Thị trường trang sức và đồng hồ cao cấp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của hàng xa xỉ cá nhân tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng kép là 8,5% trong giai đoạn 2021-2026
 
Lạm phát đã và đang gia tăng ở gần như tất cả các khu vực trên thế giới vào năm 2022. Những căng thẳng địa chính trị gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng cao khiến giá cả tiêu dùng leo thang. Xu hướng cầu tiêu dùng dồn nén đang giảm dần trong môi trường lãi suất tăng khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao.
 
Tuy nhiên theo VNDirect, trong khi chi tiêu của những người tiêu dùng có thu nhập thấp bị siết chặt bởi lạm phát thì những người giàu có thường là những người cuối cùng cảm nhận được tác động từ các ảnh hưởng tiêu cực này, vì quy mô tài sản lớn mà họ đang nắm giữ.
 
Tiềm năng thị trường hàng xa xỉ
 
Theo Statista, thị trường hàng hóa cao cấp cá nhân của Việt Nam đạt 976 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng 6,7% mỗi năm lên mức 1 tỷ USD vào năm 2025. Một báo cáo khác của Knight Frank cho biết có khoảng 72.135 cá nhân tại Việt Nam có quy mô tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2021.
 
Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường hàng xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ (như du lịch cao cấp, trang sức, xe hơi, sản phẩm kỹ thuật số cao cấp…).
 
Mặc dù người tiêu dùng giàu có sẽ trở nên kén chọn hơn trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nhưng VNDirect cho rằng các thương hiệu/công ty có kinh doanh trong ngành hàng xa xỉ có thể đối mặt với rủi ro thấp hơn từ đợt suy giảm tiêu dùng này.
 
 
Tăng trưởng doanh thu hàng cao cấp theo phân khúc tại Việt Nam (%).
 
Theo Statista, thị trường trang sức và đồng hồ cao cấp có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của hàng xa xỉ cá nhân tại Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng kép là 8,5% trong giai đoạn 2021-2026. Như vậy, PNJ với thị phần thống lĩnh thị trường trang sức, có thương hiệu mạnh, sản phẩm đa dạng ở phân khúc trang sức và đồng hồ cao cấp nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng.
 
Thị phần trang sức của PNJ đã tăng từ khoảng 25% năm 2017 lên hơn 60% trong 10 tháng đầu năm 2022 với xu hướng người tiêu dùng lựa chọn hàng có thương hiệu hơn. Trong tháng 10/2022, doanh thu và lợi nhuận ròng của PNJ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 2.961 tỷ đồng và 147 tỷ đồng, tăng 42,4% và 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Trong thời gian tới, PNJ dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy mới với công nghệ sản xuất cao hơn hiện tại, để tiếp tục mở rộng thị phần ở các sản phẩm trang sức từ trung cấp trở lên với độ tinh xảo và phong cách thời trang hơn.
 
Về sản phẩm kỹ thuật số, với giá bán khoảng 25 – 47 triệu đồng, tương đương với 3,7 đến 7 lần mức lương trung bình hàng tháng của người Việt, iPhone 14 có thể coi là hàng xa xỉ trong tiêu dùng tại Việt Nam.
 
Tính đến cuối quý 2/2022, iPhone chiếm 15,4% (+8,3 điểm % so với cùng kỳ) thị phần điện thoại thông minh ở Việt Nam, nằm trong top 5 điện thoại. Apple Việt Nam cho biết lượng đặt hàng iPhone 14 về Việt Nam cũng tăng gấp đôi so với lô hàng iPhone 13, tái khẳng định nhu cầu mạnh mẽ đối với các sản phẩm của Apple.
 
Tuy nhiên, các sản phẩm của Apple hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khi Foxconn tại Trung Quốc cắt giảm sản xuất, đơn vị sản xuất 70% lượng iPhone, do đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến lệnh phong tỏa do Covid-19.
 
