Từ những cái tên chưa thực sự nổi bật, KPF – TKC hứa hẹn sẽ là tay chơi đáng chú ý trên sàn chứng khoán trong thời gian tới, khi các tài sản dần được đẩy về, song song với đó là quá trình tăng vốn thần tốc.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 của KPF. Ảnh: Thanhnienviet.vn
Phép tính của KPF
CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (HoSE: KPF) đang triển khai đợt phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược để tăng vốn từ 609 tỷ đồng lên 1.274 tỷ đồng.
Cụ thể, KPF sẽ bán 66,5 triệu cổ phiếu với giá 13.000 đồng/CP, phần lớn được phân phối cho 3 pháp nhân là CTCP VN Stock (29,26 triệu CP), CTCP VN Value (26,6 triệu CP) và Công ty TNHH A Type Machine (5,985 triệu CP). Đây đều là các thành viên trong hệ thống Central Capital Group – tập đoàn tư nhân đứng sau KPF.
Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành riêng lẻ, dự kiến là 864,5 tỷ đồng sẽ được dùng để mua cổ phần trong CTCP Tri Việt Hội An (245 tỷ đồng), mua 199 căn hộ thuộc dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp Lụa Đà Nẵng (396,5 tỷ đồng) và tăng vốn góp tại công ty con CTCP TTC Deluxe Sài Gòn để nhận chuyển nhượng cổ phần và góp vốn tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đại Lải (250 tỷ đồng).
Tương tự 2 đợt M&A Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm và CTCP TTC Deluxe Sài Gòn vào các năm 2017-2018, 2020, cả 3 thương vụ nêu trên cũng mang tính "nội bộ" của nhóm Central Capital.
Chi tiết hơn, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đại Lải được doanh nhân Kiều Xuân Nam thành lập vào đầu năm 2020, Công ty TNHH Đầu tư Tháp Lụa Đà Nẵng được nhóm Central Capital mua lại từ đầu năm ngoái. Trong khi đó, CTCP Tri Việt Hội An là chủ đầu tư dự án The Pearl Hội An quy mô 8,78ha ở TP. Hội An, Quảng Nam. Dự án trước đây từng của nhóm Techcombank, trước khi về tay đại gia Trịnh Thanh Huy vào giữa năm 2015. 3 năm sau, nhóm Central Capital giữa năm 2018 hoàn tất mua lại dự án này.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua, sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ, tăng vốn lên 1.274 tỷ đồng, KPF sẽ tiếp tục tăng vốn lên mức 2.611 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5% và phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/CP.
Mục đích sử dụng vốn không được đề cập cụ thể, chỉ được chú thích là mua cổ phần/ vốn góp công ty dự án (1.000 tỷ đồng) và tài trợ vốn/ hợp tác kinh doanh (274 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo KPF cho biết sẽ đầu tư vào dự án Khu đô thị Takara (19,7ha), quy mô 520 căn nhà phố, 97 biệt thự và 668 căn hộ, dự án Khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas (20ha) với quy mô 340 biệt thự và 686 căn hộ du lịch.
ĐHĐCĐ cũng thông qua đổi tên thành CTCP Đầu tư Tài sản Kojji, đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 là 450 tỷ đồng và lãi sau thuế 205 tỷ đồng, tăng 289% và 170% so với thực hiện năm 2021.
Ngoài ra, KPF sẽ thoái một phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm, và thực hiện IPO CTCP TTC Deluxe Sài Gòn với mức giá chào bán và chuyển nhượng tốt nhất.
Chiến lược của KPF, không khó để thấy là đẩy dần tài sản của Central Capital lên sàn chứng khoán, đồng thời liên tục phát hành tăng vốn. Các nghiệp vụ này rất phổ biến, song chưa bao giờ "lỗi thời", đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán phát triển mạnh 3 năm qua.
Và cũng tương tự như nhiều "group" lớn khác, với định hướng trở thành một tập đoàn bất động sản niêm yết chuyên nghiệp, KPF cần cho mình một nhà thầu xây dựng, mà tốt hơn hết, cũng là một doanh nghiệp niêm yết, nhằm từng bước hoàn thiện hệ sinh thái và tối đa hoá lợi ích trên sàn chứng khoán.
Cái tên đó, chắc hẳn là CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (HNX: TKC).
Màn đổi chủ ở TKC
Dưới sự điều hành của anh em doanh nhân Trần Văn Sỹ, TKC là nhà thầu ít nhiều có tiếng ở khu vực phía Nam, với doanh thu, lợi nhuận giai đoạn 2016-2018 khá ổn định. Sang năm 2019, tình hình tài chính của TKC xấu đi trông thấy khi doanh thu giảm hơn một nửa về còn 587 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm tới 93%, còn 832 triệu đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm. Công ty kiểm toán RSM đã đặt vấn đề nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Trong bối cảnh đó, TKC bắt đầu bén duyên với Central Capital từ giữa năm 2020 với việc trúng thầu dự án Prime Hotel & Resorts Cam Ranh và tiếp đó là dự án Da Nang Silk Tower 1 vào tháng 10/2020.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông TKC đã phê duyệt phương án tăng mạnh vốn từ 113,8 tỷ đồng lên 237 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức các năm 2017, 2018, phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1 và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, sau đó được xác định là Công ty TNHH Sài Gòn May mặc Xuất khẩu – một thành viên của Central Capital.
