Trong khi Viettel Construction vẫn duy trì được đà tăng trưởng từ năm 2022, thì Viettel Post có dấu hiệu chững lại, còn Viettel Global thậm chí báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023 do phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Công nghệ – Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện có 4 công ty thành viên đã niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm: Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế (Viettel Global, mã VGI), Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction, mã CTR), Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post, mã VTP) và Công ty CP Tư vấn và dịch vụ Viettel (Viettel Consultancy, mã VKT).
Sau ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022, đóng góp đáng kể vào mức doanh thu hợp nhất 163.654 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế (LNST) 34.947 tỷ đồng của Tập đoàn Viettel năm ngoái, sang 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp thành viên “họ” Viettel đã có sự phân hóa.
Viettel Global ghi nhận lợi nhuận âm do trích lập dự phòng lớn
Sau giai đoạn lỗ liên tục (2016-2019), từ năm 2020 đến nay doanh thu và lợi nhuận của Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel đã có sự phục hồi khá tốt, nhất là năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hợp nhất cao kỷ lục, đạt 27.329 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 3.014 tỷ đồng và LNST 1.541 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 3 và 4,4 lần năm 2021.
Trên nền tăng trưởng cao của năm 2022, năm 2023 Viettel Global đặt kế hoạch doanh thu 28.000 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng tương đương LNTT năm 2022.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2023 vừa công bố, Viettel Global cho biết doanh thu của công ty đạt 6.861 tỷ đồng, tăng 17%, tương ứng tăng hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu hợp nhất cao nhất từ trước đến nay của Viettel Global và ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp nền doanh thu ở mức trên 6.000 tỷ đồng mỗi quý.
Tương ứng với doanh thu, lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng thêm 472 tỷ lên 3.139 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt gần 46%.
Tuy nhiên, Viettel Global cho biết, trong kỳ công ty đã tiến hành trích lập dự phòng đầu tư và phải thu đối với Công ty Viettel Myanmar và Công ty Viettel Cameroun, đồng thời, chịu ảnh hưởng bởi lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện tại công ty mẹ và các công ty Viettel Burundi và Viettel Tanzania nên đã tác động lớn đến chỉ số tài chính trong kỳ.
Cụ thể, trong kỳ công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 2.246 tỷ đồng, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, lên 2.701 tỷ. Trong khi đó, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 1.150 tỷ cũng khiến chi phí tài chính của công ty tăng gấp đôi lên 1.257 tỷ. Ngược lại, việc giảm mất 538 tỷ lãi chênh lệch tỷ giá so với cùng kỳ đã khiến doanh thu tài chính của công ty giảm 41,5%, còn 725 tỷ.
Kết quả, công ty báo lỗ trước thuế 800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 1.519 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.219 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.117 tỷ).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global đạt hơn 13.300 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng trưởng 18%. Song, LNTT chỉ đạt 187 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ và LNST ghi nhận âm 625 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đậm 2.520 tỷ. Như vậy, so với kế hoạch đặt ra cho năm 2023, công ty đã thực hiện được 47,5% chỉ tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Điểm sáng của Viettel Global là đến cuối quý II/2023, vay và nợ tiếp tục giảm đáng kể với vay nợ ngắn hạn giảm từ 3.669 tỷ xuống 2.911 tỷ đồng và vay nợ dài hạn giảm từ 2.289 tỷ xuống 979 tỷ đồng. Công ty đang có 17.815 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm gần 37% tổng tài sản.
Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Global đạt lần lượt là 48.425 tỷ và 28.750 tỷ đồng.
Viettel Post qua giai đoạn bùng nổ doanh thu
Từ quý II/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát mạnh, doanh thu của Viettel Post cũng bước vào giai đoạn bùng nổ với nhiều quý liên tục đạt trên 5.000 tỷ đồng và mới có dấu hiệu chững lại từ đầu năm nay song vẫn duy trì ở mức gần 5.000 tỷ.
Năm 2020, doanh thu của Viettel Post tăng mạnh lên 17.342 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm 2019. Và trong hai năm 2021-2022, doanh thu của công ty lại có thêm bước tăng trưởng mới, lần lượt đạt 21.555 tỷ và 21.743 tỷ. Tuy nhiên, tăng trưởng LNST lại không lên cùng chiều với doanh thu khi giảm từ mức 383 tỷ năm 2020 xuống 296 tỷ vào năm 2021 và còn 257 tỷ vào năm 2022, riêng quý IV/2022, LNST của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý nữa là dù mức doanh thu đạt được của năm 2022 là mức kỷ lục nhưng vẫn thấp hơn 15% so với kế hoạch đặt ra là đạt 25.723 tỷ đồng. Do đó, năm 2023, Viettel Post đã thận trọng hơn khi rút mục tiêu doanh thu còn 18.464 tỷ đồng (giảm 15% so với năm 2022). Ngược lại, công ty kỳ vọng có thể cải thiện LNST với mục tiêu đạt 376 tỷ đồng (tăng 46,7% so với năm ngoái).
