Trong tháng 7/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An là đại diện duy nhất của ngành bất động sản phát hành trái phiếu. Hà An là chủ đầu tư Opal Skyline, dự án đã bị mang đi cầm cố tại Vndirect.
Nợ hơn nửa tỷ đô
Trong tháng 7/2022, thị trường ghi nhận duy nhất doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu là Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An (Công ty Hà An). Giá trị phát hành là 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.
Trước khi gánh thêm khoản nợ 210 tỷ đồng này, Công ty Hà An đã gánh “núi nợ” lên đến hơn nửa tỷ đô. Cụ thể, tại ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của Hà An đạt 14.079 tỷ đồng (khoảng 595 triệu USD), cao gấp 1,76 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 63,8% tổng nguồn vốn của Công ty. Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, nợ phải trả tại Công ty tăng siêu tốc, tăng thậm chí còn mạnh hơn cả vốn chủ sở hữu.
Công ty Hà An thành lập ngày 23/2/2018 tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương, có người đại diện pháp luật là ông Lê Văn Hưng. Tại ngày cuối cùng của năm đầu hoạt động, nợ phải trả Hà An chỉ là 41,9 triệu đồng. Như vậy, sau 3 năm, chỉ tiêu này đã tăng đến… 352 lần. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Công ty “chỉ” tăng 40 lần lên 7.999 tỷ đồng.
Công ty Hà An là chủ đầu tư dự án Opal Skyline ở Bình Dương. Dự án nằm trên khu đất rộng 10.204,4m2 với 2 tháp A và B cao 36 tầng, gồm 1.506 căn hộ và 24 căn thương mại dịch vụ. Giá bán mỗi căn hộ Opal Skyline dao động từ 1,2 tỷ đồng.
Trong 3 năm đầu hoạt động, nguồn thu của Công ty Hà An là không đáng kể, chỉ đạt 739 triệu đồng trong năm 2019 và không ghi nhận doanh thu trong năm 2018 và 2020. Chính vì vậy, 3 năm này, Hà An thua lỗ lần lượt 560 triệu đồng, 1,7 tỷ đồng và 168 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2021, thời điểm dự án Opal Skyline được rao bán trên mạng xã hội, Hà An ghi nhận doanh thu tăng vọt lên 6.890 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty đạt 1.170 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Cầm cố dự án Opal Skyline
Có thể thấy, một trong những vấn đề của Công ty Hà An là nợ rất lớn. Để nhận được những khoản nợ khổng lồ, Hà An phải mang nhiều tài sản đi cầm cố. Trong đó có dự án Opal Skyline tại Bình Dương. Cần nhấn mạnh, “chủ nợ” không phải ngân hàng mà là một Công ty chứng khoán.
Cụ thể, ngày 12/3/2021, Hà An đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty Cổ phần chứng khoán Vndirect. Tài sản đảm bảo là “Toàn bộ các quyền tài sản thuộc sở hữu của Bên Thế chấp liên quan việc phát triển, khai thác Dự án Opal Skyline”.
Quyền tài sản bao gồm: Quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng góp vốn xây dựng nhà ở, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng kinh doanh nhà ở, hợp đồng cho thuê, hợp đồng cho thuê mua nhà ở mà Bên Bảo đảm sẽ giao kết với bất kỳ bên thứ ba nào; và các lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm và các lợi ích khác thu được từ các tài sản này; Lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm, số tiền bảo lãnh, tiền bồi thường phát sinh từ các hợp đồng thầu liên quan đến Dự án Opal Skyline bao gồm cả lợi tức, quyền được nhận số tiền bảo hiểm theo các hợp đồng bảo hiểm mà Bên Bảo đảm mua trong quá trình khai thác và phát triển Dự án Opal Skyline; Lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất của Dự án Opal Skyline; Các khoản phải thu, các khoản phí mà Bên Bảo đảm thu được trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển Dự án Opal Skyline.
Ngoài ra, Công ty Hà An phải cầm cố thêm số dư tiền gửi ngân hàng và Toàn bộ phần vốn góp thuộc sở hữu của Bên Bảo đảm, tương đương 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH Charm & CI.
Trong năm 2021, Công ty Hà An liên tục đi vay vốn. Bước sang 2022, hành trình này tiếp diễn. Cho tới nay, Công ty đã có ít nhất 2 hợp đồng vay vốn với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Tài sản đảm bảo là cổ phần tại Công ty Cổ Phần Hội An Invest.
Ninh Nhi