Giá than nhiệt Australia đã tăng 106% từ đầu năm và có thể lên mức cao nhất mọi thời đại trong thời gian tới.
Mhiều nhà máy điện than cũng gặp khó khăn trước việc giảm giá bán điện hợp đồng Pc.
Sản lượng huy động cũng giảm do EVN ưu tiên nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo.
Hầu hết các doanh nghiệp điện than đều kinh doanh kém khả quan khi doanh thu và lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ.
 
Giá than nhiệt Australia tăng 106%, giá bán điện hợp đồng Pc giảm
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết 7 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 151,65 tỷ kWh. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 50,7% cơ cấu huy động điện, tương đương 76,86 tỷ kWh, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. 
 
Sản lượng từ các công ty nhiệt điện than giảm do EVN ưu tiên huy động nhiều nguồn thủy điện và sử dụng một phần sản lượng phát điện từ năng lượng tái tạo. Lũy kế 7 tháng năm, sản lượng từ nguồn thủy điện tăng 31% lên 38,29 tỷ kWh và năng lượng tái tạo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất 174%, đạt 17,35 tỷ kWh. 
 
Nhóm nhiệt điện than có đặc điểm chung là chi phí sản xuất chủ yếu đến từ chi phí nguyên vật liệu và chi phí khấu hao. Cụ thể, chi phí than chiếm tỷ trọng lớn nhất (90%) trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu. Vì thế, giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng là lý do khiến các nhà máy nhiệt điện trở nên kém cạnh hơn. 
 
Nguồn: Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
 
Bên cạnh đó, sản lượng than nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia và Australia) chiếm gần một nửa tổng lượng than tiêu thụ trong nước nên các doanh nghiệp điện than sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề giá than nhập khẩu. Việc giá than trong khu vực từ Australia và Indonesia tăng sẽ tạo áp lực cho Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) nâng giá bán than trong nước cho các nhà máy điện than. 
 
Kể từ đầu năm, giá than nhiệt của Australia tại cảng Newcastle – giá tiêu chuẩn cho thị trường châu Á đã tăng 106% lên hơn 166 USD/tấn. Giá nhiên liệu này trong thời gian tới có thể lên mức cao nhất mọi thời đại từng ghi nhận được vào hồi tháng 7/2008 là 195,2 USD/tấn.
 
Yulia Buchneva, Giám đốc bộ phận nguyên thiên nhiên tại Fitch Ratings, dự đoán rằng thị phần của than trong sản xuất điện sẽ giảm do chương trình nghị sự chuyển đổi năng lượng, nhưng đó là về dài hạn. Trong trung hạn, nhu cầu than vẫn sẽ tăng ở các thị trường mới nổi với chương trình nghị sự về môi trường ít nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là ở Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam, nơi nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế trong sản xuất điện. Than nhiệt vẫn là nguồn năng lượng quan trọng bởi nó chiếm hơn 35% thị phần trong sản xuất điện toàn cầu.
 
Diễn biến giá than nhiệt Australia. Nguồn: Index Mundi
 
Hàng năm EVN sẽ giao cho các nhà máy điện một sản lượng điện hợp đồng Qc được trợ giá Pc, đặc biệt nhóm nhiệt điện có chi phí biến đổi cao, ví dụ do ảnh hưởng giá nguyên vật liệu trên thế giới. Phần sản lượng còn lại sẽ được đấu giá và trúng giá Pm trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM).  Hiện tại mức sản lượng Qc vẫn chiếm đến 90% mức sản lượng sản xuất do CGM vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
 
Vì thế, nhiều nhà máy điện than cũng gặp khó khăn trước việc giảm giá bán điện hợp đồng Pc áp dụng từ năm nay trên cơ sở các quy định của hợp đồng mua bán điện (PPA) và các thông số than, dầu dự kiến cho năm 2021. Cụ thể, giá Pc tính toán cho năm nay của Nhiệt điện Quảng Ninh là 1.308,98 đồng/kWh, giảm so với mức 1.393,37 đồng/kWh trong năm ngoái. Giá Pc của Nhiệt điện Hải Phòng cũng giảm từ 1.583,89 đồng/kWh năm trước xuống mức 1.378,87 đồng/kWH trong năm nay.
 
Kết quả kinh doanh kém sắc nhóm nhiệt điện
 
Trước những yếu tố trên, kết quả quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp điện than kém khả quan trong nửa đầu năm nay.
 
Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM:HND) ghi nhận doanh thu 4.613,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 177 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 76% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 51,3% chỉ tiêu doanh thu và 88,5% mục tiêu lợi nhuận. Đơn vị cho biết sản lượng điện thực phát giảm, bên cạnh giá điện và sản lượng Qc cũng thấp hơn cùng kỳ là nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận. 
 
Sau nửa đầu năm, doanh thu bán điện của Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) giảm 15% xuống 4.265 tỷ đồng. Nhờ giảm suất hao nhiệt và các loại chi phí, đặc biệt là chi phí khấu hao giảm nửa về gần 490 tỷ đồng, nên lãi sau thuế đạt 310 tỷ đồng, gấp 15 lần cùng kỳ và thực hiện hơn 97% kế hoạch cả năm.  
 
Giống các đơn vị trên, Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) có kết quả kinh doanh kém khả quan do sản lượng điện sản xuất giảm nửa về còn 1.786 triệu kWh trước sự cố kỹ thuật ngoài dự kiến tại nhà máy điện Phả Lại 2. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu giảm 49% xuống 2.297 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 38% về mức 258 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp hoàn thành 40% chỉ tiêu doanh thu và 62% mục tiêu lợi nhuận.
 
Nhiệt điện Cẩm Phả (UPCoM:NCP) mặc dù lãi 58 tỷ đồng trong quý II nhưng trước đó công ty đã lỗ 4 quý liên tiếp. Nửa đầu năm nay, doanh thu giảm 3% về mức 2.018 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 12,6 tỷ đồng. Tại ngày 30/6, lỗ lũy kế lên đến hơn 1.669 tỷ đồng.
 
Tương tự các công ty trên, sản lượng điện 6 tháng đầu năm của Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) thấp hơn 124 triệu kWh so với cùng kỳ, dẫn đến doanh thu bán điện giảm hơn 245 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị chưa ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ với EVN. Kết quả, lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ gần 23 tỷ đồng.   
 
Một công ty điện than phía Nam là Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE:BTP) lỗ do sản xuất điện gần 28 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính hơn 55 tỷ đồng nên lãi sau thuế đạt 23 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. 
 
Kết quả kinh doanh nhóm điện than phản ánh vào giá cổ phiếu khi hầu hết đều đi đang hoặc giảm so với đầu năm. Cụ thể, giá cổ phiếu HND giảm 5%, PPC giảm 6% và NCP giảm 24%. Riêng Nhiệt điện Quảng Ninh lãi quý II gấp 15 lần cùng kỳ nên giá tăng 37% lên 16.200 đồng/cp kết phiên 24/8. 
 
Diễn biến giá cổ phiếu các doanh nghiệp điện than. Nguồn: Tradingview
 
Thảo Anh