Những dự báo cho thấy tiếp tục có nhiều thách thức về mặt xuất khẩu với các ngành đồ gỗ, dệt may khi bước sang năm 2023 trước mối lo nhu cầu giảm, đối mặt nhiều rủi ro, tuột đơn hàng về tay đối thủ vì thiếu “sản xuất xanh”. Để giải bài toán cạnh tranh đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt trong hai ngành này cần sớm có những giải pháp chuyển hướng, thay đổi nhất định.
 
Theo dự báo của Bộ phận phân tích – Công ty chứng khoán VnDirect, các ngành gỗ và dệt may sẽ đối mặt nhu cầu tiếp tục giảm của các thị trường xuất khẩu (XK) hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc vào năm 2023.
 
Đối mặt rủi ro giữa nhu cầu giảm
 
Giá nguyên vật liệu đầu vào như sợi, vải, gỗ ép sẽ giảm 3% – 7% so với cùng kỳ trong năm 2023 do nhu cầu yếu. Các công ty dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phải giảm giá bán (7%-10%) để thu hút thêm khách hàng. Do đó, biên lợi nhuận của các công ty trong hai ngành này sẽ giảm 0,8-1,0 điểm % vào năm 2023.
 
Các DN ngành gỗ cần lưu tâm đến “sản xuất xanh” để giành lợi thế trên thị trường XK vốn còn nhiều thách thức khi bước sang năm 2023.
 
Ngoài ra, phần lớn các DN dệt may được cho là sẽ phải đối mặt với rủi ro lãi suất do nợ ròng cao. Các công ty được điểm tên như CTCP May Sông Hồng, CTCP Sợi Thế Kỷ có tỷ lệ nợ vay USD cao sẽ chịu rủi ro về tỷ giá. 
 
Với ngành dệt may, theo dự báo giá nguyên liệu đầu vào như sợi cotton, sợi polyester sẽ giảm 1%-3% vào năm 2023 do nhu cầu giảm, kèm theo đó là giá dầu và giá bông chững lại. Tuy nhiên, với thách thức phía trước, các công ty dệt may sẽ chuyển hướng sản xuất sang các mặt hàng có giá trị thấp hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
 
Hoạt động XK dệt may khi bước vào năm 2023 cũng được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lên hai kế hoạch tăng trưởng. Kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến kim ngạch XK dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.
 
Để đạt mục tiêu cho năm 2023, Vitas đưa ra một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất là kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, giải quyết phần cung thiếu hụt.
 
Thứ hai là xây dựng giải pháp phát triển bán hàng FOB ((công ty sẽ chủ động trong quá trình sản xuất, tự chủ nguyên liệu đầu vào, từ việc mua nguyên liệu cho tới ra sản phẩm cuối cùng – PV), ODM (phương thức sản xuất xuất khẩu bao gồm khâu thiết kế và cả quá trình sản xuất từ thu mua vải và nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển), OBM (nhà sản xuất thương hiệu gốc).
 
Thứ ba là xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ tự động hóa, quản trị số, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, bắt kịp xu thế toàn cầu.
 
Thứ tư là đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường, xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Thúc đẩy giải pháp đào tạo nguồn lực có chất lượng, bắt kịp xu thế đòi hỏi của toàn ngành, của từng doanh nghiệp (DN).
 
Còn với ngành gỗ, trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức. Nhất là khi nhu cầu nhà ở của Mỹ hạ nhiệt trong bối cảnh tỷ giá và giá cả ngày càng tăng. Ngay cả thị trường EU cũng sẽ tiếp tục giảm do người dân thắt chặt chi phí để chống lạm phát.
 
Giành lợi thế từ “sản xuất xanh” 
 
Giới phân tích cho rằng lãi suất vay mua nhà và giá nhà tăng có thể làm giảm nhu cầu mua nhà và nội thất tại Mỹ trong năm 2023. Doanh thu của các DN XK gỗ như CTCP Phú Tài (PTB), CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) sẽ giảm tốc vào năm 2023 do nhu cầu tại thị trường Mỹ suy yếu.
 
Theo dự báo, giá ván ép sẽ giảm 5% trong năm 2023. Tuy nhiên, các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phải giảm giá bán trung bình để thu hút nhiều khách hàng hơn. Biên lợi nhuận gộp của các DN ngành này được dự đoán sẽ giảm 0,5 – 0,8 điểm % vào năm 2023. 
 
Những đánh giá cho thấy rất nhiều rủi ro sẽ tới với các DN ngành gỗ khi bước vào quý I, quý II của năm 2023 vì thị trường gỗ chịu sức ép giảm sút mạnh. Vì vậy, điều mà các DN cần làm là đẩy mạnh xu hướng sử dụng các nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước để giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, đa dạng hóa vấn đề phân phối sản phẩm, tận dụng thị trường thương mại điện tử để giảm chi phí logistics.
 
Không chỉ vậy, ngành gỗ Việt cần sớm bắt nhịp với xu hướng XK xanh cho năm 2023 để nâng sức cạnh tranh nhằm tránh mất đơn hàng về tay đối thủ ở một số quốc gia khác.
 
Liên quan đến xu hướng XK xanh, vào ngày 29/12, tạo hội thảo của ngành gỗ do Quỹ châu Á (The Asia Foundation), Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức ở Tp.HCM cũng đã nêu bật vấn đề “DN ngành gỗ và Hành trình tới Net-Zero: Cơ hội hay thách thức ?”.
 
Hành trình Net-Zero với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt mức phát thải ròng bằng 0 – Net Zero, vào năm 2050. Ts. Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends, lưu ý về cuộc đua giành lợi thế hướng đến mục tiêu Net-Zero. 
 
Ông Phúc cũng nêu rõ tình hình chuyển dịch của chính sách quốc tế, trong nước và những tác động trực diện đến DN Việt. Thông qua đó, gợi mở một số bài toán về cạnh tranh với DN ngành gỗ trong thời gian tới.
 
Trong xu hướng XK xanh, những diễn biến gần đây cũng cho thấy XK dệt may của Việt Nam có vẻ chậm chân trước đối thủ cạnh tranh là Bangladesh khi nước này đã đẩy nhanh thực hiện chiến lược “xanh hóa” dệt may. Nhiều đơn hàng về với DN dệt may của Bangladesh vì “sản xuất xanh”, trong khi các DN Việt lại than phiền tình trạng thiếu đơn hàng.
 
Cần thấy rằng, với những thách thức mà các DN ngành dệt may và đồ gỗ đối mặt khi bước vào năm 2023, cùng với đó là các yêu cầu, diễn biến mới từ các thị trường XK chính của Việt Nam như Mỹ, EU… trong việc “sản xuất xanh”, giảm phát thải khí nhà kính đã được coi là một tiêu chí “bắt buộc” thay vì là “tự nguyện”. 
 
Cho nên, đây là điều mà các DN Việt trong hai ngành XK chủ lực này cần lưu tâm nhằm chủ động có các giải pháp thích ứng, thay đổi nhất định để nâng sức cạnh tranh và tồn tại trong các chuỗi cung ứng cho thời gian tới.
 
Thế Vinh