Trong muôn vàn khó khăn, Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành kế hoạch SXKD năm 2023.
Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ công ty (bìa trái) giới thiệu sản phẩm với khách hàng
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới suy giảm, xung đột chính trị giữa các nước lớn, lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, sức mua thị trường vì thế cũng trở nên yếu đối với mặt hàng không thiết yếu, việc đơn hàng mới giảm đang đặt ra thách thức đối với hoạt động SXKD của doanh nghiệp ngành gỗ.
Đông đảo khách tham quan gian hàng Gỗ Thuận An tại Hội chợ gỗ quốc tế Vifa Expo 2023
Trước dự kiến 2023 vẫn là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và Gỗ Thuận An nói riêng, tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài, bà Lê Thị Xuyến – TGĐ Công ty chia sẻ, do tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, các doanh nghiệp cạnh tranh về giá bán sản phẩm để lấy đơn hàng sản xuất làm mặt bằng chung giá bán đầu ra càng thấp gây khó cho công ty trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất. Điều này đòi hỏi công ty phải có nhiều giải pháp ngay từ đầu năm.
Trong đó mục tiêu hàng đầu là tập trung tìm kiếm đơn hàng sản xuất, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá hàng bán để có đơn hàng mới, có việc làm cho người lao động. Song song đó phải kiểm soát chặt chẽ định mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh.
Công ty sẽ tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015 và hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC; Kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của dự án Score với đề tài nghiên cứu “Sản xuất tinh gọn”, “Loại bỏ lãng phí trong ngành gỗ” và chương trình 5S của Nhật Bản nhằm tạo môi trường làm việc tốt; ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất, bán hàng và phát triển sản phẩm; ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu sản phẩm với khách hàng.
“Ngoài ra, công ty nỗ lực giữ vững khách hàng truyền thống và phát triển khách hàng tiềm năng; quan tâm các công tác thiết kế sản phẩm, sản xuất các sản phẩm mẫu do chính công ty tự thiết kế. Tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới bằng nhiều kênh: tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm của công ty trên các trang hội ngành gỗ… để có thêm khách hàng mới, đơn hàng mới đảm bảo kế hoạch SXKD và tạo việc làm cho người lao động”, bà Lê Thị Xuyến cho biết.
Năm 2022 mặc dù đơn hàng thiếu, doanh thu không đạt kế hoạch nhưng Gỗ Thuận An đã nỗ lực phấn đấu và đưa ra nhiều giải pháp, tiết kiệm chi phí tối đa nhằm đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, ổn định SXKD.
Theo đó, sản lượng gỗ phôi sơ chế năm 2022 của công ty đạt 30.146 m³, gỗ tinh chế 5.840 m³. Tổng doanh thu hơn 514,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 13 tỷ đồng, chia cổ tức 6%.
Mặc dù gặp khó khăn nhưng công ty luôn cố gắng đảm bảo việc làm cho gần 700 lao động với thu nhập bình quân gần 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, công ty thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động 24/24 đối với người lao động đang làm việc tại công ty và giải quyết đầy đủ các chế độ theo quy định cho NLĐ.
ĐÀO PHONG