Tổng giá trị mảng tự doanh của 40 CTCK tại thời điểm cuối quý II đạt 90.981 tỷ đồng, tăng 21,4% so với đầu năm và 9% so với quý I. 
Phần lớn giá trị danh mục tự doanh của các CTCK là trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi… trong khi giá trị cổ phiếu chiếm tỷ trọng nhỏ
Nhiều cổ phiếu bluechip góp mặt trong danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán.
 
Quý II tiếp tục là thời điểm tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index đứng ở mức 1.408,55 điểm, tương ứng tăng 217,11 điểm (18,2%) so với cuối quý I. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 36,65 điểm (12,8%) lên 323,32 điểm. UPCoM-Index tăng 9,11 điểm (11,2%) lên 90,25 điểm. Dòng tiền dồn dập đổ vào thị trường giúp thanh khoản tăng mạnh so với quý trước. Tổng khối lượng giao dịch bình quân quý II đạt 974,6 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 10,5% so với quý I, giá trị giao dịch bình quân tăng đến 38% lên 26.300 tỷ đồng.
 
Thị trường chứng khoán biến động tích cực giúp cho kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong quý II, hầu hết các mảng kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán đều cải thiện đáng kể. Tổng doanh thu hoạt động của 40 CTCK có tổng tài sản lớn nhất đạt gần 17.000 tỷ đồng trong quý II, tăng 101,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,7% so với quý I. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 5.625 tỷ đồng, tăng 66,2% so với cùng kỳ và tăng 15,2% so với quý trước.
 
Một mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu danh thu đó là tự doanh. Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Trong đó, phần lãi FVTPL và HTM ghi nhận vào kết quả kinh doanh còn lãi AFS hạch toán vào vốn chủ sở hữu nên không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, khoản mục này giúp các CTCK điều tiết lợi nhuận từ việc chuyển các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.
 
HTM, những khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn, với phần lớn là các khoản lãi suất cố định như các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, cho vay lấy lãi, công cụ thị trường tiền tệ… Trong khoản mục AFS đa phần là trái phiếu
 
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi lên ở quý II, các CTCK đa phần đều đẩy mạnh mảng tự doanh để kiếm được lợi nhuận khiến giá trị danh mục phần này ở mức cao.
 
Theo thống kê, tổng giá trị mảng tự doanh của 40 CTCK tại thời điểm cuối quý II đạt 90.981 tỷ đồng, tăng 21,4% so với đầu năm và 9% so với quý I. Tỷ lệ trên tổng tài sản là 34,6%. Trong đó, nếu loại trừ đi khoản HTM, giá trị danh mục tự doanh của các CTCK đạt 61.022 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, phần lớn danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán đều gồm các tài sản ít hoặc không biến động như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, công cụ thị trường tiền tệ, trong khi đó, phần cổ phiếu niêm yết lại chiếm tỷ lệ không quá lớn. 
 
Thống kê 15 CTCK giá trị danh mục FVTPL và AFS lớn nhất, tại thời điểm 30/6, tổng giá trị cổ phiếu niêm yết mà các đơn vị này đang nắm giữ đạt 13.387 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm 2020.
 
Chứng khoán SSI đứng đầu về giá trị danh mục tự doanh với 20.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với quý trước và 9% so với đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn giá trị danh mục nằm ở chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu, trong khi đó, SSI nắm giữ hơn 1.034 tỷ đồng giá trị cổ phiếu niêm yết.
 
Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE: VCI) là CTCK có danh mục cổ phiếu niêm yết lớn nhất với 3.093 tỷ đồng, chiếm đến 73% giá trị của 2 khoản mục FVTPL và AFS.
 
Giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết trong mảng tự doanh của 10 CTCK đứng đầu. Đơn vị: Tỷ đồng.
 
Dù vậy, mảng tự doanh phụ thuộc rất nhiều yếu tố nên đôi lúc các CTCK có giá trị danh mục tự doanh cao đều có lãi. Đơn cử như trường hợp của VPS, CTCK này lỗ ròng ở hoạt động tự doanh trong quý II. Cụ thể, phần lãi từ tài sản tài chính FVTPL ở mức 947 tỷ đồng, tăng 55% so với quý II/2020. Tuy nhiên, lỗ từ tài sản tài chính FVPL tăng đến 100% và lên mức 982 tỷ đồng. Phần lãi từ các khoản đầu tư HTM là 18 tỷ đồng, tăng 122%. Ngoài ra chi phí tự doanh tăng 80% lên 82,2 tỷ đồng. Tính chung lại, mảng tự doanh của VPS ghi nhận lỗ gần 99 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 84 tỷ đồng.
 
Danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán gồm những cổ phiếu nào?
 
Đa phần các CTCK top đầu thị trường đều lựa chọn những cổ phiếu vốn hóa lớn, cơ bản tốt trong danh mục tự doanh. Đối với SSI, công ty chứng khoán đầu ngành này đang nắm giữ gần 149 tỷ đồng cổ phiếu VRE tại thời điểm 30/6. Bên cạnh đó, SSI cũng sở hữu khoảng 20 tỷ đồng cổ phiếu FPT. Đây đều là 2 cổ phiếu mà SSI dùng cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền có bảo đảm (CW). SSI còn nắm giữ 52 tỷ đồng cổ phiếu PLX, 51,6 tỷ đồng cổ phiếu HPG
 
Tương tự, danh mục tự doanh của Chứng khoán TP HCM (HSC, HoSE: HCM) cũng đều gồm các mã bluechip như HPG (89 tỷ đồng), VPB (75 tỷ đồng), TCB (44 tỷ đồng)… Ngoài ra, HSC còn cầm các cổ phiếu trong danh mục phòng ngừa rủi ro CW là HPG trị giá 175 tỷ đồng, TCB với 130 tỷ đồng, VPBSTB cũng có giá trị lần lượt 75 tỷ đồng và 76 tỷ đồng.
 
Đối với Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS), công ty có khoản đầu tư 181 tỷ đồng cổ phiếu BID được phân vào FVTPL, trong khi đó, AFS của công ty chứng khoán này có những khoản đầu tư rất lớn như SHB (818 tỷ đồng), TCB (641 tỷ đồng) hay STB (459 tỷ đồng).
 
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, giải thích về việc SHS chỉ đặt kế hoạch kinh doanh 2021 là 751,2 tỷ đồng, giảm gần 20% so với thực hiện 2020, ông Vũ Đức Tiến – Tổng Giám đốc cho biết ban điều hành xác định đầu tư vào cổ phiếu SHB (gần 30 triệu cổ phiếu) là dài hạn. Toàn bộ danh mục này được chuyển sang AFS (tài sản tài chính sẵn sàng để bán) và việc tăng giá của SHB sẽ không phản ánh vào báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh 2021.
 
Trái ngược với những CTCK top đầu, Vietinbank SC (HoSE: CTS) lại lựa chọn nắm giữ những cổ phiếu vừa và nhỏ như HAG, HNG hay KHS.
 
Các cổ phiếu có giá trị lớn trong danh mục tự doanh của các CTCK được ghi tại thuyết minh BCTC quý II. Đơn vị. Tỷ đồng.
 
Bình An