6 tháng đầu năm 2023, Viettel Post ghi nhận doanh thu đạt 9.778 tỷ đồng, LNST đạt 173 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 53% chỉ tiêu doanh thu năm và 46% mục tiêu lợi nhuận năm.
Lĩnh vực bưu chính vẫn là lĩnh vực cốt lõi của Viettel Post trong 6 tháng đầu năm, đạt 104,3% kế hoạch, tăng trưởng 25,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng xấp xỉ 10 lần so với năm 2014.
Đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của công ty ở mức 5.838 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (5.109 tỷ), trong đó, có 2.283 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, gần như đi ngang so với đầu năm. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, vay nợ của công ty tăng 12% so với đầu năm lên 1.254 tỷ đồng.
Viettel Construction vẫn trên đà tăng trưởng
Với Viettel Construction giai đoạn đại dịch COVID-19 cũng là giai đoạn tăng trưởng vượt trội với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng hai chữ số. Trong đó, doanh thu các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt đạt 6.360 tỷ đồng, 7.461 tỷ đồng và 9.398 tỷ đồng; LNST cũng lũy tiến theo các năm, lần lượt đạt 274 tỷ (2020), 375 tỷ (2021), 443 tỷ (2022).
Trên đà tăng trưởng, năm 2023, Viettel Construction đề ra mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.338 tỷ đồng và LNST đạt 487 tỷ đồng, đều tăng 10% so với năm 2022. Nếu hoàn thành kế hoạch này, Viettel Construction sẽ phá kỷ lục lợi nhuận đạt được năm ngoái.
6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 5.091 tỷ đồng và LNST đạt 232 tỷ, hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và gần 48% mục tiêu lợi nhuận.
Trong đó, quý I/2023, doanh thu của công ty đạt 2.366 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ và LNST đạt 109 tỷ, tăng 22,2% so với quý I/2022.
Quý II/2023, doanh thu của Viettel Construction thiết lập mức kỷ lục theo quý, đạt 2.725 tỷ đồng, tăng 22,4% so với quý II/2022 và LNST đạt 124 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Construction lần lượt là 6.121 tỷ đồng và 1.674 tỷ đồng, đều tăng nhẹ so với đầu năm. Đến cuối quý II, công ty đang có 1.575 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, giảm không đáng kể so với con số 1.636 tỷ hồi đầu năm. Trong khi đó, nợ và nợ thuê tài chính là 1.453 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm.
Viettel Consultancy kỳ vọng tăng trưởng kỷ lục năm 2023
Trong khi CTR, VGI, VTP đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023, Viettel Consultancy (mã VTK) đến hiện tại vẫn chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh kể từ khi niêm yết (2010) đến nay cho thấy, doanh thu của Viettel Consultancy vẫn tăng đều qua các năm và lợi nhuận duy trì ổn định.
Trong năm tài chính gần nhất, công ty báo doanh thu đạt kỷ lục gần 218 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch và tăng 60% so với doanh thu thực hiện năm 2021. LNST cũng đạt mức cao nhất kể từ khi niêm yết, đạt 20,7 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch và tăng 21,8% so với năm 2021.
Với đà tăng trưởng khá tốt trong năm 2022, Viettel Consultancy đặt kỳ vọng lớn hơn vào năm 2023 với doanh thu dự kiến là 280 tỷ đồng, tăng 28,5% so với năm ngoái và LNST 24,6 tỷ đồng, tăng 19,2%.
Công ty cũng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản năm 2023 lên 244 tỷ và vốn chủ sở hữu lên 133 tỷ, lần lượt tăng 30,3% và 7,7% so với năm 2022.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Viettel Consultancy lần lượt đạt 187 tỷ đồng và 124 tỷ đồng, tăng 17,9% và 8,5% so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi đến cuối năm giảm 15%, còn 68 tỷ đồng, trong khi, nợ phải trả (toàn bộ là nợ ngắn hạn) tăng 41,5%, lên gần 64 tỷ đồng.
Hoàng Hà