Thanh tra Chính phủ xác định Tổng công ty Lilama chưa thực hiện dứt điểm việc thoái vốn với các đầu tư ngoài ngành, xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, không chính xác…
 
Làm trái quy định của Chính phủ
 
Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama) theo đề án tái cơ cấu được Bộ Xây dựng phê duyệt tại quyết định số 26/QĐ-BXD ngày 9/1/2013. Theo đó, có 33 doanh nghiệp thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại. Tổng công ty Lilama đã hoàn thành sắp xếp, cơ cấu lại tại 14 công ty; chưa hoàn thành sắp xếp, cơ cấu tại 19 công ty.
 
Trong đó, đến ngày 6/4/2016, (thời điểm Tổng công ty chuyển sang công ty cổ phần) hoàn thành sắp xếp, thoái vốn tại 7 doanh nghiệp đã thực hiện việc thoái vốn tại 5 doanh nghiệp nhưng chưa đạt tỷ lệ vốn nắm giữ của Tổng công ty tại các công ty này theo đề án đã được phê duyệt.
 
Cụ thể là: Công ty cổ phần Lilama 45-3 (theo đề án tái cơ cấu, tỷ lệ vốn tổng công ty là 36%, thực tế đã thoái một phần vốn nhưng vẫn nắm giữ 40,83%) một số khoản đầu tư của Tổng công ty tại Công ty CP Lilama 3, trước khi cổ phần hoá chỉ bán được một phần, sau khi cổ phần hoá mới thoái được toàn bộ.
 
 
Công ty cổ phần LILAMA UDC (theo đề án tái cơ cấu, phải thoái toàn bộ vốn đầu tư, tuy nhiên trước cổ phần hoá bán đấu giá nhưng không thành công, sau khi cổ phần hoá mới bán được một phần vốn hiện Tổng công ty vẫn nắm giữ 15,25%).
 
Công ty CP Bất động sản Lilama, theo đề án tái cơ cấu đến hết năm 2015 Tổng công ty phải thoái toàn bộ vốn đầu tư, tuy nhiên sau khi cổ phần hoá năm 2016 vốn của Tổng công ty vẫn chiếm tỷ lệ 50% vốn điều lệ tại công ty này.
 
Tại thời điểm thanh tra Tổng công ty Lilama vẫn chưa hoàn thành việc sắp xếp, thoái vốn theo đề án đã phê duyệt tại 11 doanh nghiệp.
 
11 doanh nghiệp đó là Công ty cổ phần LILAMA 5, Công ty Cổ phần LILAMA 7, Công ty CP Cơ khí Lắp máy LILAMA, Công ty cổ phần thuỷ điện Sông Vàng, Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, Công ty cổ phần thuỷ điện Hùa Na, Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí, Công ty cổ phần xi măng Thăng Long, Công ty cổ phần TVTK XD&CN LILAMA (góp vốn bằng thương hiệu), Công ty cổ phần Cơ – Điện – Môi trường (góp vốn bằng thương hiệu) Công ty cổ phần LILAMA SHB (góp vốn bằng thương hiệu)….
 
Về nội dung thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các Tổng công ty, thoái vốn Nhà nước theo quyết định số 929/2012/QĐ-TTg ngày 17/7/2012, và quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo đó, thực hiện quyết định số 929/2012/QĐ-TTg ngày 17/7/2012, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thời điểm thanh tra, Bộ Xây dựng đã thực hiện thoái vốn Nhà nước tại 12 Tổng công ty – Công ty cổ phần, trong đó, thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty DICTCT và Xây dựng Bạch Đằng – CTCP.
 
Công ty cổ phần Lilama mặc dù đã thực hiện việc thoái vốn nhưng một số Tổng công ty vẫn chưa xử lý dứt điểm việc thoái vốn đối với các khoản đầu tư ngoài ngành, một số khoản đầu tư không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, khoản đầu tư có nhiều rủi ro, thua lỗ. Thực hiện trái với quy định tại điểm d khoản 3 phần III điều 1, quyết định số 929/2012/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
 
“Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. Đối với các lĩnh vực: ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước…”
 
Qua thanh tra, đã phát hiện Tổng công ty Lilama đã đầu tư vào Công ty cổ phần bất động sản Lilamaland số tiền là 6.619 triệu đồng; đầu tư vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, hội sở chính số tiền 134.367 triệu đồng; đầu tư vào Công ty cổ phần Chứng khoán Sen Vàng số tiền 6.750 triệu đồng.
 
