ĐHĐCĐ thường niên của Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) đã diễn ra vào sáng 28/4. Theo đó, ban lãnh đạo thừa nhận có phần "hơi tự tin" khi xây dựng kế hoạch doanh thu tăng trưởng 9% so với mức thực hiện năm 2022.
 
 
Kế hoạch doanh thu có phần “hơi tự tin”
 
Tại đại hội, ban lãnh đạo BMP cho biết sẽ tiếp tục duy trì chiến lược kinh doanh như năm 2022, tập trung vào cải thiện hiệu quả và chất lượng sản xuất, duy trì vị thế trên thị trường.
 
Về nguyên vật liệu đầu vào, theo ban lãnh đạo BMP, giá PVC đã tăng trở lại trong quý I. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại từ cuối năm 2022 làm lượng dự trữ tồn kho PVC của thị trường ghi nhận ở mức khá thấp. Các doanh nghiệp muốn tăng lượng tồn kho trở lại trong quý đầu năm, làm giá nguyên vật liệu tăng theo.
 
Ban lãnh đạo BMP cho rằng giá PVC sẽ ổn định trở lại trong các quý tiếp theo. Tuy nhiên, việc dự báo diễn biến giá PVC trong dài hạn là không dễ dàng.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch BMP, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, ban lãnh đạo công ty đã nhìn thấy tín hiệu bắt đầu quay ngược tăng giá trở lại của giá PVC, dù chưa nhiều. Do đó, kế hoạch kinh doanh của BMP chỉ dự kiến tăng trưởng trong doanh thu, còn lợi nhuận mục tiêu giảm so với mức thực hiện năm 2022.
 
Cụ thể, BMP lên kế hoạch doanh thu mục tiêu năm 2023 đạt 6.357 tỷ đồng, tăng 9,1% so với mức thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu lại giảm về mức 651 tỷ đồng, giảm 6,2% so với năm trước.
 
Doanh thu kế hoạch của BMP trong năm 2023 dù chỉ dự kiến tăng trưởng 1 chữ số, tuy nhiên lại là mức doanh thu cao kỷ lục của công ty trong lịch sử hoạt động.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, trong bối cảnh đầu ra là thị trường bất động sản và xây dựng gặp khó, đầu vào là giá nguyên vật liệu lên xuống không kiểm soát được, việc xây dựng kế hoạch tăng trưởng doanh thu và sản lượng của BMP có phần “hơi tự tin quá”, nhưng có thể cố gắng đạt được.
 
Về kế hoạch lợi nhuận giảm 6%, ông Ngân cho rằng điều này thể hiện sự thận trọng của ban điều hành. Theo đó, nếu so với nhà sản xuất nhựa khác tương đồng với BMP là Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) thì kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của BMP vẫn cao hơn xấp xỉ 230 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho rằng nếu điều kiện thuận lợi, lợi nhuận năm 2023 của BMP có thể chỉ giảm nhẹ, hoặc có thể đạt được tăng trưởng dương.
 
Không có nhà đầu tư mới “nhảy vào” ngành nhựa trong 1-2 năm tới
Tại đại hội, một số cổ đông lo lắng về việc sẽ có nhiều doanh nghiệp mới muốn gia nhập ngành nhựa trong thời gian tới khi nhìn thấy kết quả kinh doanh khả quan của BMP trong năm 2022 và trong quý I vừa qua. Cụ thể, cổ đông BMP cho rằng từ năm 2017, nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Hoa Sen hay Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã muốn tham gia vào thị trường nhựa và lo ngại tình hình này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
 
Giải đáp cho thắc mắc trên của cổ đông, ông Nguyễn Hoàng Ngân đã phủ nhận vấn đề này. Theo ông, thời điểm năm 2017 khác với thời điểm hiện tại. Nhiều người đang nhìn nhận rằng thông qua kết quả mà BMP đạt được, các doanh nghiệp khác sẽ muốn sản xuất ống nhựa.
 
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, nhiều nhà sản xuất nhỏ đang tạm dừng hoạt động, thậm chí muốn bán cơ nghiệp vì khả năng cạnh tranh rất gay gắt, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn trong năm 2023.
 
“Tôi không nghĩ sẽ có nhà đầu tư mới nhảy vào thị trường trong 1-2 năm sắp tới”, Phó chủ tịch BMP cho biết.
 
Về kết quả kinh doanh quý I, doanh thu thuần của BMP đạt gần 1.440 tỷ đồng, tăng 6,7% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Biên lãi gộp tăng từ 23,64% (quý I/2022) lên mức 38,52% (quý I/2023). Lợi nhuận gộp đạt hơn 554 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 73,8%.
 
Trừ đi các loại chi phí, BMP báo lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng, tương đương gấp 2,2 lần mức thực hiện cùng kỳ năm 2022. Đây là mức lợi nhuận cao nhất (theo quý) mà BMP từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.
 
Hải Đường