Giá khí LNG đạt mức kỷ lục.
Giá gas trong nước cao nhất trong 5 tháng qua.
Cổ phiếu ngành khí đang có giai đoạn tăng giá mạnh nhờ diễn biến giá nhiên liệu trên thị trường.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu hạ nguồn liên tục chinh phục mức giá đỉnh lịch sử,
Giá LNG lên kỷ lục
Giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG – Liquefied natural gas) trên toàn cầu cao kỷ lục. Giá giao tháng 11 trên sàn TTF của Hà Lan vượt 113,3 USD/mwh, tăng khoảng 400% từ đầu năm và là mức cao nhất từ trước tới nay. Giá giao ngay tại khu vực châu Á đã đạt hơn 34 USD/mmBtu, cao nhất từ năm 2009.
Đà tăng giá nhiên liệu này đến từ cuộc khủng hoảng khí đốt và năng lượng tại châu Âu đang lan rộng do nguồn cung thấp, trong khi nhu cầu sử dụng tăng vọt giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thu mua dự trữ cho mùa đông sắp tới.
Giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG – Liquefied petrolium gas) thế giới tháng 10 đạt hơn 797 USD/tấn, tăng 17% so với tháng 9. Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung thế giới nên giá gas nội địa cũng điều chỉnh. Cụ thể, giá tăng thêm 42.000 đồng/bình loại 12 kg và 157.500 đồng/bình loại 45 kg từ ngày 1/10. Đây là mức giá gas bán lẻ cao nhất trong 5 tháng qua.
Các chuyên gia cũng cho rằng giá LPG tăng theo đà tăng giá dầu mỏ trên thế giới. Cụ thể, giá dầu WTI đang giao dịch với giá 78 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu Brent cũng tăng hơn 50% kể từ đầu năm và lần đầu tiên vượt mức đỉnh hơn 80 USD/thùng sau 3 năm. Căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng vọt lên mức 90 USD/thùng trong vài tháng tới.
Trong năm ngoái, cơ cấu tiêu thụ khí trong nước chủ yếu cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất điện với 77%, tiếp đó là sản xuất đạm chiếm 19% và khoảng 4% cho các ngành công nghiệp khác và hộ tiêu thụ.
Tỷ trọng tiêu thụ khí của ngành điện đã giảm 6 điểm % so với giai đoạn năm 2011 – 2016 do Chính phủ đẩy mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Nửa đầu năm nay, mặc dù nhu cầu tiêu thụ khí tiếp tục giảm, song hầu hết các đơn vị bán lẻ khí đều có kết quả kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ nhờ giá khí cao kỷ lục trước ảnh hưởng của giá nhiên liệu thế giới.
Theo SSI Research, giá LNG trong nước không sử dụng giá khí thế giới để làm cơ sở cho giá bán. Giá mà PV Gas và các đơn vị thành viên phân phối được dựa trên công thức sử dụng giá FO hoặc LPG làm cơ sở. Trong thời gian gần đây, việc giá khí thiên nhiên thế giới tăng mạnh cũng thúc đẩy giá các nhiên liệu thay thế như FO, LPG tăng mạnh. Tuy nhiên, SSI Research đánh giá mức độ hưởng lợi và mức gia tăng về lợi nhuận nếu có sẽ không mạnh mẽ như mức tăng của giá LNG.
Theo thống kê của Bộ Công thương, từ năm 2016, sản lượng LPG sản xuất trong nước ngày càng không phục vụ được nhu cầu tiêu thụ. Do vậy, Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn cung thế giới, dẫn đến tình trạng nhập siêu khí LPG. Nguồn cung nhập khẩu LPG của Việt Nam năm 2019 chủ yếu từ các nước Trung Quốc (chiếm 56%), Quatar (chiếm 14%), Kuwait (chiếm 14%), Thái Lan (chiếm 9%) và Arab Saudi (chiếm 7%).
Theo Chứng khoán VietinBank, giá LPG nhập khẩu trong nước là giá hợp đồng Saudi Aramco, hay còn gọi là giá CP Saudi. Do giá CP Saudi thay đổi theo tháng nên kéo giá bán khí LPG trong nước cũng biến đổi hàng tháng. Ngoài ra, giá bán khí LPG nội địa còn chịu tác động mạnh mẽ bởi giá dầu thô, tỷ giá hối đoái, phí vận chuyển, thuế, khối lượng kinh doanh, tính mùa vụ….