Mặc dù được yêu cầu thoái toàn bộ vốn năm 2019 thực hiện theo quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, của Thủ tướng Chính phủ tuy nhiên Tổng công ty Lilama vẫn còn 97.88% số vốn.
 
Có 7 Tổng công ty do Bộ Xây dựng là đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước thuộc đối tượng phải chuyển giao về SCIC, chưa được Bộ Xây dựng chuyển giao đại diện chủ sở hữu về SCIC nhưng Bộ đã chấp thuận chủ trương cho các Tổng công ty này chuyển nhượng vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết như vậy là không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đó có Tổng công ty Lilama.
 
Việc thoái vốn một số khoản đầu tư của Tổng công ty Lilama trong khi Bộ Xây dựng chưa thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng công ty Lilama về SCIC nhưng Bộ chấp thuận chủ trương để 2 Tổng công ty này thoái vốn đầu tư. Trong đó Tổng công ty Lilama thoái vốn tại Công ty cổ phần Lilama 45-4, Công ty cổ phần Lilama 3, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Lilama; Tuy nhiên việc Bộ chấp thuận chủ trương để Tổng công ty này thoái vốn khi chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC là thực hiện không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù các khoản đầu tư này thuộc danh mục đầu tư ngoài ngành, kém hiệu quả, không mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp và thuộc danh mục thoái vốn theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
 
 
Xác định không đúng giá trị doanh nghiệp
 
Liên quan đến việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, trong quá trình xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 10 công ty mẹ cho thấy một số khuyết điểm, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền tạm tính đến thời điểm thanh tra là 5.690.445 triệu đồng.
 
Trong quá trình xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại một số Tổng công ty còn tình trạng nhiều khoản công nợ phải thu, phải trả chưa hoàn thành việc đối chiếu xác nhận trong đó có Tổng công ty Lilama, vi phạm theo quy định Nghị định số 59/2011/NĐ-CP; xác định giá trị doanh nghiệp không đầy đủ, không chính xác, không đúng quy định, thiếu khoản lãi tiền gửi, giá trị thương hiệu, khấu hao công cụ dụng cụ, xoá khoản nợ không đúng quy định… với tổng số tiền 23.330 triệu đồng.
 
Tại Tổng công ty Lilama thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và được Bộ Xây dựng phê duyệt tại quyết định 269/QĐ-BXD ngày 10/3/2015, qua thanh tra phát hiện:
 
Công ty TNHH Kiểm toán CPA VIETNAM tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp trong đó xác định giá trị thương hiệu của Tổng công ty Lilama là 5.259 triệu đồng; tuy nhiên giá trị thương hiệu của Tổng công ty Lilama do tư vấn xác định chưa chính xác, thấp hơn quy định. Theo đó, giá trị thương hiệu của Tổng công ty Lilama được xác định lại là 7.623 triệu đồng, tăng so với công ty tư vấn xác định là 2.364 triệu đồng.
 
Khi xác định giá trị doanh nghiệp Tổng công ty và công ty tư vấn không tính số tiền 42 triệu đồng đối với tài sản công cụ, dụng cụ quản lý đã phân bổ hết giá trị vào chi phí nhưng tiếp tục sử dụng sau cổ phần hoá, giá trị các tài sản này chưa được tính vào giá trị doanh nghiệp là trái quy định.
 
Thanh tra Chính phủ cho rằng, Tổng công ty Lilama đã xác định khung thời gian trích khấu hao một số tài sản cố định không đúng quy định theo Thông tư của Bộ Tài chính làm giảm giá trị còn lại đối với một số tài sản cố định hữu hình, làm giảm giá trị doanh nghiệp (phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cổ phần hoá số tiền là 1.215 triệu đồng.
 
Qua thanh tra đã xác định giá trị thương hiệu của Tổng công ty Lilama tăng thêm là 2.364 triệu đồng và giá trị công cụ dụng cụ tăng thêm là 1.257 triệu đồng; tổng số tiền 3.621 triệu đồng và giá trị công cụ, dụng cụ tăng thêm là 1.257 triệu đồng; tổng số tiền 3.621 triệu đồng phải được ghi tăng vốn Nhà nước của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá Tổng công ty Lilama.
 
Bên cạnh đó, trong thực hiện đề án tái cơ cấu cổ phần hoá doanh nghiệp Tổng công ty Lilama còn một số tồn tại, khuyết điểm về lựa chọn tư vấn thực hiện cổ phần hoá; tiến độ xác định giá trị doanh nghiệp; xử lý một số tài sản không cần dùng, chờ thanh lý; về vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ.
 
Thanh Bình