Cuối tuần trước, hai đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đến Cần Thơ làm việc với Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) nhằm rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh của “Tổng” này sau hơn 2 năm chuyển đổi mô hình doanh nghiệp.
 
 
Tháng 2/2021, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), EVNGENCO2 đã chính thức bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) 580.120.840 cổ phần, đánh dấu sự chuyển đổi mô hình và chính thức trở thành doanh nghiệp cổ phần từ tháng 7/2021.
 
Báo cáo với Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng hôm 19/4, đại diện EVNGENCO2 cho hay, từ khi cổ phần hóa đến nay, các chỉ số tài chính của công ty mẹ EVNGENCO 2 đều được cải thiện so với trước khi cổ phần.
 
Cụ thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giảm dần qua các năm và đảm bảo nhỏ hơn 3 lần; khả năng thanh toán hiện hành tăng dần qua các năm và đảm bảo lớn hơn 1 lần; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân năm 2021 và năm 2022 đều tăng so với trước khi cổ phần.
 
Ông Hồ Sỹ Hùng đề nghị EVNGENCO2 cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác quản trị doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo chiều sâu, hiện đại. Đặc biệt, cần nghiên cứu tăng vốn điều lệ và tích cực triển khai các dự án năng lượng mới để tăng quy mô công suất.
 
 
Ông Võ Hồng Lĩnh – Thành viên HĐTV EVN đề nghị EVNGENCO2 tiếp tục quản lý hiệu quả dòng tiền để đảm bảo kế hoạch tài chính năm 2023
 
Trước đó, trong buổi làm việc với Đoàn công tác HĐTV của EVN, đại diện EVNGENCO2 thông tin, sản lượng điện sản xuất năm 2022 của toàn EVNGENCO2 thực hiện được là 16.377 triệu kWh, tăng 8,62% so với cùng kỳ 2021, hoàn thành kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ số tài chính nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,86 lần; khả năng thanh toán ngắn hạn là 2,06 lần; vốn nhà nước được bảo toàn tại EVNGENCO2 cuối năm 2022 với hệ số bảo toàn vốn là 1,07 lần. Năm 2023, EVNGENCO2 dự kiến sản lượng điện sản xuất ở mức 16.086 triệu kWh.
 
Tại đây, ông Võ Hồng Lĩnh – Thành viên HĐTV EVN đánh giá cao tình hình sản xuất kinh doanh của EVNGENCO2 trong năm qua. Trong năm 2023, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVN nói chung và EVNGENCO2 sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nên Tổng công ty cần tập trung thực hiện các nội dung: công tác quản lý kỹ thuật, sửa chữa các tổ máy nhằm đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật; quản lý dòng tiền hiệu quả; đảm bảo nguồn nhiên liệu sản xuất… để đảm bảo thực hiện hiệu quả kế hoạch tài chính và sản xuất kinh doanh năm 2023.
 
Đoàn công tác HĐTV EVN đồng thời lưu ý EVNGENCO2 các vấn đề về tối ưu hóa chi phí, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ đề năm 2023 của Tập đoàn.
 
EVNGENCO2 hiện sở hữu hoặc nắm giữ trên 50% vốn điều lệ một loạt nhà máy thủy điện, nhiệt điện trong cả nước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư nhiều dự án điện gió tại một số địa phương.
 
Kiến Giang