Doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu cơ bản như vật liệu hàn, cao su, ván gỗ… của Việt Nam đã dần khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế những năm qua và đang có lợi thế khi các ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch.
 
Theo dự báo của Bộ Công Thương nhu cầu của các thị trường lớn trên thế giới đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức khá cao, sau khi các nước đã triển khai tiêm vaccine mạnh mẽ và dần mở cửa trở lại, đi kèm với các gói kích thích kinh tế. Từ cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã ước tính kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6% trong năm 2021. Trong khi tại Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đầu tháng 6, con số dự báo là 5,6%, thay cho mức 4,1% hồi đầu năm. Quá trình phục hồi này nhìn chung đang mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những đơn vị cung cấp sản phẩm là đầu vào cho ngành sản xuất.
 
Đơn cử như câu chuyện tại Tập đoàn Kim Tín, doanh nghiệp đầu ngành trong mảng sản xuất và kinh doanh vật liệu hàn (que, dây hàn, thiết bị hàn…) và hiện đã gây dựng tên tuổi trong các lĩnh vực vật liệu cơ bản khác như ván gỗ ép, sản phẩm sau ván, đinh, dụng cụ cầm tay… Kết thúc 6 tháng đầu năm, Kim Tín đã xuất khẩu hơn 22.000 tấn sản phẩm các loại, gấp hơn 4,4 lần cùng kỳ và cao hơn con số tổng thực hiện của cả năm 2020. Doanh thu từ các thị trường ngoài Việt Nam thậm chí đã vượt cả năm ngoái, trong khi tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng mạnh từ 3,2% năm 2019 đến 13,2% trong 6 tháng đầu năm 2021.
 
6 tháng đầu năm 2021, Kim Tín đã xuất khẩu hơn 22.000 tấn sản phẩm các loại, gấp hơn 4,4 lần cùng kỳ và cao hơn con số thực hiện của cả năm 2020. Ảnh: Kim Tín
 
Kim Tín hiện nắm giữ hơn 45% thị trường vật liệu hàn nội địa và thuộc top 15 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong ngành này. Theo báo cáo đánh giá thị trường vật liệu hàn, đây là thị trường còn khá phân mảnh bởi tên tuổi lớn nhất trên thế giới hiện cũng mới nắm giữ khoảng 14% thị phần. Bởi vậy, khi thị trường sản xuất trên thế giới phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực như xây dựng, công nghiệp nặng, công nghiệp ô tô… thì nhu cầu và cơ hội dành cho những nhà sản xuất tại các quốc gia có giá thành và chất lượng cạnh tranh như Việt Nam là rất lớn. Bản thân Tập đoàn cũng đang tận dụng ưu thế trong sản xuất cũng như hệ sinh thái của mình để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm vật liệu cơ bản khác như ván MDF và các sản phẩm sau ván… ra thị trường thế giới.
 
Câu chuyện của Kim Tín không phải đơn lẻ khi theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 185,3 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm trước, với 27 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD. Cơ quan quản lý nhìn nhận cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.
 
Khác với các năm trước, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm, cao hơn so với mức 86,1% năm 2020, 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm vật liệu cơ bản do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã dần khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.
 
Một số đơn vị trong ngành chế biến chế tạo sản phẩm công nghiệp khác cũng ghi nhận kết quả lạc quan như Cao su Đà Nẵng (HoSE: DRC) đạt doanh số gần gấp đôi cùng kỳ năm trước và tăng 43% so với quý I. Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm như lốp radial hay lốp bias đều tăng 80-160% so với cùng kỳ năm trước. Hay như chia sẻ của lãnh đạo Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT) là việc “nhận đơn hàng đến dồn dập” từ nửa cuối năm trước đến nay. Tính đến đầu tháng 7, doanh nghiệp này đã hoàn thành 86% kế hoạch nhận đơn hàng cả năm.
 
Đảm bảo chất lượng, uy tín, cũng như nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu là bí quyết để doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu vào thị trường quốc tế. Ảnh: Kim Tín
 
Theo các doanh nghiệp tăng trưởng không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh ở những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc…
 
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Kim Tín cho rằng mấu chốt để doanh nghiệp có thể tham gia sâu vào những ngành nghề đặc thù, mang tính chất đầu vào cho sản xuất lớn trên thế giới, là việc ưu tiên đảm bảo chất lượng, uy tín, cũng như nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu. Để củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng vật liệu hàn cũng như theo kịp xu hướng trên toàn cầu, Kim Tín sẽ tiếp tục đầu tư nâng năng lực sản xuất lên 200.000MT/ năm giai đoạn 2022-2025 phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Bên cạnh thị trường hiện tại, doanh nghiệp có định hướng mở rộng sang các thị trường khác như Nga, Úc, Nam Mỹ, Châu Âu, những thị trường có thị phần phân mảnh và yêu cầu nhất định về chất lượng sản phẩm để không phụ thuộc hoàn toàn vào giá.
 
Bộ Công Thương dự báo hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Đặc biệt, những hiệp định như CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, ở các nước Mỹ và EU đang dỡ bỏ một phần hoặc toàn bộ lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp, tiêu dùng có thế mạnh.
 
Thu Hằng