Đây là mục tiêu được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC đặt ra trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025.
 
 
Hướng tới vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam
 
Chủ tịch HĐQT VIMC – Lê Anh Sơn vừa ký ban hành Nghị quyết số 349/NQ – HĐQT về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư 5 năm giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP.
 
 
Theo đó, về tầm nhìn đến năm 2035, VIMC trở thành tập đoàn logistics đường biển tích hợp số 1 của Việt Nam, hàng đầu khu vực Đông Nam Á, có phạm vi hoạt động toàn cầu, phát triển trên nền tảng ba trụ cột chính là cảng biển, vận tải biển và logistics toàn cầu.
 
Trong giai đoạn 2021-2030, VIMC sẽ tập trung phát triển kinh doanh 3 lĩnh vực gồm: vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Phát triển dịch vụ chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – dịch vụ hàng hải. Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng.
 
Đến năm 2025, VIMC phấn đấu trở thành đơn vị hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chuỗi logistics tích hợp tại Việt Nam trên cơ sở khai thác tối ưu và tạo lập những lợi thế cạnh tranh hiện hữu và tiềm tàng.Đến năm 2030, VIMC sẽ giữ vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực Châu Á và có phạm vi hoạt động toàn cầu.
 
Đối với lĩnh vực vận tải biển, đến năm 2025, đội tàu của VIMC đạt trọng tải khoảng 1,5 triệu DWT, chiếm khoảng 20% trọng tải đội tàu biển Việt Nam; trong đó, phát triển đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 DWT (16.000 – 20.000 Teu), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam; sản lượng hàng container nội địa đạt 25% thị phần, giữ vị trí số 1 của vận tải biển container nội địa.
 
Đối với lĩnh vực cảng biển, VIMC đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có sản lượng hàng trung bình thông qua hệ thống cảng biển VIMC khoảng 136 triệu tấn/năm. Công suất hệ thống cảng biển đạt khoảng 150 triệu tấn thông qua, tổng chiều dài cầu bến đạt khoảng 15km, trong đó, hệ thống cảng cho tàu trọng tải lớn có tổng số 8 bến, chiều dài 2,5km, công suất 20 triệu tấn/năm.
 
Đối với lĩnh vực dịch vụ hàng hải, VIMC sẽ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng logistics gồm kho, bãi, trung tâm phân phối hàng hoá, đội xe vận tải bộ, sà lan với tổng diện tích kho, bãi khoảng 750.000m2, đội xe gồm 175 chiếc, sà lan từ 5-10 chiếc cỡ từ 64 teus đến 300 teus.
 
Hình thành chuỗi logistics tích hợp với ba trụ cột
 
 
Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của VIMC xác định: Phát triển sản phẩm dịch vụ logistics tích hợp trên nền tảng công nghệ số với 3 trụ cột là đội tàu vận tải biển, hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển, kho bãi và mạng lưới dịch vụ hàng hải.
 
Lĩnh vực cảng biển sẽ đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đảm nhiệm kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng.
 
Cụ thể, đối với lĩnh vực vận tải biển, doanh nghiệp có kế hoạch phát triển đội tàu thế hệ mới, chuyên dụng, có tính năng kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường, chuyển dịch cơ cấu đội tàu theo hướng tăng trọng tải tàu hàng container.
 
“Đối với cảng biển, VIMC sẽ tập trung đầu tư phát triển về chiều sâu đối với các cảng hiện hữu, hoàn thành các dự án trọng điểm, cấp thiết về cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị nhằm tăng lợi thế về quy mô.
 
Đồng thời, tập trung nguồn lực và huy động nguồn lực thông qua việc liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các đối tác lớn để đầu tư xây dựng mới các cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.
 
Doanh nghiệp cũng sẽ đầu tư phát triển hạ tầng kho bãi, ICD, depot… hình thành các trung tâm logistics lớn tại các khu vực kinh tế trọng điểm”, đại diện VIMC nhấn mạnh.
 
Bên cạnh các kế hoạch sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực cũng là yếu tố được Tổng công ty chú trọng.
 
Hướng tới những mục tiêu trong giai đoạn mới, VIMC khẳng định sẽ đổi mới trong công tác quản trị doanh nghiệp theo hướng tiếp cận và áp dụng những phương pháp, công cụ quản trị tiên tiến trên thế giới, tạo sự đột phá trong công tác quản trị thông qua việc từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị, kinh doanh, khai thác.