Nguồn: PV Gas, CTS
Giá khí bứt phá trong thời gian qua đã giúp nhiều cổ phiếu trong ngành tăng mạnh. Theo các đơn vị phân tích, chuỗi giá trị ngành khí có thể chia thành các phần theo giai đoạn sản xuất chính. Trong đó, nhóm thượng nguồn (upstream) chuyên thăm dò và khai thác; trung nguồn (midstream) mua khí tại mỏ, xử lý và vận chuyển đến các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ; cuối cùng là đơn vị hạ nguồn (downstream) phân phối khí đến người tiêu dùng hoặc các nhà bán buôn khác.
Nguồn: PV Gas, FPTS Research
Các công ty thượng nguồn như PV Drilling (PVD ), PVS hay PV Coating (PVB )… hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, dịch vụ khoan, xây dựng và xây lắp ghi nhận diễn biến tích cực về giá thời gian qua khi tiệm cận vùng đỉnh gần nhất thiết lập tháng 6.
Cụ thể, cổ phiếu PVD của PV Drilling đang có giai đoạn tăng mạnh lên 24.000 đồng/cp, cao hơn 23% so với thời điểm đầu tháng 9 và hơn 48% từ đầu năm. Tại ngày 4/10, cổ phiếu đã có lúc tăng lên 24.250 đồng/cp tuy nhiên sau đó đã hạ nhiệt vào cuối phiên. Thanh khoản đột phá với 15 triệu cổ phiếu khớp lệnh, gấp 1,5 lần so với trung bình 10 phiên trước.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo đưa cổ phiếu PVD vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng năm nay là âm hơn 97,6 tỷ đồng.
Một đơn vị khác cũng nằm trong nhóm thượng nguồn là Tổng CTCP Dịch vũ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS ) cũng ghi nhận mức tăng giá trong một tháng trở lại đây. Cổ phiếu PVS đang được giao dịch quanh vùng 28.700 đồng/cp, tăng 15% so với thời điểm cuối tháng 8.
Đà tăng giá nhiên liệu hiện nay đã giúp hoạt động thăm dò và khai thác của nhóm thượng nguồn được đẩy mạnh. Đơn cử như tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã ký hợp đồng trong 6 tháng cuối năm.
Theo dự báo của VNDirect, giá nhiên liệu tăng mạnh không chỉ thúc đẩy giá cổ phiếu ngắn hạn mà còn cải thiện nền tảng cơ bản của ngành trong những năm tới khi mang lại nhiều động lực tái khởi động những dự án lớn. Trong nửa cuối năm, các dự án thăm dò khai thác khí trọng điểm như Lô B, Nam Du – U Minh, Sư Tử Trắng, Cá Voi Xanh… được tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phê duyệt để thực hiện đầu tư kịp tiến độ giai đoạn 2021-2025.
Nguồn: Tradingview
Ở phân khúc trung nguồn, PV Gas (HoSE: GAS ) là nhà doanh nghiệp duy nhất thực hiện thu gom khí khô từ các chủ mỏ, sau đó xử lý và phân phối khí khô đến các khách hàng sản xuất điện, đạm và các khách hàng công nghiệp sử dụng khí thấp áp.
Đồng thời, PV Gas cũng là nhà phân phối lớn khí LPG đến các doanh nghiệp bán buôn để bán lại cho các hộ tiêu dùng. Đơn vị nắm 65% thị trường bán buôn năm 2020, tăng so với mức 60% của 2019. Sản lượng khí gas mà tổng công ty cung ứng ra thị trường năm 2020 đạt 1,9 tỷ tấn, trong đó nhập khẩu chiếm 46,7% chủ yếu từ Trung Quốc, Quata, Kuwait…
Doanh nghiệp này có khả năng đàm phán giá khí và dịch vụ vận chuyển nên biên lợi nhuận có sự ổn định hơn thị trường chung. PV Gas mới đây thông báo tổng doanh thu 8 tháng ước gần 52.000 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch 8 tháng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt gần 5.700 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 8 tháng. Doanh nghiệp cho biết hưởng lợi khi giá dầu và giá LPG thị trường tăng so với kế hoạch, nhưng nhu cầu tiêu thụ khí của lại sụt giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên nhiều đơn vị phân tích như Chứng khoán MB (MBS), VNDirect… nhận định nhu cầu khí ở mức thấp chỉ là tạm thời, tiềm năng tăng trưởng nhờ giá dầu tăng, năng lực cấp khí ổn định và nhu cầu điện ngày càng lớn.
