Các cổ phiếu bất động sản có thị giá dưới mệnh giá đầu năm như CIG, TEG, PVL, TIG, VC7 đã tăng khá mạnh trong 5 tháng qua.
Năm nay, Novaland chuyển hướng huy động vốn từ phát hành cổ phần thay vì trái phiếu như năm trước.
An Gia có kế hoạch huy động vốn để M&A quỹ đất tiềm năng ở Bình Dương.
Theo thống kê của Fiin Pro, khoảng 20 doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch tăng vốn với khối lượng phát hành gần 1,7 tỷ cổ phiếu, trong đó 1,1 tỷ cổ phiếu được dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu. Doanh nghiệp bất động sản cùng với ngân hàng, chứng khoán là 3 nhóm ngành lên phương án tăng vốn cổ phần mạnh trong năm nay, riêng nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng 18% lượng cổ phiếu dự kiến chào bán ra thị trường chứng khoán.
SSI Research đánh giá bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi, các doanh nghiệp bất động sản đã nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để chuyển từ huy động vốn bằng trái phiếu sang cổ phiếu. Giá trị phát hành trái phiếu năm 2020 của nhóm bất động sản là 191.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi, từ đầu 2021 đến giữa tháng 5, giá trị phát hành mới của các công ty bất động sản đạt 53.000 tỷ đồng.
SSI Research cho rằng do tác động pha loãng lợi nhuận không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu nhóm ngành này.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm 2021
Novaland (HoSE: NVL) là đơn vị có phương án tăng vốn mạnh đáng chú ý trong năm nay. Vào đầu năm, doanh nghiệp bất động sản đã chào bán thành công gần 77,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 59.200 đồng/cp thu về 4.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, Novaland còn muốn phát hành tối đa 40 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức hoặc ưu đãi hoàn lại theo hình thức riêng lẻ. Mục tiêu huy động vốn cho hoạt động đầu tư, hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác. Lượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, giá chào bán do HĐQT quyết định.
Mới đây, doanh nghiệp công bố phát hành 386 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 35,68% vốn từ nguồn thặng dư vốn cổ phần. Ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện là 10/6.
Chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, ông Nguyễn Thái Phiên – Giám đốc cấp cao tài chính doanh nghiệp cho biết Novaland dự kiến huy động khoảng 1,5 đến 2 tỷ USD tùy thuộc nhu cầu M&A. Số tiền huy động được tập đoàn sẽ dùng để gia tăng quỹ đất, phát triển dự án tại các vị trí chiến lược.
Như vậy, nếu như năm 2020, Novaland huy động vốn mạnh từ kênh trái phiếu thì năm nay là cổ phiếu. Cụ thể, năm trước, doanh nghiệp tăng vốn góp của chủ sở hữu từ 9.695 tỷ đồng lên 9.963 tỷ đồng nhưng tăng dư nợ vay trái phiếu ngắn hạn từ 2.577 tỷ đồng lên 3.241 tỷ đồng và dài hạn từ 10.359 tỷ đồng lên 22.579 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, Novaland báo cáo lợi nhuận quý I đạt 701 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm trước nhờ doanh thu chuyển nhượng bất động sản tăng.
Đi cùng các kế hoạch phát hành cổ phần tăng vốn và lợi nhuận khả quan, cổ phiếu Novaland đã bật tăng mạnh 121% trong vòng 5 tháng qua, giá từ vùng 60.350 đồng/cp lên 133.500 đồng/cp và thiết lập đỉnh lịch sử.
Diễn biến giá NVL từ khi niêm yết. Nguồn: TradingView
Cũng với mục tiêu gia tăng quỹ đất, ban lãnh đạo Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) đã trình và được cổ đông thông qua phương án chào bán tối đa 82,75 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ phát hành 1:1. Mức giá chào bán do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Cùng với phương án chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 10% thì vốn An Gia dự kiến tăng từ 830 tỷ đồng lên 1.740 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch An Gia, doanh nghiệp cần huy động vốn vì ngắm đến quỹ đất tiềm năng 30-50 ha ở Bình Dương, đã hoàn thiện pháp lý có thể triển khai ngay trong quý IV. Dự án được kỳ vọng giúp đơn vị tăng trưởng đột biến doanh thu và lợi nhuận khoảng 30-35% so với kế hoạch hiện nay.
