6 tháng đầu năm nay, vượt qua nhiều khó khăn, Nhà máy Cốc hóa (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên – TISCO) tăng cường công tác quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết giảm chi phí để sản xuất – kinh doanh (SXKD) có hiệu quả. Qua đó đáp ứng chất lượng than cốc luyện kim, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của Công ty.
 
 
Công nhân kỹ thuật Phân xưởng Công nghệ luyện cốc kiểm tra hệ thống thiết bị trước khi than cốc ra lò.
 
Nhà máy Cốc hóa là đơn vị phụ trợ nằm trong dây chuyền luyện kim của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, với nhiệm vụ chính là sản xuất cốc luyện kim làm nguyên liệu cho lò cao sản xuất gang và vận hành điều tiết khí than, dầu cốc cho các nhà máy: Cán thép Thái Nguyên, Cán thép Lưu Xá và Công ty CP Cán thép Thái Trung.
 
Những tháng đầu năm, Nhà máy gặp nhiều khó khăn, do giá nguyên nhiên vật liệu có nhiều biến động, thị trường tiêu thụ thép ảm đạm, dẫn đến một số đơn vị thành viên của TISCO phải giảm sản lượng, nghỉ luân phiên…
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Tiền, Giám đốc Nhà máy Cốc hóa, thông tin: Ngoài những khó khăn chung, Nhà máy còn có những khó khăn đặc thù, như: nguồn than Phấn Mễ giảm (Mỏ than Phấn Mễ tạm dừng khai thác để chuyển đổi giấy phép – P.V), nguồn than nhập khẩu có thời điểm lượng tồn ít. Do đó, chúng tôi phải điều chỉnh phối liệu liên tục để phù hợp với điều kiện sản xuất.
 
Trong điều kiện đó, việc duy trì hoạt động sản xuất bình quân từ 56 buồng lò/ngày đêm, đảm bảo chất lượng cốc đáp ứng theo yêu cầu của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, trong bối cảnh thiết bị sản xuất của Nhà máy và lò cốc có tuổi đời sử dụng từ 26 đến 59 năm và công nghệ cũ là thử thách với cả đội ngũ Nhà máy Cốc hóa.
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD được giao, ngay từ những ngày đầu năm, Ban lãnh đạo Nhà máy đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời thực hiện rà soát, bổ sung, sửa đổi ban hành các quy chế, quy định trong sản xuất, xây dựng Đề án "Nhận diện đánh giá nguy cơ rủi ro trong công tác an toàn, vệ sinh lao động” để tăng cường công tác quản lý trong SXKD. Nhà máy cũng tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi công sửa chữa lớn nồi hơi 4 tấn/giờ, đổ bê tông nền kho chứa than nguyên liệu trên 10.000m2 và thi công hệ thống đường ống dẫn khí than lò cao sang Nhà máy Cán thép Thái Nguyên.
 
Ngoài ra, Nhà máy còn tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng thiết bị, gia công phụ tùng phục vụ sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất 3 ca liên tục, với mục tiêu duy trì hoạt động của 54-63 buồng lò/ngày đêm.
 
Nhờ những giải pháp cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2023, một số chỉ tiêu SXKD chủ yếu của Nhà máy Cốc hóa đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao, đáp ứng sản lượng, chất lượng than cốc luyện kim, dầu cốc và khí than cho các đơn vị trong Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
 
Giá trị tổng sản lượng đạt trên 62 tỷ đồng, bằng gần 50% kế hoạch năm; cốc luyện kim sản xuất gần 55.885 tấn; sản xuất than cốc 1-3mm đạt 1.227, bằng 61,35% kế hoạch năm; sản xuất than cốc 0-5mm đạt 459 tấn, bằng 76,5% kế hoạch năm; dầu cốc thô sản xuất 2.465 tấn, bằng 56,57% kế hoạch năm. Nhà máy hiện bảo đảm việc làm ổn định cho trên 390 lao động, với mức lương bình quân đạt trên 8,6 triệu đồng/người/tháng; không để xảy ra tai nạn lao động, sự cố công nghệ và sự cố về môi trường.
 
6 tháng cuối năm, Nhà máy Cốc hóa phấn đấu sản xuất 115.000 tấn than cốc luyện kim, 4.350 tấn dầu cốc thô, nâng cao chất lượng than cốc luyện kim…
 
Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch SXKD chủ yếu được giao, từ nay đến cuối năm, Nhà máy Cốc hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu giảm các tiêu hao chính, như than nguyên liệu, điện, nước, dầu diezen… Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thực hiện SXKD có hiệu quả, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
 
XH