Quý III, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 66% lên hơn 903 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính đến từ lãi chênh lệch tỷ giá kỳ này đạt 541 tỷ đồng và tiết giảm 42% chi phí tài chính.
Sau 9 tháng, lợi nhuận sau thuế qua đó gấp đôi lên gần 2.550 tỷ đồng. 
 
Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3, UPCoM: PGV) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III. Tương tự nhiều doanh nghiệp ngành điện, quy mô doanh thu của Genco 3 thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến tình hình tiêu thụ điện toàn quốc quý III giảm 10,5% so với quý trước và thấp hơn 4% cùng kỳ năm ngoái. 
 
Trong 3 tổng công ty phát điện thuộc EVN, Genco 3 là đơn vị được giao phụ trách chính thị trường miền Nam. Nếu so sánh sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của riêng khu vực phía Nam thì mức tiêu thụ điện quý III năm nay giảm 23% so với quý II và giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Nguồn: EVN
 
Hoạt động tài chính là điểm sáng lớn của Genco 3 khi doanh thu tăng gấp 19 lần lên 623 tỷ đồng. Nguyên nhân là do lãi chênh lệch tỷ giá kỳ này là 541 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 100 tỷ đồng. Trong khi chi phí tài chính giảm 42% xuống 299 tỷ đồng, hiệu quả hơn nhiều so với con số 511 tỷ cùng kỳ năm trước. Đây cũng là những yếu tố chính giúp tổng công ty đạt tăng trưởng ấn trưởng lợi nhuận trong quý III. Lợi nhuận sau thuế quý III tăng 66% lên hơn 903 tỷ đồng. Phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ theo đó đạt gần 889 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. 
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 8% xuống 28.397 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu tài chính đạt hơn 1.287 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ nhờ lãi chênh lệch tỷ giá tăng đột biến từ 11 tỷ lên hơn 1.041 tỷ đồng. Cùng với đó, Tổng công ty giảm chi phí lãi vay từ 1.495 tỷ về 938 tỷ đồng. Điều này bù đắp đáng kể phần chi phí quản lý tăng lên trong kỳ. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế qua đó gấp đôi lên gần 2.550 tỷ đồng và cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả đạt được của Genco 3 cũng cao hơn nhiều đơn vị cùng ngành như Genco 2 (1.455 tỷ đồng) hay PV Power (2.033 tỷ đồng).
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Tính đến 30/9, Genco 3 có gần 4.418 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối làm “của để dành”. Quy mô tài sản của tổng công ty lớn với giá trị hơn 70.556 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở tài sản cố định (các nhà máy điện) gần 45.458 tỷ đồng. 
 
Genco 3 quản lý nhiều đơn vị trực thuộc với tổng quy mô công suất 5.485 MW như Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhiệt điện Mông Dương và Thủy điện Buôn Kuốp, Điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Ngoài ra, tổng công ty đang sở hữu hai công ty con Nhiệt điện Bà Rịa (HoSE: BTP) và Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) cùng các khoản đầu tư tài chính vào một số doanh nghiệp ngành điện với tổng giá trị 2.250 tỷ đồng.
 
Khoản đầu tư lớn nhất là phần vốn góp 30,55% tại Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HoSE: VSH) với giá trị hợp lý cuối quý III là 1.179 tỷ đồng. Nhà máy Thượng Kon Tum của công ty thủy điện này đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4. Dự án có công suất thiết kế 220 MW, sản lượng điện trung bình hơn 1 tỷ kWh. Ban đầu, nhà máy có tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng nhưng đến nay tăng lên hơn 9.000 tỷ đồng.
 
Đầu năm ngoái, Genco 3 đăng ký bán đấu giá toàn bộ vốn góp Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh nhưng không thành công khi giá khởi điểm 31.931 đồng/cp, gấp đôi giá thị trường thời điểm đó. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, lãnh đạo tổng công ty cho biết sẽ thực hiện kế hoạch thoái vốn tại Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng như Điện Việt Lào.
 
Về nguồn vốn, Genco 3 giảm vay nợ tài chính ngắn hạn từ 4.942 tỷ về 3.172 tỷ đồng; nợ dài hạn cũng thấp hơn 4.000 tỷ so với đầu năm, ở mức 41.890 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp chi phí lãi vay các kỳ kinh doanh gần đầy giảm xuống. Hệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 3,4 lần đầu năm về còn 2 lần tại cuối kỳ. 
 
Trên thị trường, cổ phiếu PGV của Genco 3 hiện giao dịch trên sàn UPCoM. Tổng công ty đang thực hiện các thủ tục chuyển sàn niêm yết trên HoSE, theo nội dung được cổ đông thông qua tại kỳ họp đại hội thường niên 2021. Thị giá mã này liên tục bứt phá từ cuối tháng 8 giúp Genco 3 trở thành doanh nghiệp điện thứ hai gia nhập nhóm vốn hóa tỷ đô.
 
Kết phiên 1/11, giá cổ phiếu PGV đứng tại mức 32.700 đồng, tăng 65% sau khoảng hai tháng. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 35.950 tỷ đồng, cao hơn mức 29.620 tỷ đồng của PV Power (HoSE: POW) và đứng thứ 43 toàn thị trường về quy mô vốn hóa.
 
Nguồn: Tradingview
 
Thu Hằng