Tương tự NVL, cổ phiếu AGG cũng bật tăng mạnh từ vùng 30.000 đồng/cp lên 48.600 đồng/cp sau thời gian dài lình xình đi ngang.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bất động sản dưới mệnh giá vào thời điểm đầu năm như CIG, TEG, PVL, TIG, VC7 cũng đã tăng khá mạnh cùng phương án huy động vốn.
Cụ thể, cổ phiếu CIG của Công ty COMA 18 đi ngang quanh vùng 2.000 đồng/cp thì đến đầu năm 2021 bất ngờ tăng mạnh lên 6.600 đồng/cp, tức gấp 3,2 lần.
COMA 18 có kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu trong năm nay để tăng vốn lên 515 tỷ đồng, đối tượng phát hành có thể là cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông chiến lược. Giá phát hành chưa được xác định.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không nhiều khởi sắc, lỗ lớn trong quý II/2020 sau đó giảm dần và đến quý I năm nay lãi nhẹ 84 triệu đồng. Kế hoạch kinh doanh của COMA 18 năm nay là có lãi 5 tỷ đồng.
Đơn vị: triệu đồng
COMA 18 đã dừng các hoạt động xây lắp, cơ khí và nhà hàng từ năm 2020 sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả, nguồn thu chủ yếu đến từ cho thuê hạ tầng cụm công nghiệp và doanh thu phí nước thải tại cụm công nghiệp Thanh Oai. Doanh nghiệp đang triển khai các dự án khu công nghiệp như Kim Thành (Hải Dương), Nhuận Trạch (Hòa Bình) hay dự án thủy điện Hùng Lợi Yên Sơn 1,2 nhưng mới ở giai đoạn đầu chưa có doanh thu.
Tương tự, cổ phiếu TEG của Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEC Group) cũng bất ngờ tăng giá từ vùng 5.000 đồng/cp lên 14.000 đồng/cp trong 5 tháng qua, trước đó cổ phiếu này đi ngang và hầu như không có thanh khoản.
Trong năm nay, TEC Group muốn huy động gần 316 tỷ đồng để mua cổ phần Năng lượng Trường Thành (TTP) hoạt động trongh lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Đơn vị sẽ chào bán 21,59 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp và 10 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá với giá chào bán tối thiểu 10.000 đồng/cp.
Mục tiêu của doanh nghiệp là biến Năng lượng Trường Thành làm công ty con để từng bước phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. TEG mới sở hữu 26,32% vốn TTP.
Cùng với phương án tăng vốn, TEC Group đề ra kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu gấp đôi lên 440 tỷ đồng, lợi nhuận gấp 11 lần lên 90 tỷ đồng.
Dù vậy, không phải cổ phiếu bất động sản nào cũng tăng giá khi doanh nghiệp có phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn.
Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) xây dựng kế hoạch chào bán gần 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giá 12.800 đồng/cp, tỷ lệ 2:1. Số tiền dự kiến huy động 2.555 tỷ đồng dùng để đầu tư dự án Hoàng Huy Commerce và dự án Hoàng Huy – Sở Dầu.
Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khả quan, niên độ 2020-2021, lần đầu tiên lợi nhuận sau thuế lên con số nghìn tỷ đồng đạt 1.035 tỷ đồng.
Song cổ phiếu TCH lình xình quanh mốc 20.000-22.000 đồng/cp trong 1 năm qua.
Idico (HNX: IDC) muốn chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cp trong khi vào thời điểm ban lãnh đạo công bố phương án, cổ phiếu IDC có giá trên 40.000 đồng/cp. Sau đó, cổ phiếu này giảm dần về vùng 35.000 đồng/cp, tương đương mức giá đầu năm.
Nhìn chung còn nhiều yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bất động sản trong năm nay như thị trường chung thuận lợi, giá đất sốt ở khắp nơi, kết quả kinh doanh tăng trưởng… Do vậy, bên cạnh kế hoạch tăng vốn nhà đầu tư cũng nên xem xét nhiều khía cạnh khi đầu tư.
Ngọc Điểm