Đến cuối tháng 6/2023, ngành dệt may vẫn ghi nhận khó khăn với đơn hàng sụt giảm, dẫn tới giảm lợi nhuận. Trong bối cảnh như vậy, Công ty CP Damsan (HoSE: ADS ) trở thành điểm sáng hiếm hoi.
 
Trường hợp ADS khiến không ít nhà đầu tư có sự so sánh về định hướng chiến lược của các ông lớn ngành dệt may, như TNG, TCM, GIL
 
 
Đi ngược bức tranh xám của ngành
 
Ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 45 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu 2023, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt hơn 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Trong quý 2/2023, Damsan vẫn ghi nhận tăng trưởng doanh thu thuần mạnh mẽ 67% so với cùng kỳ, đạt 676 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 33% lên 58 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, doanh thu tăng là do nhà máy sợi An Ninh đi vào hoạt động và doanh thu bất động sản từ Khu đô thị Phú Xuân tăng 30% so với cùng kỳ.
 
 
Kết quả, Damsan ghi nhận lãi sau thuế tăng 39% lên 25 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Damsan ghi nhận doanh thu thuần đạt 970 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng. Theo đó, đã thực hiện được 33% doanh thu và 43% lợi nhuận theo kế hoạch năm.
 
Damsan có 1 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chính dệt sợi với tỷ lệ cổ phần chi phối 80%, 4 công ty liên kết, trong đó đáng chú ý là Công ty Đầu tư An Ninh với nhà máy sợi An Ninh Thái Bình, với máy móc công nghệ từ Đức góp phần nâng cao công suất, giảm chi phí vận hành, nhân công.
 
Nhà máy này, cùng với thông tin về CTCP Sợi EIFFEL – công ty con của Damsan được lựa chọn làm chủ đầu tư cụm công nghiệp Ninh An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, giúp Damsan nổi lên so với các doanh nghiệp cùng ngành vẫn đang loay hoay giải bài toán thiếu đơn hàng.
 
25 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của Damsan, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.
 
Động lực tăng trưởng
 
Trước đó, mảng cốt lõi sản xuất sợi và khăn của Công ty đã ghi nhận sự phục hồi từ đầu quý 1/2023, nhờ sản lượng xuất đi Trung Quốc, Nhật Bản tăng cao.
 
 
Được biết, Damsan đã nhận đơn hàng quý 3 kín và dự kiến sẽ còn phủ tốt trong giai đoạn cuối năm nay – thời điểm thị trường may mặc chuẩn bị hàng tồn kho cao cho nhu cầu cho các dịp lễ, theo thông tin của một đơn vị tư vấn đầu tư độc lập.
 
Đây có lẽ cũng là tin tốt đối với cổ đông ADS trong bối cảnh ngành dệt may vẫn đang hồi hộp chờ thời điểm hàng tồn kho của các thị trường nhập khẩu chủ lực vơi đi, bổ sung lượng hàng mới; cũng như sẵn sàng phục vụ nhu cầu hàng mới khi thời trang dệt may có thời điểm qua mùa.
 
Ngoài dệt may, công ty còn có mảng sản xuất tấm pin mặt trời, được xem sẽ là động lực tăng trưởng của ADS từ quý 3/2023, khi Damsan sở hữu 33% cổ phần tại AD Green và lên kế hoạch sở hữu 52% AD Green trong năm nay. Đây là mảng sản xuất tấm pin mặt trời xuất khẩu đi EU và Mỹ trong bối cảnh Mỹ đồng ý miễn thuế 0% trong vòng 2 năm đối với cho các tấm pin năng lượng mặt trời xuất xứ từ Việt Nam.
Nhưng bước “lội ngược dòng” của ADS chưa chắc chắn và còn nhiều thách thức khi kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn rủi ro suy thoái và lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
 
Trường hợp Damsan khiến không ít nhà đầu tư có sự so sánh về định hướng chiến lược của các ông lớn ngành lớn dệt may, từ TNG, TCM, GIL… Tất cả đều có chung các lĩnh vực từ cốt lõi dệt may, mở rộng sang đầu tư bất động sản và cả năng lượng. Phải chăng đang ngược dòng phải chăng do sự chọn lựa thị trường cho mảng cốt lõi có kỳ vọng phục hồi sớm hơn, cũng như các mảng kinh doanh mới “đánh thẳng” vào dự án tạo động lực tăng trưởng?
 
LÊ MỸ