Theo phương châm chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đồng thời để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào mô hình quản trị và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập thể người lao động Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (TSHPCo) đang nỗ lực triển khai ứng dụng chuyển đổi số toàn diện nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí.
 
 
Trung tâm điều hành Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.
 
Đại diện Công ty TSHPCo cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, TSHPCo đã đẩy mạnh công tác truyền thông và chuyển đổi nhận thức trong người lao động. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ là sự đầu tư, đổi mới về hạ tầng công nghệ thông tin mà còn là trách nhiệm của bộ phận nhân sự công nghệ thông tin, là văn hóa số trong DN và đây là nhiệm vụ mà cả tập thể và người lao động của TSHPCo cần đồng lòng, nỗ lực thực hiện.
 
Theo đó, ngay từ năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2), TSHPCo đã tích cực tham gia công tác chuyển đổi số với những nội dung cụ thể, như: Thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo chuyên đề “Chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0”; cử cán bộ, người lao động tham gia đầy đủ các cuộc đào tạo, hội nghị, hội thảo về chuyển số do EVN và
 
EVNGENCO2 tổ chức trực tiếp và trên E-learning; hoàn thành công tác nhập số liệu cho phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS). Trong đó, công tác lập và lưu hồ sơ công việc đã được ứng dụng vào thực tế, hoàn thành các chỉ tiêu cập nhật dữ liệu vào phần mềm PMIS, IMIS.
 
Ngoài ra, TSHPCo cũng hoàn thành công tác số hóa các quy trình nội bộ như: Quy trình cấp phát vật tư, quy trình quản lý thiết bị, quy trình nghiệm thu thiết bị sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn, theo dõi, quản lý công cụ dụng cụ bằng QR Code tích hợp với hệ thống ERP. Với những giải pháp này, việc thực hiện quản lý công cụ, dụng cụ và tìm kiếm vật tư rất nhanh chóng, hiệu quả, trực quan, chính xác; đồng thời cung cấp cho người quản lý biết được thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật, xuất xứ của từng công cụ, dụng cụ, vật tư thiết bị. Công tác sắp xếp, bố trí vật tư mới vào kho cũng được thực hiện nhanh chóng, chính xác, khoa học, tối ưu hóa được không gian.
 
Một trong những thành quả quan trọng trong việc chuyển đổi số của đơn vị nữa là ứng dụng số trong công tác đại tu tổ máy H1 và H2 theo phương pháp RCM (Reliability Centered Maintenace) đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Với việc số hóa quy trình duy tu, bảo dưỡng, TSHPCo đã hoàn thành công việc trước tiến độ, bảo đảm phương án kỹ thuật và kế hoạch được giao, đưa 2 tổ máy vào vận hành trong “thời điểm vàng” để phát huy tối đa công suất nhà máy, tăng sản lượng điện sản xuất. Trong năm 2023, công tác đại tu tổ máy H3 và H4 cũng sẽ tiếp tục được thực hiện theo phương pháp này.
 
Với mục tiêu xây dựng TSHPCo trở thành doanh nghiệp số, ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ công nhân viên của công ty đang tiếp tục nghiên cứu các nền tảng công nghệ số, ứng dụng công nghệ số để áp dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu của đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư, hướng đến các hoạt động của công ty được số hóa. Các hoạt động chưa tự động hóa thành tự động hóa và ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động và năng lực quản trị, tối ưu chi phí hoạt động, hướng tới chủ đề năm 2023 của EVN “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
 
Bài và ảnh: Trung Sinh