Bên cạnh ghi nhận về lợi nhuận sau thuế giảm tới 98%, Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã: VCG) tiếp tục gây chú ý với phương án trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được cổ tức là 10 cổ phiếu phát hành thêm.
 
Với lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, Vinaconex sẽ phải phát hành thêm 48,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi đã trích lập các quỹ.
 
Sau khi phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức lần này, dự kiến vốn điều lệ của Vinaconex sẽ tăng từ 4.859 tỷ đồng lên gần 5.345 tỷ đồng.
 
 
Vinaconex tiếp tục gây chú ý với phương án trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. 
 
Trước đó, doanh nghiệp này vừa gây bất ngờ với giới đầu tư khi thông báo lợi nhuận sau thuế lao dốc mạnh dù cho doanh thu tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2023.
 
Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 1 của Vinaconex đạt 1.965,1 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt 18,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái khi doanh thu chỉ đạt 1.333,1 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ghi nhận tới 779,9 tỷ đồng. Có thể thấy rằng lãi sau thuế của công ty đã giảm tới 98%.
 
Nguyên nhân cho việc lợi nhuận giảm sâu là bởi trong quý 1 năm 2022, Vinaconex đã ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh, đạt tới 736,5 tỷ đồng trong khi năm nay chỉ còn 92,9 tỷ đồng. Phần chênh lệch này do công ty không còn khoản lãi tới 598 tỷ đồng do mua rẻ công ty con như cùng kỳ năm trước.
 
Cộng thêm vào đó là việc chi phí tài chính tăng cao lên tới 226,8 tỷ đồng, lỗ từ các công ty liên doanh liên kết lên tới gần 40 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận lên tới 86,7 tỷ đồng. Tất cả các chi phí gia tăng đã đè nặng lên doanh thu khiến công ty chỉ còn ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 18,8 tỷ đồng.
 
Tính tới hết quý 1 năm 2023, tài sản ngắn hạn của Vinaconex đạt 20.145,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh từ 1.710,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 950,8 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng lên 2.168,3 tỷ đồng cho thấy, công ty đang mang lượng lớn tiền đi gửi ngân hàng. Các khoản phải thu của khách hàng cũng đang chiếm tỷ trọng cao lên tới 2.298,6 tỷ đồng.
 
Cần phải lưu ý rằng, đây là khoản doanh thu mới chỉ nằm trên giấy tờ chứ Vinaconex chưa thực sự thu được tiền từ khách hàng. Trong khi đó, công ty đã phải bỏ tiền ra trả trước cho đối tác khác với tổng số tiền lên tới 4.976,9 tỷ đồng.
 
Phải thu ngắn hạn khác cũng tăng mạnh từ 716,6 tỷ đồng đầu kỳ lên 1.355,6 tỷ đồng. Đi kèm với đó là ghi nhận về các khoản phải thu khó đòi lên tới 1.130,5 tỷ đồng. Đây là phần doanh thu có thể bị mất do đối tác không có khả năng trả nợ.
 
Về cơ cấu nguồn vốn của Vinaconex, nợ phải trả vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn tới 22.550,2 tỷ đồng, tương đương với 69,4% tổng tài sản. Trong đó tổng số tiền mà Vinaconex đang đi vay nợ lên tới 14.114,5 tỷ đồng, cao vượt cả vốn chủ sở hữu.
 
Trên thị trường, chốt phiên ngày 10/5, cổ phiếu VCG đang dừng ở mức 19.700 đồng/cp.
 
C.Anh