Mặc dù là doanh nghiệp có tên tuổi nhưng trong suốt 10 năm qua, cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo lại giao dịch khá lẹt đẹt, thậm chí luôn ở dưới mệnh giá. Bên cạnh kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường, đặc biệt sau hàng loạt những lùm xùm gần đây, dự báo tương lai cổ phiếu ITA vẫn khá mờ mịt.
 
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa có văn bản nhắc nhở Tân Tạo về việc chậm công bố thông tin BCTC soát xét bán niên 2022. Đồng thời, cảnh báo về khả năng cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát nếu công ty không thể công bố BCTC soát xét bán niên trong vòng 15 ngày, kể từ thời hạn chót công bố theo quy định (29/08).
 
Cổ phiếu liên tục giao dịch dưới mệnh giá
 
Trước đó, HoSE đã quyết định đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo kể từ ngày 06/09/2022 do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
 
Thêm vào đó, từ ngày 29/8, cổ phiếu ITA cũng bị đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
 
Là doanh nghiệp có tên tuổi nhưng trong suốt 10 năm qua, cổ phiếu ITA lại giao dịch khá lẹt đẹt, thậm chí luôn ở dưới mệnh giá (Ảnh: Int)
 
Được biết, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo thành lập năm 1996, tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng – Kinh doanh Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp tập trung Tân Tạo. Năm 2002, công ty bắt đầu hoạt động theo mô hình cổ phần và năm 2006 chính thức niêm yết trên sàn giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. Đây là khu công nghiệp đầu tiên trên cả nước niêm yết trên sàn.
 
Mặc dù là doanh nghiệp có tên tuổi nhưng điều đáng nói trong suốt 10 năm qua, cổ phiếu ITA giao dịch khá lẹt đẹt, dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp, thậm chí có thời kỳ dài giao dịch ở mức ngang một ly trà đá là 2.000 đồng – 3.000 đồng/cp.
 
Thời điểm cuối năm 2021, thanh khoản tỷ USD đã đưa thị trường chứng khoán thăng hoa, liên tục chinh phục những đỉnh cao mới. Theo đó, hầu hết các cổ phiếu, từ cơ bản đến đầu cơ đều lần lượt được dòng tiền tìm đến. Và cổ phiếu ITA cũng là một trong những cổ phiếu có mức tăng gây ấn tượng với nhà đầu tư lúc bấy giờ.
 
Sau khi thiết lập mức đỉnh vào phiên 6/1/2022 ở mức 18.600 đồng/cp, cổ phiếu ITA đã “vội vàng” quay đầu xuống dốc và tiếp tục chuỗi ngày giao dịch dưới mệnh giá.
 
Chốt phiên ngày 8/9, cổ phiếu ITA đang giao dịch ở mức 5.880 đồng/cp, ghi nhận chuỗi trượt dốc với 8 phiên giảm liên tục, trong đó có 2 phiên giảm sàn. Như vậy, tính từ thời điểm tạo đỉnh đến nay, cổ phiếu ITA đã giảm hơn 68%.
 
Cổ phiếu ITA liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh công ty dính vào những lùm xùm như bị “cáo buộc phá sản”, “nhầm lẫn” trong việc hạch toán tạm ứng nghìn tỷ đồng cho Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến. Theo đó, mới đây Tổng cục thuế đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM rà soát công tác quản lý thuế đối với Tân Tạo và xác minh số tiền “hạch toán sai” này cho vị lãnh đạo công ty.
 
Hơn nữa, việc cổ phiếu ITA liên tục rơi vào tình trạng lẹt đẹt, vừa lên đỉnh đã vội đi xuống cũng được cho là do công ty không có nhiều đột phá về kinh doanh cũng như tăng trưởng lợi nhuận. Bên cạnh đó là những yếu tố như không chia cổ tức (từ 2014 đến nay), 10 năm liền Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến vắng bóng tại các kỳ ĐHĐCĐ, nhiều dự án trì trệ…
 
Lợi nhuận trồi sụt
 
Vốn có bề dày hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, sở hữu quỹ đất lớn. Thường thì các doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp đầu tư một lần rồi thu tiền lâu dài, dòng tiền hoạt động và cấu trúc tài chính khá tốt khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán, do tồn kho tăng mạnh nên trong giai đoạn 2012 – 2015, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Tân Tạo liên tục âm mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
 
Vì vậy buộc công ty phải vay nợ, với số dư lên hơn 1.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn từ 2013 – 2016. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2014 – 2016, Tân Tạo đã tiến hành 3 đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ, tổng cộng hơn 319 triệu cổ phiếu.
 
Từ năm 2017 đến nay, dòng tiền kinh doanh của công ty thặng dư trở lại giúp giảm nợ vay, nhưng nguồn lực dự trữ hiện vẫn khá mỏng so với nhu cầu đầu tư và trả nợ.
 
Không chỉ vậy, lợi nhuận của ITA khá thấp so với quy mô tài sản, nguồn vốn và liên tục không đạt kế hoạch. Năm 2016, công ty chỉ hoàn thành 10% kế hoạch lợi nhuận, năm 2017 đạt 4%, năm 2018 đạt 22,4%. Năm 2019, dù lợi nhuận tăng mạnh sau kiểm toán nhưng cũng mới đạt 45% kế hoạch đề ra.
 
Năm 2020, Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến xuất hiện trở lại tại ĐHĐCĐ và tuyên bố sẽ “hồi sinh” một diện mạo mới cho Tân Tạo. Tới năm 2021, công ty đã ghi nhận lợi nhuận đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, tăng 65% so với năm 2020. Đây cũng là thời điểm cổ phiếu tăng mạnh.
 
Tuy nhiên, sang quý I/2022, doanh thu cùng lợi nhuận của công ty lại quay đầu giảm sâu với mức lãi ròng giảm 70%, còn hơn 16 tỷ đồng. Sang đến quý II, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 309,65 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 117,58 tỷ đồng, tăng 5,46 lần so với cùng kỳ. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 373,19 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 133,98 tỷ đồng, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nhưng xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính lại ghi nhận âm 1.114,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 126,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1.014,1 tỷ đồng (chủ yếu do thu hồi đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác với giá trị 1.021,7 tỷ đồng); và dòng tiền tài chính âm 111,28 tỷ đồng.
 
Được biết, Tân Tạo chưa trải qua năm nào dòng tiền âm kỷ lục như trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, dòng tiền âm lớn nhất là năm 2009 với giá trị âm 1.056,98 tỷ đồng và năm 2015 với giá trị âm 1.057,04 tỷ đồng.
 
Nhìn chung, với kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường cùng những lùm xùm chưa có hồi kết của Tân Tạo không chỉ gây “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư, mà còn cho thấy con đường giao dịch dưới mệnh giá của cổ phiếu ITA dự báo sẽ còn tiếp diễn, cũng như hành trình tìm lại đỉnh cao của cổ phiếu còn là một chặng đường dài gian nan trước mắt.
 
Hải Giang