Với việc dự kiến mở lại hoạt động hàng không quốc tế bình thường từ quý 3/2022, cổ phiếu hàng không liệu có “cất cánh” trong năm 2022?
Đặt nhiều kỳ vọng
Nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng mạnh, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ phương án nối lại hoạt động hàng không nội địa với 4 giai đoạn cụ thể. Hiện tại, hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn 3 của kế hoạch mở cửa bầu trời. Đối với hàng không quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam đã trình phương án nối lại hoạt động theo 4 giai đoạn. Để tái khởi động các chuyến bay quốc tế, Chính phủ đã đồng ý phương án thí điểm đón khách nước ngoài có hộ chiếu vaccine đến Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang… khi các thành phố này đạt đủ tỷ lệ bao phủ vaccine. Theo kế hoạch, đường hàng không quốc tế Việt Nam sẽ có thể trở lại hoạt động bình thường kể từ quý 3/2022.
CTCK VNDirect kỳ vọng với những kế hoạch cụ thể trong việc nối lại giao thông hàng không trong nước và quốc tế, cùng với những dấu hiệu tích cực gần đây trong việc kiểm soát đại dịch và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, hàng không trong nước và quốc tế của Việt Nam có thể dần phục hồi từ quý 4/2021 và quý 1/2022. Do ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4, tổng lượng khách nội địa trong năm 2021 của Việt Nam có thể giảm 43,9% so với cùng kỳ và tổng lượng khách quốc tế có thể giảm 85,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về rủi ro của ngành này, VNDirect cho rằng có ba rủi ro chính mà các doanh nghiệp hàng không đang phải đối mặt, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành hàng không:
Thứ nhất, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã được Chính phủ từng bước kiểm soát. Tuy nhiên, rủi ro tiềm ẩn của một đợt bùng phát khác vẫn tồn tại, có thể dẫn đến lượng hành khách nội địa thấp hơn dự kiến và việc nối lại lưu lượng quốc tế chậm hơn dự kiến, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn cho ngành hàng không.
Thứ hai, hiện tại, giá dầu Brent đã tăng 67% lên khoảng 83 USD/thùng kể từ đầu năm 2021 do kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ. Giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí khai thác của các hãng hàng không cao hơn, điều này có thể làm tăng giá vé và giảm nhu cầu đi máy bay.
Thứ ba, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình dự thảo phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2022. Theo VNDirect, nếu dự thảo được thông qua, việc áp giá sàn đối với vé máy bay nội địa sẽ làm giảm lượng vé rẻ và giảm sức cạnh tranh của mô hình hãng hàng không giá rẻ, trong đó có VJC. Điều này cũng có thể cản trở kế hoạch kích cầu du lịch và hàng không của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Chuyên gia của VNDirect đưa ra nhận định rằng trong thời gian tới khi thế giới cũng như Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh, ngành hàng không được dự báo sẽ có bước nhảy mạnh mẽ, đặc biệt trong năm 2022-2023 khi các doanh nghiệp hàng không sẽ phục hồi mạnh và tăng trưởng trở lại. Do đó, chuyên gia cho rằng đây là thời điểm tốt để bắt đầu tích lũy cổ phiếu ngành hàng không cho triển vọng đầu tư trung và dài hạn. “Chúng tôi lựa chọn các đại diện xuất sắc nhất của từng phân khúc với tốc độ tăng trưởng mạnh và nhiều tiềm năng trong 2022-2023 bao gồm: ACV, SCS, VJC, AST".
Đầu tư như thế nào?
Theo quan điểm của ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), đối với nhóm cổ phiếu hàng không trong ngắn hạn sẽ có sóng, tuy nhiên, sóng này sẽ rất ngắn. Bao giờ một sóng cổ phiếu cũng phải phản ánh đúng bản chất của sự hồi phục của nền tảng cơ bản. Nó cũng sẽ xoay quanh yếu tố định giá của các cổ phiếu.
Với nhóm hàng không, trong 2 năm qua nhóm này đã trải qua khoảng thời gian khá tệ, thậm chí Vietnam Airlines (HVN) còn âm cả vào vốn chủ sở hữu. Như vậy, có thể thấy, với việc khôi phục lại các đường bay có thể tạo ra một đợt sóng đầu cơ đối với nhóm cổ phiếu này. "Gọi là sóng đầu cơ do hiện tại kết quả kinh doanh của nhóm này đã đỡ xấu nhưng nó vẫn chưa phải một yếu tố thúc đẩy và tạo ra sóng tăng trưởng bền vững cho nhóm này. Cộng với đó là bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa giảm đáng kể và chúng ta còn chưa biết liệu có xuất hiện thêm biến chủng mới của COVID-19 hay không nhưng vẫn có điểm sáng", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Về xu hướng của biến động của nhóm cổ phiếu hàng không, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam nhận định, trong ngắn hạn, có thể sẽ xuất hiện đợt sóng ngắn đầu cơ với nhóm cổ phiếu hàng không. Còn trong trung hạn, "Với yếu tố suy giảm trong thời gian qua chúng tôi nâng mức giảm lên trung tính đối với nhóm này. Có nghĩa rủi ro giảm thêm của nhóm này đã giảm dần khi thế giới và Việt Nam có tỉ lệ tiêm vắc xin khá cao và với việc chấp nhận sống trong giai đoạn bình thường mới khi dịch bệnh vẫn còn hiện hữu trên thế giới", ông Thế Minh nhận định.
"Tôi cho rằng giai đoạn hiện tại sẽ là giai đoạn nhóm cổ phiếu này đi vào chu kỳ tích lũy và tạo ra một mặt bằng cho tới khi nào tình hình kết quả kinh doanh được khôi phục hoàn toàn so với thời điểm trước năm 2019 thì có thể giúp nhóm cổ phiếu hàng không quay trở lại đường đua trong giai đoạn tới", ông Minh nói thêm.
Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, ông Thế Minh cho rằng, trong giai đoạn hiện tại với một cổ phiếu có trạng thái rủi ro giảm thì với các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu hàng không chúng ta có thể tiếp tục duy trì trạng thái nắm giữ và nếu tham gia mua mới nó sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ nguồn vốn phân bổ hiện tại của chúng ta cũng như chiến lược đầu tư trong ngắn, trung và dài hạn.
"Với nhà đầu tư trong ngắn hạn, tôi cho rằng, với một sóng đầu cơ cổ phiếu của nhóm cổ phiếu hàng không chúng tôi xin lưu ý nếu nhà đầu tư không có khẩu vị rủi ro cao không nên đua theo những đợt sóng này", ông Minh khẳng định.
Nhưng đối với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp, trong giai đoạn này phù hợp với tầm nhìn đầu tư trung hạn so với ngắn hạn lướt sóng. Bởi chiến lược ngắn hạn lướt sóng cần lưu ý sóng tăng của nhóm hàng không kết thúc rất nhanh do rủi ro việc đóng cửa đường bay có thể diễn ra lần nữa. Rủi ro giảm điểm của nhóm hàng không có thể không còn nhiều nhưng lưu ý khả năng hồi phục ngay lập tức chưa thể xảy ra trong giai đoạn này. Do đó, đối với nhà đầu tư đang nắm giữ nên tiếp tục nắm giữ trong giai đoạn hiện nay, với nhà đầu tư muốn mua mới hoặc gia tăng tỉ trọng nên đợi xem thêm tình hình kinh tế quý 1 và quý 2/2022.
NGUYỄN LONG