Công ty cổ phần Vang Thăng Long (VTL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần hơn 3,5 tỷ đồng, giảm hơn 87% so với cùng kỳ; lỗ gần 4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 66,9 tỷ đồng.
 
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty là gần 95 tỷ đồng; trong đó 36,8 tỷ đồng là tài sản dài hạn, chủ yếu là tài sản cố định và các khoản phải thu. Tài sản ngắn hạn có 58 tỷ đồng nhưng tiền và tương đương tiền chỉ có 3,4 tỷ đồng, trong khi có tới 30 tỷ đồng là hàng tồn kho và 24,3 tỷ đồng là phải thu ngắn hạn.
 
 
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa ra thông báo về việc gần 50,6 triệu cổ phiếu VTL của Công ty cổ phần Vang Thăng Long sẽ bị huỷ niêm yết vào ngày 19/5 tới. (Ảnh: Int)
 
Theo ông Đinh Tiến Thành, Tổng giám đốc Vang Thăng Long, tình trạng thua lỗ này là do hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty quý I/2023 vẫn tiếp tục chịu “tác động kép” của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông (trong đó có quy định phạt nồng độ cồn) và đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa của công ty.
 
Báo cáo tài chính quý I/2023 của Vang Thăng Long cũng cho thấy, tổng doanh thu thuần ban đầu là hơn 5,5 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ ghi nhận 3,5 tỷ đồng do bị giảm trừ doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trong đó có tới 1,8 tỷ đồng là hàng hóa bị trả lại (mặc dù quý đầu năm là cao điểm tiêu thụ các sản phẩm rượu bia trong năm) và hơn 220 triệu đồng là chiết khấu thương mại.
 
Trước đó, năm 2022, công ty cũng báo lỗ 35,7 tỷ đồng và lỗ lũy kế 62,7 tỷ đồng (âm vốn chủ sở hữu 12,2 tỷ đồng).
 
Cũng chính vì vậy, ngày 21/4 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa ra thông báo về việc gần 50,6 triệu cổ phiếu VTL của Công ty cổ phần Vang Thăng Long sẽ bị huỷ niêm yết vào ngày 19/5 tới do công ty có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm tại ngày 31/12/2022, thuộc trường hợp hủy bỏ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
 
Không chỉ vậy, VTL là một trong những mã cổ phiếu hiếm hoi không xuất hiện giao dịch, liên tục đi ngang mức giá tham chiếu trong một thời gian dài. Hiện, cổ phiếu VTL đang dừng ở mức giá 12.200 đồng/cp.
 
Được biết, Vang Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Nước giải khát Thăng Long. Giai đoạn 2006 – 2010 là giai đoạn đỉnh cao của Vang Thăng Long với doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, duy trì ở mức trên dưới 70 tỷ đồng (cao nhất là năm 2010 với 96 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế ở mức 5 – 6 tỷ đồng.
 
Từ năm 2012 – 2017, tuy doanh thu có sự cải thiện nhưng lợi nhuận chỉ lẹt đẹt 1 – 3 tỷ đồng/năm (riêng năm 2012 lỗ 2,4 tỷ đồng).
 
Năm 2018, Vang Thăng Long thoát lỗ, tình hình sản xuất – kinh doanh có tín hiệu khả quan hơn khi doanh thu vọt lên 97 tỷ đồng; lãi sau thuế 13,7 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, ngay sau đó, tình hình kinh doanh của công ty quay đầu giảm. Giai đoạn 2019 – 2022, chỉ năm 2021 có lãi mỏng khoảng 400 triệu đồng, còn lại các năm lỗ lần lượt 13 tỷ đồng, 15 tỷ đồng và 35,7 tỷ đồng.
 
Có thể thấy, mặc dù Nghị định 100 (ban hành năm 2019) với nhiều chế tài mạnh đã khiến cho người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn và hạn chế sử dụng tất cả các loại đồ uống có cồn nên sức mua giảm, từ đó gây ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ cũng như kết quả kinh doanh của công ty, song cũng không thể phủ nhận một điều rằng, khó khăn của Vang Thăng Long còn xuất phát từ chính những vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Cùng với Diêm Thống Nhất, Giày Thượng Đình, Mì Miliket…, Vang Thăng Long là một trong những thương hiệu hàng nội “vang bóng một thời” nhưng đang đuối sức trong cuộc chiến giành giật thị phần với sản phẩm cạnh tranh, nhất là sản phẩm của nước ngoài.
 
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đa phần là doanh nghiệp đồ uống Việt Nam có quy mô nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực tài chính nên có đến 52% sử dụng công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, 38% trung bình, 10% hiện đại, chỉ có 2% sử dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất nước giải khát. Doanh nghiệp Việt cũng thiếu liên kết và chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các FTA… nên đang để doanh nghiệp nước ngoài “lấn sân” tại thị trường trong nước.
 
C.Anh