Sau một năm ngập ngụa trong nợ nần, khó khăn bủa vây khiến không ít đơn vị rơi vào khủng hoảng, thậm chí “chết lâm sàng”, nhiều nhà thầu có vẻ đã nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi đồng loạt khởi công lại các dự án lớn, đồng thời lấn sân sang nhà ở xã hội.

Cuối tuần trước, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) phát đi thông báo cho biết đã ký kết hợp đồng tổng thầu với chủ đầu tư Thái – Holding về việc thi công dự án Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên, trên địa bàn quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, với tổng giá trị hơn 3.000 tỷ đồng.

Trở lại “đường đua”

Với vai trò tổng thầu thi công toàn bộ dự án, HBC sẽ triển khai xây dựng 10 tòa nhà cao tầng – mỗi tòa cao 15 tầng, 163 tòa nhà thấp tầng – mỗi tòa cao 7 tầng, cùng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan sân vườn. Tổng diện tích dự án khoảng 16,91 ha.

Trước đó, các dự án Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm (Tập đoàn Novoland), Santorini Bãi Trào Hòn Thơm (Sungroup) cũng đã được các chủ đầu tư và Xây dựng Hòa Bình tái khởi động.

Tương tự Hòa Bình, nhiều “ông lớn” ngành xây dựng khác đang trở lại đường đua trong năm 2023 với những dự án lớn. Đơn cử, nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Hưng Thịnh, Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng đang quyết liệt tái cơ cấu cùng với chiến lược kinh doanh mới.

Doanh nghiệp xây dựng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, hướng tới các dự án lớn và lấn sân sang nhà ở xã hội. 

Cụ thể, bên cạnh vai trò tổng thầu xây dựng, ông Trần Tiến Thành, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Incons, cho biết, Công ty đang nghiên cứu định hướng mở rộng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.

Cùng với đó, Hưng Thịnh Incons đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kết hợp với các đối tác nước ngoài như AkzoNobel, KONE… để triển khai các giải pháp thông minh, vật liệu xây dựng tiết kiệm. Hiện, Công ty đang triển khai hơn 20 dự án, với giá trị backlog (hợp đồng đã ký) tại thời điểm 31/12/2022 vào khoảng 27.000 tỷ đồng.

Ricons cũng thông báo đã ký kết cùng Novaland và TPBank để triển khai xây dựng hoàn thiện dự án The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM). Chưa kể, trong những ngày đầu tháng 5, Novaland đã ký kết biên bản thỏa thuận với MBBank và các nhà thầu như Hòa Bình, DIC, CC1, Handong, Vân Khánh, Coma9… để hợp tác triển khai lại các dự án ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết.

Trong khi đó, "đại gia" đang dẫn đầu ngành thầu xây dựng về doanh thu là Coteccon (CTD) cũng đang đặt những mục tiêu lớn. Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT CTD, trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, nhấn mạnh Công ty đã nhìn ra được một số cơ hội phía trước và tự tin đạt kế hoạch tăng trưởng.

Giá trị backlog chuyển tiếp cho năm 2023 của Coteccons đang vào khoảng 17.000 tỷ đồng, chưa bao gồm hợp đồng nhà máy Lego (quy mô 1 tỷ USD) và kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công như sân bay Long Thành. Đây là điểm tựa để Coteccons hoàn thành mục tiêu lớn trong năm tài chính.

Vẫn đầy thách thức

Với những tín hiệu tích cực về thị trường, Coteccons tự tin đặt kế hoạch doanh thu cả năm đạt 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, ông Bolat Duisenov vẫn nhấn mạnh khó khăn từ năm 2022 vẫn tồn tại.

Khó khăn của thị trường là lý do ông Bolat thừa nhận chưa có kế hoạch tài chính cụ thể cho 3-5 năm tới. Coteccons chỉ có thể chắc chắn về việc củng cố nền tảng về con người, hệ thống và sự minh bạch. “Coteccons có may mắn là vẫn còn giá trị backlog, và còn việc để làm”, ông Bolat chia sẻ.

Một “ông lớn” khác của ngành thầu xây dựng là Fecon (FCN) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 3.800 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với kết quả thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, tăng 140%.

Theo FCN, trong năm 2023, ngành xây dựng sẽ tăng trưởng trở lại và giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc, nhưng những khó khăn, thách thức từ năm 2022 vẫn tiếp tục. Công ty đặt kỳ vọng vào mảng đầu tư với lợi nhuận 60 tỷ đồng, gần bắt kịp mảng thi công.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Fecon, cũng đồng tình rằng thị trường đang có vấn đề lớn. "Cứu cánh" cho các doanh nghiệp xây dựng hiện tại là đầu tư công, nhưng cũng có rào cản nhất định.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xây dựng hiện tại là chi phí đầu vào quá cao. Không làm thì không có việc, nhưng làm thì gần như chắc chắn lỗ. Cho nên, một số dự án đầu tư công sẽ khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn”, ông Tùng nhấn mạnh.

Có một thực tế, theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), là nhiều nhà thầu đang chấp nhận làm dưới giá vốn, tức chưa làm đã biết là lỗ, để duy trì hoạt động. Đơn cử, vì những lý do khách quan, Vinaconex nhận xong gói thầu Mai Sơn – Quế Lộ đã dự toán lỗ đến 40%.

Trước những khó khăn, nhiều nhà thầu cũng đã có giải pháp ứng phó. Bên cạnh lấn sân sang nhà ở xã hội, nhiều đơn vị chủ động đẩy mạnh sang mảng hạ tầng, đón sóng các dự án FDI…

Đơn cử, Hòa Bình đang có nhiều động thái mới nhằm "giải nguy" cho mảng dân dụng. Trung tuần tháng 2 vừa qua, "ông lớn" này đã thông qua việc hợp tác với Công ty Keystone để xây dựng 5 dự án tại Mỹ, khẳng định tham vọng tiến ra nước ngoài.

Hay với Conteccons, kế hoạch năm 2023 là dịch chuyển sang xây dựng nhà xưởng để đón đầu làn sóng FDI. Vinaconex cũng đang có tới quá nửa công việc nằm ở các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những lỗ lực tự thân của doanh nghiệp, theo VACC, để tránh tình trạng nhà thầu “chết dần chết mòn”, cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý, giảm thiểu “phí không tên”. Đặc biệt, các nhà thầu đang mong muốn giải ngân vốn đầu tư công rút ngắn thời gian và thủ tục hơn.

Hưng Nguyên