UPCoM:NCP) đạt hơn 1.133 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế 58 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ hơn 64 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý có lãi trở lại của công ty sau 4 quý liên tiếp thua lỗ. Tuy nhiên, doanh thu 6 tháng đầu năm vẫn giảm 3% về mức 2.018 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 12,6 tỷ đồng.
 
Theo báo cáo quý II, doanh thu thuần của Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) tăng nhẹ 5% lên gần 2.472 tỷ đồng. Nhờ quản trị chi phí và giảm suất hao nhiệt nên lợi nhuận sau thuế đạt 193 tỷ đồng, gấp 7,3 lần cùng kỳ năm ngoái. 
 
Nhìn chung sau nửa đầu năm, doanh thu bán điện vẫn giảm 15% xuống 4.265 tỷ đồng nhưng giá vốn giảm nhiều hơn nên lợi nhuận gộp gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 439 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 310 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và thực hiện hơn 97% kế hoạch cả năm. 
 
 
 
Thảo Anh