Gelex đạt 960 tỷ lãi gộp, tăng 417 tỷ đồng nhờ đóng góp từ Viglacera.
Lãi sau thuế tăng 69% lên gần 344 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 239 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế tăng 79% lên 1.414 tỷ đồng.
Cuối quý III, nợ vay ngân hàng gấp đôi đầu năm lên hơn 7.100 tỷ đồng.
 
CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu tăng 28% lên 6.024 tỷ đồng. Giá vốn tăng ít hơn giúp lợi nhuận gộp tăng 77% lên 960 tỷ đồng. Theo giải trình, việc sở hữu Viglacera (HoSE: VGC) từ quý II đã đóng góp chung làm tăng lợi nhuận gộp 417 tỷ đồng. 
 
Kỳ này, mảng thiết bị điện tiếp tục tiếp tục chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu với 3.527 tỷ đồng, nhưng giảm 21%. Theo sau là doanh thu từ kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng (1.587 tỷ đồng) và cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp (627 tỷ đồng) sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera. Mảng năng lượng và nước sạch đem về 275 tỷ đồng, tăng 18%; đây cũng là lĩnh vực có biên lợi nhuận gộp cao nhất 49%.
 
Các chi phí đều cao hơn cùng kỳ, trong đó chi phí bán hàng và quản lý tăng hơn gấp đôi, chủ yếu do phí dịch vụ mua ngoài và nhân công tăng. Tuy vậy, lãi sau thuế vẫn tăng 69% lên gần 344 tỷ đồng; riêng lợi nhuận cổ đông công ty mẹ tăng 71% đạt 239 tỷ đồng
 
Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 59% lên 12.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 79% lên 1.414 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 836 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
 
Năm 2021 với việc hợp nhất Viglacera, Gelex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với thực hiện năm ngoái. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp vượt 10% kế hoạch lợi nhuận năm.
 
Đơn vị: tỷ đồng
 
Cuối tháng 9, tổng tài sản gấp đôi lên 54.273 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đạt 3.333 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần đầu năm chủ yếu là do tăng tiền thu từ phát hành cổ phiếu và đi vay. Giá trị hàng tồn kho gấp 3,5 lần cùng kỳ đạt 11.577 tỷ đồng gồm thành phẩm, nguyên vật liệu…
 
Chi phí dở dang hơn 9.535 tỷ đồng, gấp 9 lần đầu kỳ do tăng phí xây dựng tại dự án nhà máy điện gió Gelex 123 – Quảng Trị, nhà máy điện gió Hướng Phùng, dự án khu công nghiệp Yên Mỹ và Yên Phong II C của Viglacera, cùng các dự án khác.
 
Về đầu tư tài chính, khoản đầu tư ngắn hạn gấp 3 lần lên 5.354 tỷ đồng, phần lớn là giá trị đầu tư trái phiếu (gần 4.860 tỷ đồng). Bên cạnh đó, việc Viglacera trở thành công ty con của Gelex đã khiến khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm 3.758 tỷ đồng. Song tập đoàn cũng ghi nhận thêm vào khoản đầu tư vào các công ty liên kết của Viglacera như Kính siêu trắng Phú Mỹ, Kính nổi Việt Nam, SanVig, Gạch ngói Từ Sơn, Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera… 
 
Nợ vay tài chính tăng 61% lên 19.488 tỷ đồng do vay ngắn hạn ngân hàng gấp đôi đầu năm lên 7.144 tỷ đồng. Về cơ cấu nợ, hơn 64% là khoản vay ngân hàng, 32% là dư nợ trái phiếu, còn lại là khoản vay đối tượng khác.
 
Tính đến cuối quý III, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 59% so với đầu năm, đạt hơn 3.029 tỷ đồng. Thặng dư vốn cổ phần tăng từ 13 tỷ lên 664 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển cũng tăng từ 76 tỷ lên gần 107 tỷ đồng. Vốn điều lệ cũng tăng 60%, ở mức 7.811 tỷ đồng sau khi chào bán gần 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp. 
 
Thảo Anh