Suốt một thời gian dài phản ánh, kiến nghị giải quyết tình trạng ô nhiễm do 3 nhà máy trên địa bàn gây ra nhưng nguyện vọng của người dân vẫn chưa được đáp ứng.
 
 
Nhà máy nằm ngay sát trong khu dân cư đã gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: L.K.
 
Gần chục năm qua, hầu như năm nào cũng vậy, các hộ dân ở thôn Hòa Mỹ (xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đều gửi đơn kêu cứu đến các ngành chức năng trước tình trạng 3 nhà máy hoạt động trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt.
 
Theo tìm hiểu, hiện nay có 3 nhà máy đang cùng lúc hoạt động tại địa phương này là: Nhà máy gạch tuynel Chu Lai, Nhà máy bê tông Chu Lai (thuộc Công ty CP Bê tông Hòa Cầm) và Nhà máy xí nghiệp than Chu Lai (Chi nhánh của Công ty CP Than miền Trung).
 
Qua ghi nhận, hàng ngày, trên con đường dân sinh dẫn vào thôn Hòa Mỹ đều có hàng trăm lượt xe có trọng tải lớn, xe bồn, chở nguyên vật liệu phục vụ cho các nhà máy hoạt động. Hệ lụy tất yếu xảy ra là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí và gây cản trở các phương tiện khác của người dân lưu thông.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi, trú thôn Hòa Mỹ) cho biết, những ngày này trời nắng nóng, mỗi lần xe cộ chạy vào nhà máy làm rơi vãi đất, than, bột bê tông trên đường gây bụi bặm, bay thẳng vào nhà. Những hộ dân sống xung quanh không còn cách nào khác phải đóng kín cửa.
 
Chưa hết, trong quá trình hoạt động, khí thải từ các nhà máy này còn phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi trong khu dân cư này còn có đến 2 trường tiểu học, và 3 cơ sở mầm non khiến người dân vô cùng bức xúc. “Chúng tôi đã nhiều lần chặn xe không cho lưu thông. Sau đó, chủ 3 nhà máy cam kết thay phiên tưới nước trên đường, nhưng cũng không giải quyết được gì nhiều”, bà Tuyết nói.
 
 
Mỗi lần hoạt động, các nhà máy lại phát tán khói bụi gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: L.K.
 
Đến mùa mưa, nước thải trong quá trình trộn bê tông, nước than, gạch sau công đoạn xử lý thô, chảy tràn ra kênh mương khiến đồng ruộng của bà con cũng bị ô nhiễm, mất mùa.
 
Theo dân địa phương, thời gian qua, một số người dân trong thôn còn bị đau ốm thường xuyên. Do đó, họ lo ngại rằng, nguyên nhân chính là do tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra nhiều năm qua trên địa bàn.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền (Tổ phó Tổ dân cư số 1, thôn Hòa Mỹ) cho hay, hiện tại có hơn 100 hộ dân bị ảnh hưởng của 3 nhà máy này, trong đó chịu ảnh hưởng trực tiếp là 60 hộ dân của Tổ 1. Quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm do 3 nhà máy gây ra, 9 năm nay, người dân đã viết đơn phản ánh lên các cấp chính quyền. Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành cũng tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, mỗi đợt kiểm tra đều kết luận các thông số về môi trường của 3 nhà máy đều đạt chuẩn cho phép.
 
Không đồng tình với kết quả này, tại các buổi tiếp xúc cử tri ở huyện, HĐND tỉnh, đại diện tổ dân cư và người dân đều kiến nghị chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý triệt để, sớm di dời 3 nhà máy này ra khỏi khu dân cư. Mặc dù vậy, đã rất nhiều năm trôi qua, những kiến nghị của người dân vẫn chưa được giải quyết.
 
 
Người dân đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn lên các cấp chính quyền nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng 3 nhà máy hoạt động trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. ảnh: L.K.
 
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa cho rằng, mỗi năm theo định kỳ 2 lần, Phòng tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành đều đi kiểm tra, đánh giá môi trường ở khu vực 3 nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, mỗi lần kiểm tra như vậy đều có kế hoạch, thông báo trước nên các nhà máy sẽ giảm công suất, dọn dẹp vệ sinh. Vì vậy, kết quả của quá trình kiểm tra không thực sự khách quan.
 
“Do đó, để khách quan hơn thì cần có những đợt kiểm tra đột xuất theo kiến nghị của cử tri hoặc người dân tự thuê đơn vị độc lập có chuyên môn đánh giá về môi trường. Vấn đề ô nhiễm này người dân đã phản ánh nhiều năm rồi. Do 3 nhà máy nằm sát khu dân cư nên để giải quyết thì giải pháp duy nhất là di dời đi nơi khác. Điều này cũng đã được tính đến từ năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được do chưa bố trí được mặt bằng”, ông Đạt thông tin.
 
Ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, việc người dân thôn Hòa Mỹ (xã Tam Nghĩa) phản ánh 3 nhà máy trên gây ô nhiễm, lãnh đạo huyện đã thành lập đoàn đi kiểm tra đồng thời ghi nhận thực tế các địa điểm này. Sau đó, UBND huyện Núi Thành đã báo cáo sự việc với UBND tỉnh và đã thống nhất di dời 3 nhà máy vào Khu công nghiệp Chu Lai đang mở rộng giai đoạn 2. Tuy nhiên, đến nay khu công nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện nên chưa thể thực hiện các thủ tục di dời.
 
Lê Khánh