CTCP Ôtô TMT (TMT Motors, HoSE: TMT) đã xuất xưởng chiếc ôtô điện mini đầu tiên của Việt Nam. Dòng xe này được sản xuất, lắp ráp bởi công ty liên doanh với hãng xe Mỹ, General Motors tại nhà máy Hưng Yên. Đây là cũng là nhà phân phối độc quyền mẫu xe điện cỡ nhỏ, giá rẻ này tại Việt Nam.
 
 
Phía TMT Motors cho biết nhà máy ôtô điện này được đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm và giai đoạn 2 là 60.000 xe/năm. Dự kiến ôtô điện Wuling HongGuang MiniEV sẽ chính thức ra mắt và nhận đặt hàng trong 1uý II/2023.
 
Tại Trung Quốc, số tiền phải bỏ ra để sở hữu xe dao động từ 43.800 đến 49.800 nhân dân tệ (tương đương 149-169 triệu đồng). Hiện tại, giá bán ở thị trường Việt Nam chưa được nhà sản xuất công bố. Hồi giữa tháng 5, Wuling Hongguang MiniEV cũng đã giới thiệu hình ảnh thực tế của mẫu xe này tại cơ sở sản xuất xe của TMT Motors ở Hưng Yên.
 
Theo công bố, chiếc Wuling HongGuang MiniEV đầu tiên xuất xưởng có màu hồng nóc trắng. Phần ngoại thất được trang trí bằng logo Wuling dạng LED âm có thể phát sáng và dải đèn chạy ban ngày dạng LED, làm tăng độ nhận diện thương hiệu.
 
Mẫu ôtô điện mini này có ngoại hình nhỏ gọn, với hai cửa và 4 chỗ ngồi. Chiếc xe được kỳ vọng có đủ tính năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng tại thị trường Việt Nam, nhất là với những người đang cần một chiếc ôtô cỡ nhỏ để đi lại ở cự ly vừa phải, với chi phí vận hành tiết kiệm. Xe có thể được sạc năng lượng dễ dàng tại các ổ điện dân dụng.
 
Tháng 1/2023, TMT Motors ký hợp tác chiến lược với liên doanh GM (Mỹ), trong đó liên doanh GM cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ôtô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. Xe Wuling HongGuang MiniEV sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của GM trên toàn cầu.
 
Tại Việt Nam, VinFast – công ty con thuộc tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) đang là nhà sản xuất xe điện tiên phong. Hãng này đã xuất xưởng nhiều mẫu xe điện ở tất cả các phân khúc với nhiều mức giá. Tỷ lệ nội địa hóa theo như doanh nghiệp chia sẻ trên 60%. Đơn vị này cũng đầu tư xây các trụ sạc tại các khu đô thị của tập đoàn mẹ hợp tác với Petrolimex (HoSE: PLX) tại các cây xăng. 
 
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Vingroup năm nay, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn này chia sẻ cuối năm nay, VinFast có thể sẽ cho ra mặt dòng xe VF3, siêu nhỏ hai cửa với mức giá khoảng 10.000 USD – 12.000 USD. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có thể sẽ sản xuất cả xe bán tải điện. Mẫu xe mini của VinFast hứa hẹn sẽ là một đối thủ cạnh tranh lớn với mẫu xe điện của TMT Motors trong tương lai
 
Bên cạnh VinFast, nhiều hãng xe lớn đã lên kế hoạch vào Việt Nam như Kia với mẫu EV6, Hyundai với Ioniq 5, Audi với e-tron GT. Tại Vietnam Motor Show 2022, hàng loạt mẫu xe điện lần đầu lộ diện như Mercedes EQS với hai phiên bản EQS 450+ và EQS 580 4Matic, Lexus với LF-Z, Toyota với bZ4X… Một số hãng như Mitsubishi, Porsche cũng đã có động thái triển khai các trạm sạc tại nhiều địa điểm trên cả nước. Ngoài ra, BYD – doanh nghiệp sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc cũng chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam tạo ra một cuộc cạnh tranh lớn trên thị trường này. 
 
