Các khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) đã giảm 662 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 nhưng vẫn ở mức 3.923 tỷ đồng. Thu hồi công nợ được Ban lãnh đạo Ricons cho là thách thức lớn nhất trong bối cảnh Công ty trúng thầu thi công nhiều dự án hạ tầng, nhà xưởng công nghiệp.
 
 
Liên tiếp trúng các gói thầu lớn
 
Ngày 12/9/2023, Ricons đã thông báo về việc trúng thầu với vai trò tổng thầu thiết kế và thi công Dự án Khu căn hộ Central Park Residences thuộc khu phức hợp Eco Central Park tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích là 19.196 m2, bao gồm 2 tòa tháp chung cư hỗn hợp có quy mô mỗi tòa gồm 2 tầng hầm và 30 tầng nổi.
 
Cuối tháng 8/2023, Ricons thông báo trúng Gói thầu Cung cấp và thi công lắp đặt trọn gói hệ thống điện và điện nhẹ thuộc Dự án Trường Liên cấp quốc tế trong Khu đô thị The Manor Central Park (Trường Dwight Hà Nội). Đây là dự án quy mô lớn do Bitexco làm Chủ đầu tư, được xây dựng trên khu đất rộng hơn 32.000 m2, gồm 1 tầng hầm, 5 tầng nổi. Tại dự án này, Ricons đang thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng với thời gian dự kiến cất nóc vào tháng 10/2023.
 
Trong tháng 8/2023, với tư cách thành viên liên danh, Ricons trúng liên tiếp 2 gói thầu quy mô lớn tại 2 dự án cảng hàng không. Đó là Gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 Các công trình thiết yếu trong Cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (giá trúng thầu hơn 27.813 tỷ đồng và gần 338,85 triệu USD); Gói thầu số 12 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 thuộc Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (giá trúng thầu 9.034,126 tỷ đồng). Cả 2 gói thầu đều được khởi công vào ngày 31/8/2023.
 
Trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng công nghiệp, ngày 14/8/2023, Ricons đã khởi công xây dựng Dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian giai đoạn 1 gồm 2 nhà xưởng do Foxconn làm Chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang. Trước đó, cũng tại Khu công nghiệp Quang Châu, Ricons đã thi công 7 nhà xưởng cho Chủ đầu tư Foxconn.
 
Việc trúng thầu thi công các gói thầu, dự án trên được đánh giá là nằm trong chiến lược kinh doanh của Ban lãnh đạo Ricons, đó là tìm kiếm nguồn công việc từ các dự án đầu tư công, cơ sở hạ tầng và các dự án xây dựng nhà xưởng công nghiệp, giúp bổ sung nguồn công việc trong bối cảnh lĩnh vực xây dựng phục vụ các dự án bất động sản gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tham gia thi công các công trình này được đánh giá sẽ bổ sung hồ sơ năng lực, kinh nghiệm của Ricons, mở rộng khả năng thi công các lĩnh vực được đánh giá còn có nhiều dư địa phát triển.
 
 
Thu hồi công nợ là thách thức lớn nhất
 
Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2023 của Ricons cho thấy, bức tranh kinh doanh còn nhiều khó khăn với doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính tiếp tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Cu thể, trong nửa đầu năm 2023, doanh thu thuần của Ricons đạt 3.821 tỷ đồng, giảm 19,8% so với nửa đầu năm 2022, nguyên nhân chủ yếu là doanh thu từ hợp đồng xây dựng (chiếm đến 99% cơ cấu doanh thu) sụt giảm. Biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp khiến lợi nhuận gộp thu về chỉ 65,3 tỷ đồng, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Trong bối cảnh đó, khoản thu nhập từ lãi tiền gửi – trái phiếu, cổ tức – lợi nhuận được chia và khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng mạnh đã trở thành động lực giúp lợi nhuận sau thuế của Ricons đạt 67,9 tỷ đồng, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2022
 
Mặc dù lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với nửa đầu năm 2022 và vượt chỉ tiêu lãi sau thuế 50 tỷ đồng cho cả năm 2023, nhưng sự tăng trưởng chủ yếu đến từ mức nền thấp của nửa đầu năm 2022 và kế hoạch thận trọng mà Đại hội đồng cổ đông đề ra. So với quy mô tài sản – nguồn vốn của doanh nghiệp cũng như kết quả đạt được trong giai đoạn trước đó, số lợi nhuận này vẫn rất nhỏ.
 
Tính đến hết quý II/2023, quy mô tài sản của Ricons ở mức 7.263 tỷ đồng, giảm 11,4% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn với giá trị lên đến 3.923 tỷ đồng. Trong đó, phải thu từ khách hàng là 3.598,5 tỷ đồng. Một số khoản phải thu đáng chú ý là từ Công ty CP Xây dựng Coteccons (322,5 tỷ đồng), Công ty CP Gamuda Land (647,5 tỷ đồng).
 
Trong nửa đầu năm nay, giá trị phải thu ngắn hạn từ các khách hàng của Ricons đã giảm 662 tỷ đồng, trong đó phải thu từ Công ty CP Gamuda Land giảm 342,2 tỷ đồng, góp phần giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh thặng dư và giảm dư nợ vay. Tổng số dư nợ vay ngắn hạn của Ricons đến hết quý II/2023 là 398,8 tỷ đồng, giảm 255 tỷ đồng so với đầu năm.
 
Đây được đánh giá là kết quả khá tích cực trong bối cảnh nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền và như chia sẻ của Ban lãnh đạo Ricons tại Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 6 vừa qua: “Việc thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư là thách thức lớn nhất của đội ngũ điều hành”.
 
Tính đến cuối quý II/2023, Ricons đang có hơn 200 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 721,4 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng trên 3 tháng, 312 tỷ đồng trái phiếu ngắn – dài hạn và 167,4 tỷ đồng cổ phiếu ưu đãi hoàn lại. Với nguồn lực dự trữ không quá dồi dào, việc thu xếp dòng vốn, bao gồm tiếp tục thu hồi các khoản phải thu sẽ đóng vai trò quan trọng bảo đảm thi công các gói thầu, dự án đúng tiến độ.
 
Lâm An