Biên lợi nhuận doanh nghiệp cao su cải thiện mạnh nhờ giá bán tăng so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cao su quý cuối năm dự khả quan và giá bán tăng trở lại khi nhu cầu Trung Quốc hồi phục. 
 
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, trong tháng 9, xuất khẩu cao su Việt Nam đạt khoảng 195.000 tấn, trị giá 321 triệu USD; tăng 2,8% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng 8; giảm 5,1% về lượng và tăng 21,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
 
Quý III, tổng sản lượng xuất khẩu đạt 590.208 tấn, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước; giá trị 970 triệu USD, tăng 23,7%. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.643 USD/tấn, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu cao su ước đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,17 tỷ USD; tăng 17,1% về lượng và tăng 52,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
 
 
Đơn vị: Triệu USD
 
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su đứng đầu của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước. Theo Bộ Công Thương, dự báo Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 11. Trong đó, khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Từ tháng 7 tới tháng 11 là giai đoạn cao điểm của sản xuất cao su tại Trung Quốc, tuy nhiên quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng. Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12/2021 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022.
 
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo hiện đạt 216 JPY/kg, tương đương cùng kỳ năm trước và tăng 15,5% kể từ giữa tháng 9. Trong cả quý III, giá cao su giảm dần từ vùng 250 JPY/kg về 190 JPY/kg, giảm 44% tính từ đầu tháng 1  trước lo ngại tăng trưởng toàn cầu và sản xuất ôtô chậm lại do thiếu chíp nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước (sau khi về mức thấp 130 JPY/kg đầu tháng 6/2020 thì hồi phục dần lên 180 JPG/kg vào đầu tháng 10/2020). Hiện nay, nhu cầu Trung Quốc tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát đã giúp giá phục hồi.
 
Nguồn: Tradingeconomics
 
Do vậy, trong quý III, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng bán hàng suy giảm nhưng giá bán mủ vẫn neo ở mức cao giúp các doanh nghiệp trồng trọt cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
 
Cụ thể, Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) công bố BCTC quý III với doanh thu đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%. Giá vốn giảm 32% nên lợi nhuận gộp gấp 4 lần đạt 132 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 14,3% lên 49,8%.
 
Đồng thời, lợi nhuận hoạt động khác đạt 70 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước nhờ lợi nhuận từ thanh lý cây cao su tăng. Qua đó, lãi sau thuế đạt 159 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
 
Công ty cho biết nhờ tình hình kinh tế đang phục hồi, giá bán mủ cao su tăng cao hơn so với cùng kỳ. Giá bán mủ cao su bình quân quý III đạt 38 triệu đồng/tấn, tăng 28,2% so với quý III/2020. Giá vốn giảm nhờ sản lượng khai thác tăng làm giá thành giảm.
 
Tương tự, Cao su Bà Rịa (UPCoM: BRR) ghi nhận doanh thu quý III giảm 21% xuống 94 tỷ đồng. Giá vốn giảm 55% giúp lợi nhuận gộp gấp 3 lần lên 48 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,5% lên 51%. Các chi phí chiếm tỷ trọng không quá lớn, lợi nhuận sau thuế đạt 33,6 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020.
 
Sản lượng tiêu thụ trong quý của Cao su Bà Rịa đạt 2.102 tấn, giảm 44,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân 41,2 triệu đồng/tấn, giảm so với quý II (42,26 triệu đồng/tấn) và tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo BCTC quý III, Cao su Đắk Lắk (Dakruco, UPCoM: DRG) đạt doanh thu 384 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 31 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,3% lên 21,7%.
 
Đơn vị lý giải, giá bán mủ cao su của công ty con tại Lào (DRI) tăng 42% lên 1.758 USD/tấn. Trong khi, công ty con tại Campuchia (Dakmoruco) cũng tăng sản lượng 25,4% và giá bán 29% so với cùng kỳ năm trước (từ 4 triệu riel/tấn lên 5,18 triệu riel/tấn).
 
Công ty con của Dakruco, Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) cho biết sản lượng bán hàng giảm gần 30% nhưng giá bán mủ bình quân tăng 42% trong quý III. Nhờ vậy, doanh thu tăng nhẹ 2% lên 147 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 40%, tăng mạnh từ mức 31%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 15 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ.
 
Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) thông tin doanh thu quý III đạt 521 tỷ đồng, tăng 33%; lãi sau thuế 171 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận tăng từ 15% lên 38,3% giúp lợi nhuận thuần hoạt động kinh doanh gấp 2,3 lần cùng kỳ lên 201 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận khác giảm mạnh từ 119 tỷ đồng về 3,5 tỷ đồng do tiền thu từ thanh lý cao su giảm và quý III/2020 ghi nhận 100 tỷ đồng tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. 
 
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Ngọc Điểm