Bước vào mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân, các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp nước an toàn, thường xuyên đến khách hàng.
 
 
Vận hành cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt tại công trình cấp nước cho 7 xã của huyện Hậu Lộc.
 
Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa hiện quản lý và vận hành 12 hệ thống cấp nước cho 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với tổng công suất xấp xỉ 150.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho hơn 222.000 hộ khách hàng.
 
Với lượng khách hàng đông, địa bàn rộng, trong khi nhu cầu sử dụng nước trong mùa nắng nóng của người dân tăng từ 50 đến 70% so với thời điểm khác trong năm, nên áp lực từ việc cấp đủ số lượng và bảo đảm chất lượng nước đối với công ty là rất lớn. Việc cung cấp nước sinh hoạt cho khách hàng thời điểm này của công ty lại gặp một số vấn đề khó khăn.
 
Phó tổng Giám đốc Công ty Lê Trung Hiếu, cho biết: Những khó khăn thường gặp của đơn vị trong quá trình thực hiện cấp nước phục vụ sinh hoạt trong mùa nắng nóng là nguồn điện phục vụ sản xuất cấp nước không ổn định, tình trạng mất điện, tụt áp xảy ra nhiều lần vào giờ cao điểm làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Vấn đề ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn tiếp tục tăng cao dẫn đến khai thác và xử lý nước gặp khó khăn. Địa bàn quản lý rộng, hệ thống mạng lưới truyền tải, phân phối và dịch vụ lớn được xây dựng qua nhiều thời kỳ, khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Tại một số khu vực ven thị xã, thành phố và các vùng nông thôn người dân vẫn sử dụng hai nguồn nước, một số khách hàng còn có hành vi trục lợi nước, gây thất thoát sản lượng nước hàng hóa.
 
Để khắc phục những khó khăn, bảo đảm cung ứng đủ nguồn nước cả về chất và lượng cho khách hàng, công ty đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án cấp nước trong mùa cao điểm nắng nóng. Công ty thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng máy, thiết bị các nhà máy nước hiện có. Tại những khu vực trọng điểm như TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các vùng lân cận, công ty đều đã xây dựng phương án cấp nước riêng trong điều kiện mất điện. Công ty cũng đã và đang huy động vốn đầu tư nâng cấp nguồn, cải tạo mạng lưới đường ống, trong đó ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng trạm bơm tăng áp và tuyến ống chuyển tải nước tại những khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, công ty chủ động đổi mới công tác quản lý, điều hành; tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng vùng nông thôn, từng bước tự động hóa điều hành hệ thống cấp nước, tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ. Nhờ đó, công ty luôn giám sát được áp lực nước trên toàn bộ mạng đường ống cấp nước, chủ động điều chỉnh lưu lượng nước, cung cấp nước kịp thời cho khách hàng.
 
Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa hiện đang quản lý 12 công trình cấp nước sạch với công suất thực tế gần 18.000m3/ngày, đêm, số lượng khách hàng gần 60.000 hộ.
 
Là đơn vị có nhiều công trình cung ứng nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, trong đó có tới 6 công trình thuộc khu vực ven biển. Do đó, khó khăn mà trung tâm phải đối mặt trong mùa nắng nóng không chỉ là việc nguồn điện không ổn định, nguồn nước bị thất thoát, mà đơn vị còn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn khiến lượng nước nguồn đưa vào sản xuất không ổn định, có thời điểm bị thiếu hụt. Ngoài ra, các trang thiết bị xử lý nguồn nước tại các nhà máy ở khu vực ven biển thường xuyên bị hoen rỉ, hư hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến vận hành.
 
Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt phục vụ khách hàng trong mùa nắng nóng năm nay và những năm tiếp theo, trung tâm đã và đang chỉ đạo các chi nhánh thường xuyên kiểm soát, theo dõi chất lượng nước đầu vào và đầu ra, kịp thời khắc phục các sự cố, bảo đảm cung cấp nước ổn định về lưu lượng và chất lượng đến khách hàng. Trung tâm chủ động phối hợp với điện lực các huyện, thị xã, thành phố kiểm soát giờ cắt điện, từ đó có kế hoạch bơm nước dự trữ để người dân có đủ nước sử dụng. Đơn vị cũng thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh theo dõi chặt chẽ tình trạng triều cường, xâm nhập mặn, xác định thời gian nguồn nước bảo đảm chất lượng để chủ động trữ nước tại hồ sơ lắng bảo đảm đủ nguồn nước cấp cho sản xuất nước sạch trong trường hợp nguồn nước sông bị xâm nhập mặn sâu.
 
Bài và ảnh: Hương Thơm