Hội đồng quản trị của CTCP Thép Pomina (POM) mới thông qua nhu cầu vay vốn tại ngân hàng BIDV với tổng hạn mức vay là 700 tỷ đồng, nhằm bổ sung vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh.
 
Hội đồng quản trị công ty Thép Pomina vừa ra nghị quyết thông qua nhu cầu sử dụng tín dụng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chi nhánh TP HCM. Theo đó, CTCP Thép Pomina sẽ thực hiện quan hệ vay vốn, bảo lãnh và mở L/C tại BIDV chi nhánh TP HCM theo Hạn mức tín dụng ngắn hạn với số tiền 700 tỷ đồng.
 
Đối với số tiền hạn mức vay 700 tỷ đồng, theo nghị quyết HĐQT của Pomina, có thể có các đơn vị trực thuộc dùng chung nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
 
Trong đó, Nhà máy thép Pomina 1 được phép sử dụng chung trong tổng hạn mức tín dụng tối đa là 1.000 tỷ đồng. HĐQT Thép Pomina uỷ quyền cho ông Đỗ Hoài Khánh Linh, Tổng giám đốc nhà máy được toàn quyền quyết định nhu cầu vay, sử dụng hạn mức tín dụng ngắn hạn của nhà máy trong phạm vi được giao (700 tỷ đồng).
 
Pomina cũng giao Nhà máy luyện phôi thép, chi nhánh của CTCP Thép Pomina được phép sử dụng chung trong tổng hạn mức tín dụng tối đa là 700 tỷ đồng. Đồng thời uỷ quyền cho ông Đỗ Hoài Khánh Linh quyết định nhu cầu vay vốn, bảo lãnh, mở L/C tại ngân hàng và thực hiện thế chấp, cầm cố tài sản theo thoả thuận tại ngân hàng trong từng thời kỳ.
 
Tài sản đảm bảo cho việc vay vốn bao gồm: Quyền sử dụng đất (đất thuê 30 năm) với diện tích 42.890m2 (GCN QSDĐ số 902 cấp ngày 24/11/2000) tại lô M, KCN Sóng Thần II, huyện Dĩ An, Bình Dương; Quyền sở hữu nhà và văn phòng, căn tin và nhà xưởng tại lô M, KCN Sóng Thần II, huyện Dĩ An, Tỉnh Bình Dương; Máy móc thiết bị dùng trong ngành thép (dây chuyền cán thép).
 
Lô đất tại Khu công nghiệp Sóng Thần II, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương của Công ty Thép Pomina, với diện tích 42.890 m2, là đất thuê với thời hạn 30 năm, được cấp vào tháng 11/2000.
 
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mà công ty Thép Pomina mới công bố, đến ngày 30/6/2022, Thép Pomina đang ghi nhận khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 9.170 tỷ đồng, tăng 6% so với con số đầu năm 2022.
 
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đang là hai ngân hàng có khoản cho vay lớn nhất với Thép Pomina.
 
Với số dư khoản vay đến ngày cuối kỳ 30/6 của BIDV và VietinBank lần lượt là gần 2.443 tỷ đồng và 2.469 tỷ đồng, đều chiếm gần 27% tổng khoản vay của Thép Pomina.
 
 
Kết quả kinh doanh không khả quan
 
Theo báo cáo tài chính mà công ty Thép Pomina mới công bố, quý II/2022 Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.797 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3% so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, giá vốn hàng bán đạt 3.647 tỷ đồng, tăng 4,5%. Vì vậy, lợi nhuận gộp của Thép Pomina chỉ đạt gần 151 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ.
 
Quý II năm nay, tuy doanh thu tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ, lên 31,4 tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần so với cùng kỳ nhưng chi phí tài chính cũng ghi nhận mức tăng mạnh, 66% lên 189,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là khoản lãi vay đạt 123 tỷ đồng, tăng 24%.
 
Vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý này của Thép Pomina ghi nhận lỗ 62 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lợi nhuận đạt hơn 127 tỷ đồng.
 
Lũy kế cả 2 quý đầu năm, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 8.154 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán đạt 7.795 tỷ đồng, tăng trưởng 30%. Do mức tăng của giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 358,5 tỷ đồng giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Đồng thời các khoản doanh thu tài chính và chi phí tài chính đều ghi nhận mức tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt lần lượt 53 tỷ đồng và 296 tỷ đồng, tăng 278% và 47%. Tuy nhiên do giá trị tuyệt đối của khoản tăng chi phí tài chính lớn, nên lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2022 chỉ đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ.
 
Năm 2022, Thép Pomina này lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm 2022, công ty hoàn thành 54% kế hoạch doanh thu và 2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
 
Lý giải kết quả kinh doanh này, công ty Thép Pomina cho rằng do tình hình giá thép tại thị trường trong nước liên tục sụt giảm mạnh, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào vẫn còn giữ ở mức cao nên giá vốn hàng bán trong kỳ vẫn rất cao so với doanh thu.
 
Mới đây, giá bán thép trong nước đã ghi nhận lần giảm thứ 13 liên tiếp. Theo đó, nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường, trong lần giảm này, Thép Pomina đã có mức giảm mạnh nhất, với mặt hàng Thép cuộn CB240. Theo đó, giá mỗi tấn thép cuộn chỉ còn 14,98 triệu đồng/tấn, giảm tới 1,31 triệu đồng/tấn. Thép thanh vằn D10 CB300 cũng được giảm thêm 310.000 đồng/tấn xuống còn 16,39 triệu đồng/tấn.
 
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu POM tiếp tục giảm thêm 2,2% và giao dịch ở mức 7.650 đồng/cp, đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu trong tuần này. Cổ phiếu POM đã mất 52% từ vùng giá cao nhất kể từ đầu năm nay, ngày 4/3 và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt.
 
ANH THƯ