Toàn bộ số tiền thu về từ đợt phát hành được dùng để thanh toán nợ kinh phí công đoàn (9 tỷ đồng), thanh toán nợ thuế và các khoản phải nộp nhà nước (8,3 tỷ đồng), thanh toán nợ nhà thầu (36,4 tỷ đồng), thanh toán nợ vay (40,8 tỷ đồng).
Ngày 17/11/2021, Central Capital chính thức "đặt chân" vào TKC, khi 3 người của nhóm này là ông Lê Đại Nghĩa, bà Vũ Thị Kim Loan, và bà Lê Võ Thu Hà công bố trở thành cổ đông lớn của TKC, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 10,25%, 9,32% và 7,67%.
Tỷ lệ nắm giữ thực tế của nhóm Central Capital chắc hẳn còn cao hơn nhiều. Khi mà ĐHĐCĐ bất thường hồi đầu năm 2022 đã thông qua miễn nhiệm toàn bộ HĐQT và BKS nhiệm kỳ cũ, bầu ra HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2019-2024. HĐQT mới của TKC có 3 đại diện của nhóm Central Capital, là các ông Lê Đại Nghĩa, Trần Trọng Dũng và Trần Đức Vinh, nhóm cổ đông cũ còn 2 đại diện là ông Trần Văn Sỹ và ông Trần Văn Tuấn.
Ông Lê Đại Nghĩa sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT TKC. Ông Nghĩa sinh năm 1982, là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái Central Capital, đồng hành cùng nữ doanh nhân Trần Thị Dịu Hoà tại nhiều đơn vị như Công ty TNHH Sài Gòn May Mặc Xuất khẩu, CTCP Tổ chức nhà Quốc gia. Từ đầu năm 2017 tới nay, ông đồng thời là Giám đốc CTCP Uhome Việt Nhật và Thành viên HĐQT CTCP BĐS Happy House.
Sau ĐHĐCĐ bất thường, HĐQT mới của TKC vào tháng 2/2022 đã có Nghị quyết về việc rút hồ sơ tăng vốn nêu trên, đồng thời định hướng sẽ tăng mạnh vốn lên hẳn 1.000 tỷ đồng nhằm đầu tư các dự án mang tính chiến lược, bổ sung vốn lưu động, giải quyết các công việc cấp bách của công ty và đầu tư phát triển các quỹ đất tại huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu.
Kế hoạch tăng mạnh vốn này được trình bày rõ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua, đó là phát hành 30% cổ phiếu trả cổ tức, phát hành 10% cổ phiếu thưởng, phát hành 10,7 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/CP. Và đáng chú ý hơn cả, là phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 1 năm.
Nguồn vốn thu về sẽ được dùng để đầu tư góp vốn vào công ty phát triển dự án/ hợp tác đầu tư kinh doanh bất động sản, thanh toán các khoản nợ nội bộ…
Với lĩnh vực xây dựng, các dự án TKC dự kiến triển khai thi công trong năm 2022 đều gắn chặt với nhóm Central Capital, ngoài Prime Resort & Hotels Cam Lâm và Da Nang Silk Tower 1, còn là Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển New Day và dự án Khu dân cư sinh thái Vườn Tài của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu.
Năm 2022, TKC đặt kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 24 tỷ đồng, tăng lần lượt 65% và 650% so với thực hiện năm 2021.
Cổ phiếu TKC trên sàn HNX chốt phiên 13/5 ở mức 10.500 đồng/CP, tương đương giá trị vốn hoá là 112,7 tỷ đồng, còn khá khiêm tốn nếu đặt cạnh kế hoạch phát triển đầy tham vọng của doanh nghiệp này. Khi hoàn tất các đợt tăng vốn, TKC sẽ nâng vốn điều lệ từ 113,8 tỷ đồng lên 1.064 tỷ đồng. Với định hướng phát triển lĩnh vực xây dựng kết hợp đầu tư bất động sản, sẽ không bất ngờ nếu TKC tiếp tục tăng mạnh vốn hơn nữa trong thời gian tới.
Ở một chi tiết cần lưu ý, tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ/ thiểu số ở TKC khá cao. Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua cho thấy chỉ có 67,2% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 là 68,3%. Con số này, tại đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản hồi đầu năm 2022, chỉ là 57,5%.
Động tác phát hành trái phiếu chuyển đổi không chỉ giúp cải thiện nguồn lực cho TKC, mà còn giúp gia tăng mạnh tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông cầm quyền, không cần mất quá nhiều chi phí và thời gian để mua gom trên sàn.
TẢ PHÙ – KHÁNH AN