Đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ năm của nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2023 và kéo dài dưới 50 ngày.
 
 
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ năm của nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 4/2023 và kéo dài dưới 50 ngày.
 
Theo đó, đợt bảo dưỡng tổng thể lần thứ năm của nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ có tổng cộng 6 gói thầu chính do các nhà thầu trong nước và quốc tế đảm nhiệm và các gói thầu do chủ đầu tư là BSR tự thực hiện (gói thầu Inhouse).
 
6 gói thầu chính có tổng cộng 2.674 đầu mục công việc thực hiện bảo dưỡng; gói Inhouse của BSR có 5.036 đầu mục công việc thực hiện bảo dưỡng như hệ thống máy nén, thiết bị quay, tự động hóa, thiết bị điện.
 
Gói thầu số 1 tập trung bảo dưỡng tổng thể cụm phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) do liên danh Nhà thầu Falkor- PSTC- Boiler Master đứng đầu. Gói số 1 là gói thầu tập hợp các công việc khó nhất về mặt kỹ thuật.
 
Gói thầu số 2 do liên danh PTSC Quang Ngai – Newwin đứng đầu. Gói thầu số 3 do liên danh Boiler Master – DMC đứng đầu; gói thầu số 4 do PVMR – PME thực hiện; gói thầu số 5 do PVMR – Toan Thang thực hiện và gói thầu số 6 do PTSC – PVMTC thực hiện.
 
Theo Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương, sau 4 lần thực hiện bảo dưỡng tổng thể, số ngày bảo dưỡng đã được rút ngắn dần nhờ các nhà thầu và BSR đã có nhiều kinh nghiệm triển khai. Cụ thể, bảo dưỡng tổng thể lần thứ nhất vào năm 2011 kéo dài trong 60 ngày, lần hai vào năm 2014 kéo dài trong 54 ngày; lần ba vào năm 2017 kéo dài trong 52 ngày; lần thứ tư vào năm 2020 kéo dài trong 51 ngày và lần thứ năm vào năm 2024 đặt mục tiêu dưới 50 ngày.
 
Hiện nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nhiều cơ hội để tối ưu hóa trong quá trình vận hành và các đợt bảo dưỡng tổng thể. Tất cả nhà thầu trong nước và quốc tế cùng nhân sự BSR quyết tâm thực hiện bảo dưỡng tổng thể lần 5 với chất lượng, tiến độ cao nhất để nhà máy Dung Quất hoạt động an toàn, ổn định.
Sau lần bảo dưỡng tổng thể lần 5 này, nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ nâng thời gian giữa các kỳ bảo dưỡng tổng thể là 4 năm – đồng bộ với Dự án nâng cấp và mở rộng đang được triển khai.
 
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư xây dựng từ tháng 6/2005. Tháng 5/2008, PVN thành lập BSR để tiếp nhận, quản lý, vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
 
Nhà máy có công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm với thiết kế ban đầu dùng nguyên liệu chính là dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Đến nay, sau 15 năm hoạt động, nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chế biến được hơn 94 triệu tấn dầu thô, bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 44.000 tỷ đồng và nộp ngân sách hơn 207.000 tỷ đồng. Hiện BSR có hơn 1.500 nhân sự có trình độ kỹ thuật cao.
 
Sắp tới đây, nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư 1,2 tỷ USD để mở rộng, nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.
 
Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V, tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ. Với việc mở rộng này, nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sử dụng được linh hoạt các nguồn dầu thô khác nhau cho chế biến, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
 
Theo kế hoạch, dự án mở rộng, nâng công suất chế biến sẽ triển khai hợp đồng EPC trong 37 tháng, dự kiến đưa vào vận hành trong quý 1/2028./.
 
Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN