Với những người thuộc thế hệ 8x, những chiếc bánh cam, bánh xốp là món quà một thời gắn với tuổi thơ với vị ngọt, thơm thân thương của ký ức. Những doanh nghiệp lớn lên từ thời bao cấp giờ ai còn ai mất?
 
Cuối giờ chiều, chị Nguyễn Thị Nga (thế hệ 8X) mở tủ lấy những chiếc bánh quy cam chia cho nhân viên công ty. Cả phòng nhiều người thế hệ như chị nên ai cũng thấy khá bất ngờ và thích thú với những chiếc bánh này. Còn nhóm trẻ hơn thì ngạc nhiên vì chưa từng ăn bao giờ.
 
Đã từ lâu mọi người đã quen với những chiếc bánh hộp sắt ngoại nhập, chiếc bánh cam bỗng dưng đánh thức cả bầu trời tuổi thơ. Với những người thuộc thế hệ 8x, chiếc bánh quy cam là đồ ăn một thời đi học bởi vị ngọt, thơm mùi cam. Mỗi gói bánh bán với giá 2.000 đồng thời điểm đó. 
 
“Bánh này ngày xưa hay mang theo đi học để ăn. Vẫn nhớ vị thơm ngọt của bánh này. Giờ mới được ăn lại”, một nhân viên cùng phòng chị Nga chia sẻ. 
 
Hiện, bánh quy cam là "đặc sản" được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử. Nhiều người trong đó có giới trẻ thế hệ 2K cũng thích thú với món bánh độc lạ của từ thời "ông bà già".
 
 
Những bánh quy cam này mang thương hiệu Hải Châu, một đơn vị có tuổi đời hàng thập kỷ. 
 
Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu, tiền thân là Nhà máy bánh kẹo Hải Châu được thành lập ngày 2/9/1965. Đến năm 1994, Nhà máy đổi tên thành Công ty bánh kẹo Hải Châu.
 
Sự lấn át của bánh kẹo ngoại ảnh hưởng lớn tới các công ty bánh kẹo trong nước như Hải Châu. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có hướng đi riêng để giữ vững định vị trong tâm trí người tiêu dùng. 
 
Ngoài những chiếc bánh quy cam, lương khô hay bột canh Hải Châu cũng gắn liền với nhiều thế hệ gia đình cho tới nay. 
 
Năm 2022, sản lượng gia vị thực phẩm đạt 22.653 tấn, bánh các loại 6.211 tấn. Doanh thu của Hải Châu đạt 794,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 14,57 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh Hải Châu dựa trên sản phẩm mẫu mã đẹp, hiện đại, chi phí thấp, giá phù hợp với nhiều phân khúc.
 
Trong đó, sản phẩm chiến lược là bột canh, lương khô, bánh quy, kem sộp, kẹo. Ngoài ra, Hải Châu còn có các sản phẩm chiến lược mới như bánh trung thu, snack, thạch, nước giải khát. 
 
Năm 2023, Hải Châu đặt mục tiêu doanh thu 931,24 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế là 16,8 tỷ đồng.
 
Cũng giống như những chiếc bánh cam của Hải Châu, bánh kem xốp Hải Hà cũng gắn liền với nhiều thế hệ. Ở thời điểm đó, những chiếc bánh kem xốp mềm, thơm vị hoa quả hấp dẫn trẻ con cũng như người lớn. Do điều kiện kinh tế nên không phải lúc nào có để ăn nên hương vị những chiếc bánh này in sâu đậm vào tâm trí nhiều người cho tới tận bây giờ.
 
Hải Hà cũng là doanh nghiệp đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển của Việt Nam, từ thời chiến tranh, đến những năm bao cấp, và sau đó là thời kỳ kinh tế Việt Nam đổi mới. Thương hiệu bánh kẹo Hải Hà đã ghi đậm với những ký ức nhiều thế hệ người Việt.
 
Thành lập từ năm 1960, Bánh kẹo Hải Hà có lịch sử phát triển lâu dài. Năm 2003, công ty thực hiện cổ phần hóa theo quyết định ngày 14/11/2003 của Bộ Công nghiệp.
 
Cũng như nhiều hãng bánh kẹo lâu đời của Việt Nam, Hải Hà cũng phải đối mặt với sức cạnh tranh lớn trên thị trường khi các ông lớn bánh kẹo quốc tế xâm nhập vào thị trường nội địa. Dù vậy, Hải Hà vẫn tận dụng là một thương hiệu lâu đời, đồng thời thay đổi chiến lực kinh doanh, mẫu mã sản phẩm ngày càng bắt mắt, khiến người tiêu dùng dễ nhận biết hơn.
 
Năm 2022, doanh thu của Bánh kẹo Hải Hà tăng 30% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng gần 10% so với năm 2021, đạt hơn 52,7 tỷ đồng.
 
Nhắc tới bánh kẹo không thể không nói tới hộp mứt “huyền thoại” Hữu Nghị gắn liền với nhiều thế hệ từ 8X trở về trước. Mỗi dịp Tết trong nhà không thể thiếu hộp mứt hình ngũ giácvới vỏ đỏ, in hình ba ông Tam đa, gói ghém cẩn thận trong chiếc túi bóng kính. 
 
Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị Food), tiền thân là “Nhà máy Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị”, được thành lập và đi vào hoạt động ngày 8/12/1997. Năm 2006, nhà máy Bánh kẹo cao cấp Hữu Nghị được cổ phần hóa. 
 