Kết quả kinh doanh biến động
 
TMT Motors tiền thân là công ty Vật tư thiết bị Cơ khí Giao thông Vận tải thuộc Cục cơ khí – Bộ Giao thông Vận tải, thành lập từ 27/10/1976. Đến ngày 14/04/2006, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 870/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án và chuyển mô hình hoạt đông của công ty thành công ty cổ phần. Ở thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp là sản xuất, lắp ráp, phân phối xe gắn máy và xe ôtô tải các loại. Nổi tiếng nhất, doanh nghiệp hiện đang hợp tác với tập đoàn TATA (đến từ Ấn Độ) để lắp ráp dòng xe tải Tata phân phối tại thị trường Việt Nam. 
 
Vốn điều lệ của TMT Motors ở thời điểm hiện tại là 372,8 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch công ty đang là cổ đông lớn nhất khi sở hữu 12,3 triệu cổ phiếu TMT, tương ứng với 33,37% vốn góp. Ông Bùi Quốc Công, em trai ông Hữu, Phó Chủ tịch công ty là cổ đông lớn thứ hai khi sở hữu 10,41% vốn điều lệ TMT Motors. Các thành viên khác trong HĐQT doanh nghiệp này con có ông Vũ Đinh Phóng, ông Bùi Quang Huy, ông Bùi Quốc Hưng, ông Mai Tiến, và ông Bùi Tiến Đạt. 
 
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp liên tục biến động. Sau 4 năm chỉ ghi nhận lợi nhuận ở mức thấp 2-9 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020, kết quả năm 2021 và 2022 tăng đột biến lần lượt đạt 41,3 tỷ đồng và 48 tỷ đồng, gấp nhiều lần các năm trước. Đây là khoảng thời gian doanh Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân sau sau đại dịch, trong đó có việc giảm phí trước bạ đến tháng 5 năm ngoái.
 
 
Tuy nhiên, sau khi lập đỉnh 10 năm vào quý II/2022, lợi nhuận bắt đầu đi xuống, lỗ 16 tỷ đồng trong quý cuối năm trước. Sang quý I năm nay, lợi nhuận của TMT Motors đi xuống, dù cải thiện so với hai quý trước ở mức 2 tỷ đồng, nhưng thấp hơn 92% so với quý I/2022.
 
Doanh thu thuần giảm 30% xuống 709,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm 92,3% so với cùng kỳ năm trước. 
 
Trong văn bản giải trình, TMT cho biết doanh thu của công ty giảm chủ yếu là do nhu cầu của thị trường giảm và các chính sách ưu đãi thúc đẩy bán hàng. Cùng với đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn bởi nhiều ngân hàng tiến hành siết chặt tín dụng dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh.
 
Năm 2023, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu 4.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 57% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau 3 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 2,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
 
'Nốt trầm' của thị trường ôtô
 
Sự khó khăn của thị trường ôtô tại Việt Nam được thể hiện qua kết quả giảm trong quý vừa qua của nhiều nhà phân phối ôtô trên sàn. CTCP Dịch vụ Ôtô Hàng Xanh (HoSE: HAX) – đơn vị phân phối xe Mercedes- Benz ghi nhận lợi nhuận giảm 93,6% còn 3,5 tỷ đồng.  City Auto (HoSE: CTF) – đơn vị chuyên phân phối xe Ford báo lợi nhuận giảm 21,3% còn 10,7 tỷ đồng, Savico (HoSE: SVC) – một trong những đơn vị phân phối xe ôtô lớn nhất Việt Nam cũng có lợi nhuận giảm 95% còn 3 tỷ đồng. 
 
 
Trong ba tháng đầu năm, theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà sản suất Ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe cả nước đạt 70.292 chiếc, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh số xe du lịch là 52.712 chiếc, giảm 26%; xe thương mại và chuyên dụng 17.680 chiếc, giảm 8%. ·
 
Từ đầu năm 2023, các hãng xe tại thị trường Việt đã liên tục tăng cạnh tranh bằng hàng loạt các chương trình ưu đãi, giảm giá trên diện rộng đối với các mẫu xe đang chào bán nhằm thúc đẩy sức mua trên thị trường sau kết quả kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm ở những tháng đầu năm.
 
