Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng và Giao thông Bình Dương.
Tại thời điểm thanh tra, nhiều quy định của pháp luật đã được công ty thực hiện như: Báo cáo định kỳ về tình hình thay đổi lao động; iao kết hợp đồng lao động với 100% người lao động thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng lao động; đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương và định mức lao động; thực hiện các quy định về nghỉ lễ, nghỉ Tết…
Tuy nhiên, kết luận cũng chỉ ra hàng loạt vi phạm trong thực hiện quy định pháp luật lao động.
Tại thời điểm thanh tra, công ty chưa mở sổ thống kê các nội dung cần thiết phải báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động làm căn cứ theo dõi, phân tích, đưa ra các chính sách, giải pháp đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 10 Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.
Thanh tra Bộ LĐTB&XH xác định việc công ty chưa xây dựng kế hoạch hàng năm về đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động là chưa đúng quy định tại khoản 1, Điều 60 Bộ luật Lao động.
Hợp đồng lao động đã giao kết với người lao động có nội dung ghi chưa cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên: Mục công việc phải làm ghi “theo sự phân công của công ty”; mục chế độ nghỉ ngơi ghi “theo quy định công ty”, là chưa đúng quy định tại Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 và Chương II Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ việc hồ sơ thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp không có thông báo bằng văn bản về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể của đại diện tập thể người lao động hoặc của người sử dụng lao động, không có biên bản cuộc họp thương lượng, là chưa đúng theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Lao động.
Đáng lưu ý, tại thời điểm thanh tra, quy chế dân chủ chưa quy định cụ thể các nội dung chủ yếu để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định tại khoản 2, Điều 37 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ.
Nội quy lao động của doanh nghiệp chưa quy định nội dung phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; việc bảo vệ tài liệu, bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ, là chưa đúng quy định tại khoản 2, Điều 118 Bộ luật Lao động.
Cũng theo kết luận thanh tra, công ty chưa thực hiện giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động, là chưa đúng theo quy định tại khoản 4, Điều 136 Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó, nội dung kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động thiếu biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động; phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động, là chưa đúng quy định tại khoản 3, Điều 76 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra, tại thời điểm thanh tra, đoàn thanh tra cũng chỉ ra việc công ty chưa thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh theo quy định. Đồng thời, công ty cũng chưa lập hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe người lao động, là chưa đúng theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thanh tra Bộ LĐTB&XH yêu cầu Công ty Cổ phần Xây dựng và Giao thông Bình Dương khắc phục các vi phạm đã được chỉ ra qua công tác thanh tra, đồng thời có văn bản báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị kèm các tài liệu chứng minh gửi về Thanh tra Bộ.
Theo Phương Anh