Viettel Global đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ dương đến tương đương năm 2020 (dựa trên các kịch bản dịch bệnh và chính trị – xã hội các quốc gia đầu tư), khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tăng trưởng doanh thu quý II tại Myanmar tăng lên mức 16 -17% như mục tiêu đề ra.
 
Sáng 25/6, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.
 
Năm 2020, công ty đạt 22.246 tỷ đồng tổng doanh thu (bao gồm phần lãi, lỗ trong công ty liên doanh liên kết), tăng 15,4% so với thực hiện 2019. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế cao nhất từ khi kinh doanh đến nay, đạt 1.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ở mức gần 560 tỷ đồng, trong khi năm 2019 công ty lỗ gần 641 tỷ đồng. Dòng tiền về Việt Nam năm 2020 cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 7.735 tỷ đồng (tương đương 332,8 triệu USD), tăng 28% so với năm 2019.
 
Năm 2021, Viettel Global đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2021 duy trì ở mức tương đương năm 2020, tức 20.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch từ dương đến tương đương năm 2020 (dựa trên các kịch bản dịch bệnh và chính trị – xã hội các quốc gia đầu tư), khoảng 1.200 tỷ đồng. Dòng tiền thu về Việt Nam dự kiến duy trì ở mức 5.700 – 6.900 tỷ đồng.
 
Ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch Viettel Global cho biết năm 2021 có những yếu tố chưa lường trước như việc kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia. Hiện giờ đang có biến chủng Covid-19 mới nên rất khó lường. Nếu có biến động lớn về dịch bệnh thì các nước sẽ đóng cửa, người dân sẽ khó khăn hơn dẫn đến nhu cầu thiết yếu như viễn thông cũng sẽ bị cắt giảm. Mục tiêu đặt ra cho ban điều hành là tăng trưởng nhưng rất thận trọng. Ban điều hành sẽ sát sao tại từng thị trường một, để chớp thời cơ đẩy mạnh kinh doanh nếu có thể. Mục tiêu trưởng cao hơn ngưỡng trung bình của quốc gia đó, vượt xa các đối thủ để bù lại những khó khăn.
 
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, công ty không chia cổ tức do vẫn còn đang lỗ lũy kế hơn 3.804 tỷ đồng. 
 
ĐHĐCĐ Viettel Global. Ảnh: Bảo Lâm.
 
Ông Tào Đức Thắng cho biết, đầu năm 2021, đặc điểm chung của thế giới có những điểm tích cực như có vaccine, các quốc gia có hoạt động kinh tế trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn những nguy cơ như có biến chủng mới, kinh tế hồi phục nhưng còn chậm, bất ổn chính trị ở một số quốc gia như Myanmar ảnh hưởng một phần đến Viettel Global. Sau những cố gắng của ban điều hành tại Myanmar hay HĐQT thì hiện thị trường này đã hồi phục tốt. Nếu tăng trưởng doanh thu những tháng quý I ở thị trường này khoảng 10% so với cùng kỳ thì đến hết quý II tăng lên mức 16 -17% như mục tiêu đề ra. Một số các quốc gia có dấu hiệu hồi phục đặc biệt là Lào, Campuchia đã kiểm soát được dịch bệnh. Tại châu Phi, Tanzania sau khi có tổng thống mới thì có dấu hiệu tích cực về đối ngoại, tăng trưởng doanh thu khoảng 36-37% so vơi cùng kỳ. Doanh thu tại Mozambique cũng tăng trên 20% và bắt đầu có lợi nhuận dương bền vững. KQKD tại Haiti cũng tốt. 
 
Năm 2021, công ty có kế hoạch tăng trưởng 3 triệu thuê bao. Ông Thắng cho biết việc tăng trưởng này sẽ đến từ một số thị trường tiềm năng như Myanmar, nếu không bị ảnh hưởng chính biến thì mục tiêu số 1 về thị phần. Dự địa tại thị trường này là rất lớn, dư địa thuê bao không chỉ viễn thông còn là lưu lượng data internet. Các thị trường dân số cao như Tanzania là cơ hội công ty có thể phát triển thuê bao. Các thị trường khác như Lào, Campuchia bão hòa nhưng vẫn tập trung duy trì thị phần.
 
HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh là buôn bán, xuất nhập nhẩu cafe. Công ty cho biết, do hiện nay một số thị trường đang thiếu hụt nguồn cung USD dẫn đến việc công ty con không có nguồn USD để trả nợ hợp đồng mua thiết bị với Viettel Global. Do đó, Viettel Global dự kiến ký hợp đồng thu mua cafe để thay thế cho nguồn USD cần thu từ công ty con. Việc thêm ngành nghề kinh doanh trên là để công ty có thể thực hiện các giao dịch nhập khẩu café từ công ty con.
 
ĐHĐCĐ tiến hành bầu thay thế thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Ông Nguyễn Đức Quang, ông Nguyễn Đạt, ông Lê Xuân Hùng và bà Nguyễn Thị Thanh Nga tham gia HĐQT thay thế cho ông Nguyễn Thanh Nam – Thành viên HĐQT, ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc, bà Đào Thúy Hường – Phó Chủ tịch HĐQT và bà Vũ Thị Mai – Thành viên HĐQT.
 
Ông Nguyễn Đức Quang, ông Lê Xuân Hùng, bà Nguyễn Thị Thanh Nga và Chủ tịch HĐQT Tào Đức
Thắng (áo đen). Ông Nguyễn Đạt đang công tác nước ngoài. Ảnh: Bảo Lâm.
 
Ông Nguyễn Đức Quang từng giữ các chức danh như Trưởng ban pháp chế, Trưởng ban chiến lược đầu tư nước ngoài của Viettel hay Tổng giám đốc các công ty Viettel Global, Viettel Cambodia.
 
Ông Nguyễn Đạt từng giữ chức Trưởng ban kỹ thuật của Viettel, Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới điện và hiện đang là Tổng giám đốc Công ty Movitel S A.
 
Ông Lê Xuân Hùng từng là Phó trưởng ban tài chính kế toán của Viettel, Kế toán trưởng của Viettel Peru.bCòn bà Nguyễn Thị Thanh Nga hiện đang là Phó trưởng ban đầu tư tài chính của Viettel.
 
Đại hội đồng cổ đông đã thông qua toàn bộ các tờ trình.
 
Bảo Lâm