Tôi và một số đồng nghiệp được Tập đoàn Masan, “ông chủ” của Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên nhiều lần mời dự Đại hội đồng cổ đông thường niên và nhận thấy, mỗi lần đại hội là một lần Masan công bố một chiến lược phát triển mới, đi trước đón đầu.
 
 
Đoàn cán bộ xã Tiên Hội (Đại Từ) tham quan khu xử lý nước thải của Dự án Núi Pháo. Ảnh T.L
 
Điều đáng nói là tất cả các chiến lược mà Tập đoàn này đề ra đều hướng đến đích cuối cùng là phát triển xanh, phát triển sạch, phát triển bền vững vì môi trường. Đại hội đồng cổ đông năm 2023 cũng vậy, một chiến lược mới được đưa ra đó là áp dụng công nghệ tái chế vonfram hàng đầu của Đức vào Thái Nguyên.
 
Có thể khẳng định, ngoài Trung Quốc, vonfram tại Mỏ đa kim Núi Pháo Thái Nguyên có trữ lượng lớn nhất khu vực. Cách nay cả chục năm, khi tiếp quản Núi Pháo, Masan đã ngay lập tức tập trung đảm bảo vấn đề an sinh xã hội vùng dự án, đầu tư hệ thống xử lý môi trường khu vực khai khoáng.
 
Đơn vị này đã dành một số năm giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường, sau đó mới chính thức bắt tay vào công cuộc khai khoáng. Hiện, Núi Pháo không chỉ đơn thuần là dự án khai thác, tinh luyện đa kim mà còn là hình mẫu về sản xuất công nghiệp thân thiện với môi trường. Hằng năm, Núi Pháo đón cả chục đoàn tham quan, trải nghiệm.
 
Tác nghiệp nhiều lần ở Núi Pháo, cánh nhà báo chúng tôi thấy rất rõ sự minh bạch trong hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường của Dự án. Đã không ít lần để minh chứng cho tính ưu việt của hệ thống xử lý nước thải và nguồn nước sạch xả ra môi trường, đại diện chủ Dự án Núi Pháo đã múc nước tại khu vực cuối nguồn thải để uống trực tiếp trước sự ngạc nhiên của nhiều khách tham quan.
 
Chúng ta đều biết, nguồn tài nguyên khoáng sản không phải là vô tận, trữ lượng có hạn, khai thác mãi rồi cũng hết. “Ông chủ” của Núi Pháo cũng rất biết điều này, nên một mặt chủ trương khai khoáng, tinh luyện, một mặt đẩy mạnh công nghệ tái chế. Và Masan đã chọn Thái Nguyên để chuẩn bị cho chiến lược đầu tư tái chế vonfram, đồng thời lấy công nghệ của H.C. Starck (Đức) để ứng dụng sản xuất.
 
Theo Masan, nhà máy tái chế vonfram tại Thái Nguyên sẽ lớn nhất châu Á. Nguồn nguyên liệu đầu vào được lấy từ hoạt động thu hồi, tái chế phế liệu trong quá trình sản xuất vonfram và các nguồn phế liệu thu mua bên ngoài.
 
Một bước tiến xa hơn của Masan chính là tái chế từ vật liệu pin thải. Thông qua nguyên liệu pin, vật liệu in 3D đã qua sử dụng, đơn vị sẽ thu hồi thành phần vonfram. Công nghệ từ H.C. Starck sẽ không chỉ giải quyết tái chế vonfram toàn diện mà còn rất thân thiện với môi trường.
 
Theo các chuyên gia, công nghệ này sẽ liên tục được cải tiến, đổi mới trên cơ sở đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng công nghệ tái chế được kỳ vọng sẽ giúp giải bài toán về năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch cho xã hội.
 
Việc “ông chủ” Núi Pháo tiếp tục có dự định đầu tư một dự án công nghệ cao là điều đáng mừng với một tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Thái Nguyên. Và đáng mừng hơn là dự án này rất thân thiện với môi trường, điều mà trong chủ trương, quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh luôn đặt lên hàng đầu.
 
Rất hoan nghênh “ông chủ” Núi Pháo trong chiến lược hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn của mình đã chọn mảnh đất giàu tiềm lực, lợi thế như Thái Nguyên.
 
N.S