4 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu 627.932 tấn phân bón các loại, kim ngạch 412,62 triệu USD, giá trung bình 657 USD/tấn, tăng 32,7% về lượng, tăng mạnh 174,8% về kim ngạch và tăng 107% về giá so với cùng kỳ 2021.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2022, nhập khẩu phân bón các loại của cả nước đạt 324.579 tấn, trị giá hơn 155,324 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 0,8% về kim ngạch so với tháng 3/2022.
Cộng dồn 4 tháng nhập khẩu phân bón các loại đạt 1.252.151 tấn, trị giá 595,280 triệu USD, giảm 6,3% về lượng nhưng tăng 64,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, do giá nhập khẩu phân bón tăng mạnh.
Phân bón Cà Mau xuất hàng
Khối lượng nhập khẩu giảm với "biến cố" thị trường
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt nam nhập khẩu phân bón các loại chủ yếu từ hai thị trường chính là Trung Quốc và Nga. Song, lượng phân bón nhập khẩu đã giảm về lượng nhưng tăng mạnh về trị giá.
Cụ thể, tháng 4/2022, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đạt 157.095 tấn, trị giá 63,583 triệu USD, so với tháng 4/2021 giảm 5,95% về lượng nhưng tăng 48,72% về kim ngạch nhập khẩu.
Cộng dồn 4 tháng nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc đạt 518.302 tấn, trị giá 207,826 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 15,86% về lượng nhưng tăng 25,07% về trị giá và chiếm 41,39% trong tổng lượng và chiếm 34,91% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. Vào tháng 4/2021, giá phân bón nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trung bình đạt 280,3 USD/tấn, thì nay giá trung bình đạt khoảng 475,3 USD/tấn.
Khối lượng phân bón nhập khẩu từ thị trường lớn thứ hai là Nga giảm mạnh về lượng nhưng tăng nhẹ về trị giá.
Cụ thể, trong tháng 4/2022 đạt 20.093 tấn, trị giá hơn 13,888 triệu USD, so với tháng 4/2022 giảm 54,62% về khối lượng nhưng chỉ giảm 6,47% về kim ngạch nhập khẩu.
Cộng dồn 4 tháng đạt 130.489 tấn với 81,951 triệu USD, tăng 21,66% về lượng nhưng tăng đến 2,39 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,42% về khối lượng và 13,76% về kim ngạch.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) – một trong những nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu Việt Nam cho rằng, giá thành phân bón tăng cao (cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) do nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực này tăng mạnh. Đơn cử như để sản xuất phân DPA phải có lưu huỳnh và từ đầu năm đến nay giá nhập khẩu mặt hàng này tăng 85,6%; hay kali nhập khẩu để sản xuất phân NPK cũng tăng 82%, ngoài ra, chưa kể việc tăng giá nguyên liệu, chi phí logistics…
Vinachem dự báo thị trường phân bón trong quý 2/2022 tiếp tục chịu tác động lớn từ chiến sự Nga – Ukraine. Đối với phân ure, hầu hết các nhà sản xuất lớn ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng giao tháng 4 kéo dài tới nửa đầu tháng 5. Dự kiến giá DAP 64 nhập khẩu sẽ leo lên mức 28.000 – 30.000 đồng/kg trong quý 3/2022.
Trong khi đó, một "biến cố" khác có ảnh hưởng từ Trung Quốc gắn với hướng hạn chế xuất khẩu phân bón thực hiện thời gian qua. Mặt khác, chính sách phong tỏa quyết liệt để chống COVID-19 của nước này cũng ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất và giao thương liên quan…
Campuchia – thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam
Phần lớn phân bón của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước châu Á, trong đó Đông Nam Á là thị trường chủ lực.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu 627.932 tấn phân bón các loại, kim ngạch 412,62 triệu USD, giá trung bình 657 USD/tấn, tăng 32,7% về lượng, tăng mạnh 174,8% về kim ngạch và tăng 107% về giá so với cùng kỳ 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Campuchia vẫn là thị trường xuất khẩu phân bón lớn nhất, đạt 146.476 tấn, với kim ngạch 80,14 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 547 USD/tấn, giảm nhẹ 2,1% về khối lượng, nhưng kim ngạch tăng 61,8% và giá tăng 65,2%.
Thị trường lớn thứ hai là Hàn Quốc với 43.076 tấn, kim ngạch 34,3 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 796 USD/tấn, tăng 197,7% về lượng, tăng 807,4% về kim ngạch và tăng 205% về giá.
Các thị trường lớn còn lại khác đều nằm ở Đông Nam Á, như: Malaysia 66.381 tấn, kim ngạch 28,47 triệu USD; Lào với 26.288 tấn, kim ngạch 13,82 triệu USD; Myanmar với 21.596 tấn, kim ngạch 15,4 triệu USD; Philippines với 21.116 tấn, kim ngạch 17 triệu USD…
Phân bón Cà Mau tăng cường thị trường Campuchia
Tuần qua tại TP.HCM, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán – DCM) đã có buổi gặp gỡ đối tác, khách hàng Campuchia.
Buổi gặp gỡ nhằm tri ân sự ủng hộ của khách hàng Campuchia đối với bộ sản phẩm Phân bón Cà Mau trong thời gian qua, cùng họp bàn các phương hướng hợp tác để đạt kết quả kinh doanh tốt nhất trong thời gian tới, và tiếp tục giúp người nông dân nước bạn sử dụng sản phẩm phân bón chất lượng cao.
Theo đối tác phía Campuchia, trước đây ngành nông nghiệp nước này phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, vật tư nông nghiệp chủ yếu được cung cấp từ Thái Lan với chất lượng và nguồn cung không ổn định. Vì vậy, người nông dân Campuchia chủ yếu canh tác theo thói quen, tập quán lâu đời, chính điều này làm cho năng suất và chất lượng nông sản thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Cũng theo đại diện đối tác từ Campuchia, thông qua các chương trình hợp tác, Phân bón Cà Mau đã giúp nông dân Campuchia tiếp cận các sản phẩm phân bón chất lượng cao và kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý.
Trong lĩnh vực phân bón, nhu cầu urê của Campuchia khoảng 250.000 tấn/năm, trong đó 90% là urê hạt đục, tập trung tiêu thụ tại các vùng nông nghiệp trọng điểm như khu vực Biển Hồ và các tỉnh giáp ranh với các thị trường khác giúp Phân bón Cà Mau phát huy tối đa thế mạnh, giảm thiểu chi phí logistic, duy trì giá bán hợp lý nhằm cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ khác trên thị trường Camphuchia.
Ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc PVCFC, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng Giám đốc PVCFC tại buổi gặp gỡ đối tác, khách hàng Campuchia
“Vượt lên mọi khó khăn, thử thách, Campuchia đang từng bước phát triển trên thị trường quốc tế bằng quyết tâm mạnh mẽ, đổi mới tư duy và chọn lựa đối tác. PVCFC đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng tiến trình đi lên của nông nghiệp Campuchia”, đó là mục tiêu được hai bên cùng xác định tại buổi làm việc theo lãnh đạo PVCFC chia sẻ.
Nguyễn Huyền