Ba năm sau đó, để phù hợp với định hướng phát triển trong giai đoạn mới, công ty đổi tên thành “Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị”. Đây là bước ngoặt quan trọng để Hữu Nghị “sống tốt” cho tới nay. 
 
Kết thúc năm 2022, doanh thu bán hàng của Hữu Nghị đạt 2.114 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 120 tỷ đồng, tăng 130% so với lợi nhuận năm 2021.
 
Không chỉ trong nước, sản phẩm bánh kẹo Hữu Nghị Food đã có mặt tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
 
Trong lĩnh vực thực phẩm, một cái tên khác là CTCP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket (CMN), chủ thương hiệu mì 2 tôm nổi tiếng. Năm 2022, Miliket có doanh thu 631 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay, trung bình mỗi ngày thu về 1,75 tỷ đồng.
 
Theo Miliket, hơn 93% nguồn thu đến từ nội địa, với các sản phẩm chính như mỳ tôm, cháo, hủ tiếu, phở gói. 
 
Miliket có mặt trên thị trường trước năm 1975 và gần như độc chiếm thị trường trong thời gian dài. Về cơ cấu, Miliket có 3 cổ đông đang nắm giữ 71% vốn điều lệ, trong đó hai cổ đông vốn nhà nước là Tổng công ty Lương thực miền Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
 
Đứng vững trước làn sóng thâu tóm
 
Không chỉ giành thị phần mà bánh kẹo Việt còn lao đao trước làn sóng thâu tóm của các đại gia ngoại. Đơn cử như câu chuyện của Công ty Cổ phần Bibica (BBC). Thành lập năm 1999, với tên ban đầu là Công ty Cổ Phần Bánh Kẹo Biên Hòa, Bibica là doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh kẹo mang thương hiệu Việt với nhiều sản phẩm nổi tiếng trên thị trường, nhập vào các siêu thị lớn.
 
Năm 2007, nhìn vào những triển vọng, ông lớn Hàn Quốc Lotte sẵn sàng trả giá cao để sở hữu cổ phần Bibica. Tại thời điểm đó, giá trên sàn là 70.000 – 80.000 đồng/cp, Lotte chấp nhận mua với giá 110.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn tại Bibica. 
 
Lợi thế của Bibica là mạng lưới phân phối rộng khắp, hệ thống nhà máy, cơ sở hạ tầng tốt, một thương hiệu nổi bật trong tâm trí người tiêu dùng.
 
 
 
Ngược lại, Bibica muốn có đối tác mạnh về tài chính, sự am hiểu ngành, một thương hiệu quốc tế hàng đầu trong khu vực châu Á, mà dựa vào đó có thể giúp nâng tầm kinh doanh.
 
Lotte khiến cho Bibica một thời gian chao đảo khi doanh nghiệp của Hàn Quốc có ý định thâu tóm. Ban lãnh đạo của Bibica đã không đồng ý về mối "kết duyên" thân tình ngày càng sâu đậm với Lotte.
 
Sau khi, nhiều lần từ chối với Lotte, cuối cùng Bibica đã chấp nhận về tay PAN, một doanh nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp này sở hữu trên 50% cổ phần Bibica vào năm 2017 và hơn 98% vào năm 2022. 
 
Sau những sóng gió đó, Bibica thay đổi nhiều về chiến lược kinh doanh và mở rộng thị phần. Năm 2022, sản phẩm của công ty đã được bán tại 160 nhà phân phối tới 150.000 điểm bán trên 63 tỉnh thành trong cả nước.
 
Các mặt hàng phong phú cũng vươn tới nhiều thị trường quốc tế quan trọng (hơn 15 quốc gia) bao gồm Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mongolia, … với doanh thu thị trường xuất khẩu tăng trưởng hơn 30% so với năm 2021.
 
Năm 2022, Bibica có doanh thu và lợi nhuận cao đột biến. Theo đó, doanh thu trong cả năm 2022 đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng 761% so với năm 2021, đạt hơn 192 tỷ đồng. Nhiều nhãn hiệu của Bibica đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu bánh kẹo ngoại.
 
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các doanh nghiệp bánh kẹo của Việt Nam luôn ở mức cao. Cổ phiếu BBC của Bibica cũng luôn duy trì ở mức cao trong suốt 3 năm qua với biên độ giao động khoảng 15%, luôn ở mức 60.000 đồng/cp. Cổ phiếu BBC đạt mức đỉnh trên 70.000 đồng/cp hồi đầu tháng 6/2022.
 
Thị giá cổ phiếu HHC của Bánh kẹo Hải Hà vẫn duy trì ở mức cao, trên 75.000 đồng/cp. Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, cổ phiếu HHC luôn trên mức 90.000 đồng/cp.
 
Hay như cổ phiếu HNF của Bánh kẹo Hữu Nghị cũng ổn định quanh vùng 25.000 đồng/cp trong suốt 3 năm trở lại đây. Cổ phiếu này từng vọt lên mức đỉnh 115.000 đồng/cp vào phiên ngày 1/2/2019.
Trong khi đó, Miliket vừa công bố thông tin chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt lên đến 26%, tương đương với mỗi cổ phiếu nhận 2.600 đồng.
 
Có thể thấy, các tên thương hiệu bánh kẹo lớn của Việt Nam đã bền bỉ sau hàng chục năm đi qua những biến động của thị trường để tồn tại và đứng vững trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của hàng nhập ngoại.
 
Ngọc Cương – Duy Anh