Trong đó, hãng xe Kia, Mazda, Nissan hay Mitsubishi ưu đãi 50-100% phí trước bạ áp dụng với hàng loạt các mẫu xe từ sedan đến gầm cao, với giảm giá cao nhất hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, thương hiệu Pháp – Peugeot cũng gia tăng ưu đãi giảm giá từ 40 triệu lên 45 triệu đồng đối với toàn bộ chuỗi sản phẩm đang phân phối tại Việt Nam.
 
TMT Motors cũng không năm ngoài xu hướng. Doanh nghiệp đang có chương trình tặng cho mỗi khách hàng khi mua xe tải 100% phí trước bạ cùng phiếu nhiên liệu trị giá 10 triệu đồng. 
 
Tuy thị trường gặp nhiều khó khăn, TMT Motors vẫn lên kế hoạch sẽ tiêu thụ 5.525 chiếc xe điện mới trong năm đầu ra mắt thị trường. Doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng nhà máy xe ôtô điện với sản lượng 30.000 xe/năm trong giai đoạn đầu và mở thêm hai showroom bán xe điện tại TP HCM và Hà Nội.
 
Theo đánh giá của SSI Research, tiêu thụ sẽ giảm tốc tăng trưởng trong năm 2023. Sau năm 2022, ước tính lượng xe bán ra năm 2023 chỉ tăng 5%, vượt qua mốc 500.000 xe (theo dự báo của EIU). Tình trạng thiếu chip ôtô và gián đoạn chuỗi cung ứng khả năng sẽ không ảnh hưởng tới thị trường nửa cuối năm 2023. Khi điều kiện kinh tế xấu đi, tiêu thụ ôtô và giá bán tại các đại lý có thể không còn cao như trong năm 2022, do người tiêu dùng giảm thiểu chi tiêu trong thời kỳ suy thoái.
 
Bên cạnh đó, việc mua trả góp một phương tiện mới sẽ đắt đỏ và khó khăn hơn. Các hỗ trợ của Chính phủ (bao gồm cắt giảm lệ phí trước bạ và trì hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt) đã kết thúc, do mức tiêu thụ đã trở lại mức trước Covid.
 
Doanh nghiệp ôtô tăng sản xuất tại Việt Nam giúp giảm giá bán xe. Thaco, nhà sản xuất ôtô Việt Nam, gần đây đã đàm phán thành công để lắp ráp trong nước một số mẫu xe của thương hiệu BMW (X3, X5, 3-Series, 5-Series), tạo áp lực lên các thương hiệu xe sang khác. Ngoài ra, TC Motor, thương hiệu liên kết giữa Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor, cũng đã khánh thành giai đoạn 1 của nhà máy thứ hai của họ tại Việt Nam. Nhà máy trị giá 140 triệu USD này sẽ cung cấp 100.000 chiếc mỗi năm khi được hoàn thành vào năm 2025.
 
Xe điện có tiềm năng tạo nên sự đột phá cho ngành ôtô tại Việt Nam. Trong năm 2022, Audi và Mercedes-Benz đã chính thức công bố một số mẫu xe điện dành cho phân khúc xe hạng sang. Ở phân khúc xe phổ thông, Hyundai và Kia đều giới thiệu các mẫu xe điện (IONIQ5 và EV6) tại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá tác động của xe điện tới ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam. Các hãng xe mới bắt đầu thử nghiệm bán để đánh giá sự quan tâm của người tiêu dùng và chính phủ trong việc chuyển sang loại xe này khi mà Việt Nam chưa có chiến lược phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện. Hơn nữa, giá của các mẫu EV vẫn cao so với các mẫu xe chạy xăng. SSI Research tin rằng chính phủ cần xem xét ba việc sau để tăng tỷ lệ điện khí hóa ngành ôtô: chính sách thuế ưu đãi đối với xe điện, tăng thuế đối với ôtô chạy bằng năng lượng hóa thạch, và đầu tư vào hạ tầng các trạm sạc.
 
GÃ ĐẦU TƯ