Ngoài ra, PV Gas đang trong một chu kỳ đầu tư mới, tạo tiền đề tăng trưởng dài hạn. Tổng nhu cầu vốn 3,9 tỷ USD cho 4 đại dự án là Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2, LNG Thị Vải – giai đoạn 1 và 2, Lô B và LNG Sơn Mỹ.
Trên thị trường, cổ phiếu GAS cũng có giai đoạn tăng giá ấn tượng một tuần trở lại đây khi tăng từ 90.000 đồng/cp (ngày 27/9) lên 109.000 đồng/cp (ngày 5/10), tương ứng mức tăng trưởng 21%. Thị giá hiện tại cũng là mức cao nhất từ năm 2020.
Nguồn: Tradingview
Cổ phiếu nhóm hạ nguồn liên tục chinh phục mức giá đỉnh lịch sử
Ở mảng bán lẻ, PV Gas phát triển thương hiệu Petrovienam Gas thông qua đơn vị thành viên là Công ty Kinh doanh LPG Việt Nam (HNX: PVG ) và Công ty kinh doanh khí niềm Nam (PV Gas South, HNX: PGS ). Sản lượng hai doanh nghiệp khá tương đương nhau với khoảng 250.000 tấn khí gas năm 2020, giữ hai vị trí dẫn đầu toàn thị trường.
LPG Việt Nam kinh doanh hai sản phảm chính là LPG và CNG (khí thiên nhiên nén). Doanh nghiệp được giới thiệu đứng trong nhóm đầu thị trường LPG dân dụng miền Bắc, sở hữu hệ thống kho, tạm chiết nạp và mạng lưới phân phối khí gas từ Hà Giang tới Đà Nẵng.
Do là công ty phân phối LPG nên có thể được hưởng lợi từ xu hướng LPG tăng giá. Tuy nhiên, lợi nhuận của PGS trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần khi sản lượng CNG bán ra giảm và tỷ suất lợi nhuận giảm.
PV Gas South cũng có sản phẩm chủ lực là LPG, đóng góp doanh thu lớn hơn trên 75%. Doanh nghiệp chiếm 34,5% LPG tại thị trường miền Nam và 13% thị trường cả nước. SSI Research dự báo đơn vị này sẽ là cánh tay nối dài của PV Gas trong tương lai, phân phối thêm các sản phẩm khí LPG, LNG ở thị trường miền Bắc và miền Trung.
Cổ phiếu của hai đơn vị trên cũng ghi nhận mức tăng trưởng về giá ấn tượng. Cụ thể, giá cổ phiếu PGS của PV Gas South đã tăng liên tục trong 5 phiên gần nhất, trong đó hai phiên tăng trần. Hiện cổ phiếu của công ty đang giao dịch ở mức 31.600 đồng/cp, tăng 35% sau một tuần giao dịch. Thị giá mã PVG của LPG Việt Nam cũng tăng mạnh 100% sau hai tháng.
Một đơn vị khác thuộc hệ thống PV Gas là CNG Việt Nam (HoSE: CNG) cũng kinh doanh LPG, nhưng sản phẩm chủ lực là CNG. Theo SSI Research, công thức giá đầu vào và giá bán của CNG dựa trên giá FO/LPG và được điều chỉnh 6 tháng/lần. Khi giá FO, LPG tăng sẽ làm tăng doanh thu.
Tuy nhiên, PV Gas quyết định giá đầu vào cho các công ty phân phối thành viên, nên thường lợi nhuận của CNG được PV Gas điều tiết và thường không quá đột biến trong điều kiện bình thường. Trong tương lai, CNG sẽ phân phối LNG cho PV Gas khi dự án LNG Thị Vải đi vào khai thác từ cuối 2022.
Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng tăng 47% từ đầu tháng 9 và hiện đang giao dịch ở mức giá đỉnh lịch sử 39.400 đồng/cp.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp trên sàn kinh doanh sản phẩm gas như MT Gas (UPCoM: MTG ), Tập đoàn Dầu khí An Pha (HoSE: ASP ) đều ghi nhận mức tăng 3 chữ số kể từ thời điểm cuối tháng 8. Cụ thể, giá MTG tăng 192% lên mức 12.000 đồng/cp, mức giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. ASP tăng 127%, đạt 16.400 đồng/cp – mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết của ASP .
Các cổ phiếu khác trong nhóm hạ nguồn như PGC , PCG cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong tháng 9 vừa qua lần lượt là 55%, 106%.
Nguồn: Tradingview
Thảo Anh