Hơn 35 năm phối hợp toàn diện với Viện Nghiên cứu CSVN đã đem lại nhiều hiệu quả trong lao động sản xuất của Công ty CPCS Đồng Phú, năng suất sản lượng cao và bền vững, duy trì 17 năm liên tục năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha.
 
 
Viện Nghiên cứu CSVN tập huấn công tác bảo vệ thực vật cho công ty. Ảnh: CTV
 
Đảm bảo vườn cây chất lượng ngay từ đầu
 
Duy trì phối hợp chặt chẽ từ năm 1988 đến nay ở tất cả các khâu trong lĩnh vực sản xuất, bắt đầu từ vườn nhân giống, hàng năm công ty phối hợp với Viện tiến hành thanh lọc giống ở vườn nhân của công ty trước khi đưa vào vụ tháp mới nhằm đảm bảo chất lượng cây giống tốt nhất.
 
Vì vậy, với mục tiêu tập trung vào thay đổi cơ cấu giống, chú trọng chăm sóc vườn cây KTCB, Viện đã kết hợp với công ty xây dựng các mô hình sơ tuyển giống, xây dựng lộ trình tái canh đến năm 2030, nhằm làm cơ sở để khuyến cáo các giống phù hợp cho thu hoạch mủ cao su nhằm ổn định năng suất, ổn định diện tích thu hoạch mủ, sản lượng của công ty trong thời gian tới.
 
Hàng năm, Viện và Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp công ty đều kết hợp triển khai công tác khảo sát phân hạng đất cho từng lô cao su phục vụ công tác trồng tái canh để phục vụ chăm sóc về sau. Đồng thời, giúp chẩn đoán dinh dưỡng trong đất nhằm khuyến cáo phân bón cho cây.
 
Phối hợp chặt chẽ trong công tác thu hoạch mủ
 
Xác định công tác thu hoạch mủ là yếu tố then chốt để đạt sản lượng cao, nên công ty đã cùng Viện thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật khai thác. Ông Huỳnh Trọng Thủy – Phó TGĐ Cao su Đồng Phú, cho biết, Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp công ty luôn phối hợp chặt chẽ với Phòng Nghiên cứu sinh lý – khai thác của Viện hoàn thiện việc quy hoạch vỏ cạo, gắn máng che mưa, máng hứng mủ… cho toàn bộ vườn cây kinh doanh hàng năm, tập huấn và đào tạo công nhân thu hoạch mủ, kỹ thuật quản lý trong thu hoạch mủ. Qua đó, giúp vườn cây cho năng suất ổn định. Hai bên đã cùng nghiên cứu và áp dụng chế độ cạo hợp lý (D3, D4,…) vào sản xuất đại trà có hiệu quả, nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động như hiện nay. Đồng thời, luôn kiểm soát nghiêm kỹ thuật khai thác, sử dụng kích thích đúng yêu cầu kỹ thuật theo Quy trình kỹ thuật 2020 hợp lý. Chủ động bôi kích thích khi tình hình thời tiết thuận lợi cho các vườn cây đặc biệt là cho vườn cây cạo úp và tận thu thanh lý.
 
Bên cạnh đó, còn phối hợp thực hiện việc chẩn đoán mủ, xác định các thông số sinh lý mủ, thông qua các thông số sinh lý mủ để xác định vườn cây đang cạo dưới mức hay trên mức để có thể điều chỉnh chế độ cạo, chế độ kích thích hợp lý cho phù hợp theo từng năm. Đồng thời, Viện hỗ trợ thực hiện việc chẩn đoán hàm lượng đường sucrose trong mủ cho công tác thu hoạch mủ của công ty.
 
Chú trọng chăm sóc tốt vườn cây kinh doanh, Phòng Nghiên cứu Bảo vệ thực vật của Viện hàng năm đều tập huấn và đào tạo đội ngũ phụ trách công tác bảo vệ thực vật (BVTV) trên toàn công ty từ cán bộ kỹ thuật đến công nhân trực tiếp trên vườn cây. Nhờ vậy, đã phát hiện bệnh hại kịp thời, xử lý đúng thời điểm, vườn cây luôn ở trạng thái an toàn về sâu bệnh, không bị bùng phát bệnh cũ (như bệnh nấm hồng, Corynespora…) và chưa phát sinh bệnh mới (như bệnh lá đốm tròn…), giúp vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao và ổn định.
 
Phát huy hiệu quả phối hợp với Viện Nghiên cứu CSVN, năm 2023, với 5.383 ha vườn cây khai thác, kế hoạch Tập đoàn giao 10.460 tấn. Công ty đặt mục tiêu vượt ít nhất 5% sản lượng được giao, duy trì 18 năm liên tiếp năng suất trên 2 tấn/ha.
 
BÌNH MINH