Tính đến hiện tại, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/06/2023 là 16 nghìn tỷ đồng.
 
 
Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết trong thời gian qua, ngân hàng đã chủ động, quyết liệt triển khai các các giải pháp cụ thể góp phần tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp.
 
Đáng chú ý, BIDV đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để thực hiện đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn toàn hệ thống. Tính đến hiện tại, BIDV là một trong các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay lũy kế đến 30/06/2023 là 16 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên 5 nghìn tỷ đồng. 
 
Thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023, BIDV đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh; Tính đến 30/06/2023, tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại BIDV là khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
 
Đối với Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 và văn bản 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023 của NHNN, BIDV dành gói tín dụng quy mô 30 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
 
Đến thời điểm hiện tại, BIDV là ngân hàng đầu tiên công bố phê duyệt cấp tín dụng cho dự án nhà ở xã hội tại Phú Thọ. Bên cạnh đó, BIDV còn đưa ra gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay nhà ở thương mại giá trị thấp với lãi suất chỉ từ 8,5%/năm đối với chủ đầu tư và từ 7,8%/năm đối với người mua nhà.
 
Đầu tháng 7/2023, BIDV được NHNN chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023 và ngay lập tức BIDV đã kịp thời triển khai trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DN.
 
Ngoài ra, BIDV chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, thực hiện cơ cấu lại tài sản nợ-có, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, phí dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
 
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, BIDV còn chủ động miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ; chủ động số hóa nhằm tinh gọn quy trình, thủ tục cho vay; ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh.
 
Với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, tính đến 30/6/2023, toàn hệ thống BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% (cao hơn mức chung toàn ngành ngân hàng 4,73%), tương ứng dư nợ khoảng 1,6 triệu tỷ đồng; Riêng tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng 7,3%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối 60 nghìn tỷ đồng. Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm tỷ trọng 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp tăng 7,2% so với cuối năm 2022, tiếp tục dẫn đầu thị phần dư nợ SME trên thị trường./.
 
Lê Phương/BNEWS/TTXVN