Bởi vậy, VNDirect cho rằng tác động của việc ra mắt dòng iPhone 14 có thể chuyển biến tích cực kể từ quý 1/2023, muộn hơn dự kiến ban đầu là vào quý 4/2022. DGW, FRTMWG ghi nhận đóng góp doanh thu đáng kể đến từ các sản phẩm của Apple (tương ứng 30%, 20% và 14%) sẽ tận dụng xu hướng này.
 
Cổ phiếu nào hấp dẫn?
 
Nhìn chung, VNDirect cho rằng các công ty tiêu dùng có tình hình tài chính tốt hơn so với các ngành khác. Với lãi suất vay tăng dần trong giai đoạn hạn mức tín dụng hạn chế và điều kiện vĩ mô toàn cầu không ổn định, các cổ phiếu có dòng tiền mạnh, với vị thế tiền mặt ròng và đòn bẩy thấp sẽ ổn định hơn khi đối phó với các biến động vĩ mô.
 
 
Tiền ròng/cổ phiếu các công ty tiêu dùng vào cuối 2021 và quý 3/2022. Đơn vị: Đồng
 
SAB, VNM, PNJVRE với lượng tiền mặt ròng mỗi cổ phiếu trong quý 3/2022 lần lượt là 35.372 đồng, 6.184 đồng, 693 đồng và 462 đồng sẽ là những thành trì tốt trong ngành tiêu dùng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã có những thay đổi trong chiến lược nhằm đánh giá lại nhu cầu thị trường và bảo vệ cấu trúc tài chính lành mạnh trong thời gian tới.
 
Như MWGMSN đã thực hiện các khoản vay nước ngoài kỳ hạn 5 năm với giá trị lần lượt là 250 triệu USD và 600 triệu USD với lãi suất cố định khoảng 6,5% nhằm giảm thiểu tác động của việc tăng lãi suất trong thời gian tới. Mặc dù các khoản vay này sẽ chịu lỗ tỷ giá, nhưng việc đảm bảo nguồn tiền ổn định là ưu tiên quan trọng hơn.
 
MWGFRT đã giảm tốc độ mở rộng chuỗi để đánh giá lại nhu cầu thị trường và giảm chi phí mở mới nhằm bảo vệ sức khỏe tài chính.
 
Đánh giá cao các doanh nghiệp có vị thế tiền mặt ròng và ít bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm nhu cầu nên VNDirect nhận định PNJVRE là những cổ phiếu hấp dẫn để đưa vào danh mục đầu tư. MWGVNM cũng đáng để theo dõi bởi Bách Hóa Xanh của MWG có thể mang lại kết quả tốt cho MWG trong năm 2023, trong khi VNM là cổ phiếu phòng thủ hấp dẫn trong trường hợp thị trường điều chỉnh mạnh.
 
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn nhờ mức nền thấp của năm 2021. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng, doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 16,9%, cao hơn cả mức trước đại dịch.
 
Theo dữ liệu của Google, xu hướng di chuyển đến cửa hàng bán lẻ và giải trí của Việt Nam đã vượt mức trước dịch 4,6% và xu hướng di chuyển đến cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc đã tăng 27,5% so với trước dịch.
 
Tiêu dùng người dân hồi phục thể hiện qua kết quả kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp bán lẻ và đồ uống. Trong quý 3/2022, PNJ ghi nhận 252 tỷ đồng lãi ròng, từ khoản lỗ 160 tỷ đồng vào quý 3/2021. VRE (Vincom Retail) ghi nhận lợi nhuận ròng tăng gấp 32 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng của SAB (Sabeco) cũng tăng trưởng gấp 2 lần.
 
Trong khi đó, các nhà sản xuất thực phẩm có kết quả kinh doanh chậm lại do không còn nhu cầu dự trữ cao như trong quý 3/2021 và giá đầu vào tăng (ngũ cốc, bột sữa nguyên kem…).
 
PHẠM NGỌC