Những năm gần đây, tỉnh chủ trương phát triển hạ tầng để đấu nối, đưa nước máy về nông thôn. Giải pháp này vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, tăng tỷ lệ hộ gia đình dùng nước sạch vừa bảo vệ nguồn nước dưới đất.
 
 
Nhà máy Xử lý nước sạch Thiện Tân thuộc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai
 
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc phát triển nước sạch cho vùng nông thôn còn chậm.
 
* Đưa nước máy về nông thôn
 
Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước (CTCN) sạch nông thôn không đáp ứng được nhu cầu và tiêu chuẩn chất lượng, tỉnh đã chủ trương đấu nối nguồn nước cấp đô thị (nước máy) vào hệ thống cấp nước nông thôn, mở rộng phạm vi cấp nước đô thị về các xã. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn chậm.
 
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai (Sở NN-PTNT) Trần Ngọc Ánh cho hay, đơn vị đang quản lý vận hành 17 CTCN nông thôn. Hầu hết các công trình đều xây dựng trước năm 2018, thiết kế công nghệ xử lý nước theo Quy chuẩn số 02 ban hành năm 2009 của Bộ Y tế, nhưng hiện tại yêu cầu về chất lượng nước sạch phải theo Quy chuẩn 01 ban hành năm 2018. Thêm vào đó, tiêu chuẩn cấp nước trước đây là 40-60 lít/người/ngày, nay đã tăng lên 80 lít/người/ngày.
 
Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu năm 2025 tăng tỷ lệ người dân đô thị dùng nước sạch lên 90% và nông thôn lên 85%.
 
Như vậy, phải đổi mới công nghệ xử lý, mở rộng hạ tầng tuyến ống mới phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh nước sạch của trung tâm chỉ đủ chi. Do đó, trung tâm kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT bố trí nguồn ngân sách để đầu tư.
 
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Minh thừa nhận, thời gian qua, đấu nối nước máy vào các CTCN nông thôn còn chậm. Lý do, các doanh nghiệp (DN) cấp nước chủ yếu là công ty cổ phần, mọi hoạt động đầu tư phải thông qua HĐQT. Qua trao đổi, các DN này không muốn tiếp nhận, mua lại hệ thống cấp nước nông thôn vì công trình đã xuống cấp, hệ thống đường ống không chịu được áp lực của nước máy và tỷ lệ thất thoát nước cao.
 
Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân (H.Thống Nhất) Hoàng Anh Tuấn cho hay, hoàn toàn ủng hộ chủ trương đưa nước máy về các xã phục vụ người dân. Tuy nhiên, công ty sẽ làm hạ tầng đường ống mới thay vì tiếp nhận hạ tầng cũ. “Trước mắt, công ty có thể đấu nối tạm vào hệ thống cấp nước nông thôn để người dân sớm có nước sạch sử dụng. Nhưng về lâu dài, công ty sẽ làm tuyến ống mới để đảm bảo công suất, an toàn vận hành và hạn chế hao hụt nước” – ông Tuấn chia sẻ.
 
* Cần gỡ khó về vốn, đất đai
 
Nước sạch là một tiêu chí cứng trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. Đây cũng là chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm phát triển nước sạch cho người dân bằng cách huy động các nguồn lực, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.
 
Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai Phạm Thị Hồng cho biết, thời gian qua, nhiều dự án cấp nước của công ty gặp khó khăn về pháp lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư hạ tầng nước sạch về huyện cũng chưa được hưởng ưu đãi nguồn vốn theo chính sách đầu tư hạ tầng nông thôn. Tháo gỡ được 2 vướng mắc này, việc đầu tư nước sạch cho người dân sẽ trở nên thuận lợi hơn.
 
 
Nhân viên Công ty CP Cấp nước Gia Tân gắn đồng hồ nước sạch cho người dân nông thôn
 
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng, Đồng Nai có đến 6 DN đầu tư nước sạch, gần 90 CTCN nông thôn, nhưng tỷ lệ người dân dùng nước sạch còn thấp. Bình quân tỷ lệ người dân được cấp nước tại đô thị là 83,5% và nông thôn khoảng 34%. Nhiều DN mới quan tâm đầu tư nước sạch đô thị và sản xuất công nghiệp mà chưa mặn mà với việc cung cấp nước sạch ở nông thôn. Có DN đăng ký cấp nước sạch nhưng chậm triển khai thực hiện dự án. Cần có sự cạnh tranh công bằng giữa các DN đầu tư nước sạch bằng cách đã đăng ký vùng cấp nước mà không thực hiện thì để DN khác làm.
 
Năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025. Đề án đề ra nhiệm vụ và giao cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Riêng về nguồn vốn ưu đãi, đất đai, Sở
KH-ĐT và Sở Xây dựng phối hợp với DN và các bên liên quan thống nhất tham mưu tỉnh tháo gỡ cho từng dự án.
 
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là không phải 80% hay 90% mà phải đảm bảo mọi người dân đều được cấp nước sạch để sử dụng. Hoàn thành chỉ tiêu này sớm ngày nào tốt ngày đó. Các sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư nước sạch cùng có trách nhiệm trong việc đảm bảo an sinh nước sạch cho người dân.
 
Ban Mai